Chấm thi tốt nghiệp THPT đợt 2: Không vì số lượng ít mà lơ là, chủ quan, làm tắt

GD&TĐ - Với số lượng bài thi ít, nhưng mọi chuẩn bị, quy trình chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đợt 2 đều được triển khai chặt chẽ, nghiêm túc.

Hội đồng chấm thi môn tự luận trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Hội đồng chấm thi môn tự luận trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Bên cạnh chuyên môn, công tác phòng chống dịch trong chấm thi cũng được địa phương đặt lên mức cao nhất.

Chấm thi “3 tại chỗ”

Để phòng chống dịch Covid-19, một số địa phương thực hiện phương châm “3 tại chỗ”: Làm việc, ăn, nghỉ tại địa điểm chấm thi cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ.

“Đợt này, Vĩnh Long tổ chức chấm tập trung tại 1 địa điểm và các cán bộ, giáo viên làm việc, ăn, nghỉ tại địa điểm chấm thi từ khi bắt đầu đến lúc hoàn thành nhiệm vụ. Dự kiến, 10/8 sẽ hoàn thành công tác chấm phúc khảo đợt 1 và 12/8 sẽ hoàn thành công tác chấm thi đợt 2” - ông Trịnh Văn Ngoãn cho hay.

Ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho biết: Sở GD&ĐT tổ chức chấm thi phúc khảo đợt 1 và chấm thi đợt 2 trên tinh thần nghiêm túc, bảo đảm các quy trình, quy định của quy chế và các yêu cầu phòng chống dịch Covid-19. Do số bài không nhiều, nên mỗi đợt chấm chỉ kéo dài 1 - 2 ngày. Tất cả thành viên các Ban Thư ký, Ban Làm phách, Ban Chấm bài thi tự luận, Ban Chấm bài thi trắc nghiệm và Đoàn Thanh tra thi do Sở GD&ĐT thành lập đều được tiêm vắc-xin mũi 2, được test nhanh Covid-19.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đợt 2, Đồng Nai có 2 điểm thi đặt tại huyện Thống Nhất, nơi mà trước đây các thí sinh nằm trong vùng phong tỏa không thể tham dự. Tổng số có 340 thí sinh trong tỉnh và 15 thí sinh tỉnh/thành khác dự thi. Hiện, công tác chấm thi đợt 2 đang được triển khai.

Chia sẻ của ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai, trong đợt 1, Trường THPT Trấn Biên được chọn làm địa điểm tổ chức chấm thi. Tuy nhiên, hiện nay trường này được trưng dụng tạm thời làm cơ sở cách ly phục vụ phòng chống Covid-19, nên chấm thi đợt 2 được thực hiện ngay tại cơ quan sở GD&ĐT. Cán bộ làm công tác chấm thi tiếp tục được bố trí ăn, nghỉ tại nơi chấm như đã triển khai ở đợt 1.

“Mặc dù, đợt thi này số thí sinh rất ít, nhưng vấn đề nghiêm túc, đúng quy chế luôn được đặt lên hàng đầu, không thể chủ quan, lơ là. Từng bước, từng quy trình, từ làm phách, cách ly người làm phách, chấm thi, chấm kiểm tra, tranh tra, giám sát... đều thực hiện đúng theo quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Dự kiến thời gian làm việc của Ban Chấm thi, từ khâu làm phách cho đến khi có kết quả điểm đầy đủ là 1 tuần” - ông Võ Ngọc Thạch thông tin.

Thực hiện công tác chấm bài thi trắc nghiệm.
Thực hiện công tác chấm bài thi trắc nghiệm.

Không lơ là, chủ quan

Dù số lượng bài thi ít hơn nhiều so với đợt 1, có hội đồng chỉ hơn chục thí sinh, nhưng công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực; từng bước, từng quy trình thực hiện chấm thi đều được thực hiện nghiêm túc.

Hội đồng thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đợt 2 tỉnh Đắk Lắk có 16 thí sinh đăng ký dự thi; tuy nhiên, chỉ có 12 thí sinh đến dự thi. Với số lượng bài thi ít, sáng 9/8, địa phương đã hoàn thành chấm môn tự luận. Môn trắc nghiệm đã đến công đoạn gửi các đĩa CD 0, 1, 2 về Bộ GD&ĐT; đợi Bộ gửi đáp án để tiếp tục hoàn tất quy trình chấm trắc nghiệm.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk Đỗ Tường Hiệp cho biết: Dù số bài thi rất ít, nhưng mọi công tác chuẩn bị, từ cơ sở vật chất đến nhân lực; quy trình chấm thi đều thực hiện nghiêm túc theo quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Cán bộ làm công tác chấm thi đều được tiêm phòng Covid-19, được test nhanh trước khi làm nhiệm vụ. Quá trình chấm thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch…

An Giang thực hiện công tác chấm thi đợt 2, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu. Hoạt động chấm tự luận được triển khai từ chiều 8/8, bắt đầu với việc họp lãnh đạo ban chấm thi và thanh tra chấm thi; họp trưởng môn chấm; tổ trưởng tổ chấm thi và toàn bộ tổ chấm kiểm tra để quán triệt học tập quy chế thi, thảo luận hướng dẫn chấm thi, thống nhất cách áp dụng hướng dẫn chấm. Chiều 9/8, họp toàn thể cán bộ chấm thi để quán triệt học tập quy chế chấm thi, thảo luận hướng dẫn chấm thi, thống nhất cách áp dụng hướng dẫn chấm. Ngày 10/8, tiếp tục thảo luận hướng dẫn chấm thi, thống nhất cách áp dụng hướng dẫn chấm; đồng thời bắt đầu triển khai chấm chung 10 bài. Hoạt động chấm chính thức bài thi tự luận sẽ bắt đầu từ 11/8. Với khoảng gần 1.600 bài thi tự luận, dự kiến công tác chấm sẽ hoàn thành vào 16/8.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho biết: Kế hoạch và công tác chuẩn bị chấm thi đợt 2 được An Giang triển khai chu đáo từ sớm. Khu vực chấm thi có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy và có công an bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày.

“Đợt 2 có số lượng bài thi ít hơn nhiều, nhưng mọi quy trình đều thực hiện nghiêm theo đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Công tác phòng chống dịch bệnh được quán triệt triển khai nghiêm túc. Phần lớn cán bộ chấm thi được huy động là giáo viên các trường tại TP Long Xuyên, thực hiện 1 cung đường 2 điểm đến; một số ít giáo viên các huyện lân cận (khoảng 10 người) được bố trí ăn nghỉ tại chỗ và chấm thi. Việc quán triệt học tập quy chế chấm thi, thảo luận hướng dẫn chấm thi, thống nhất cách áp dụng hướng dẫn chấm, chấm chung tổ chức theo hình thức trực tuyến bằng mạng LAN nội bộ” - ông Nguyễn Quốc Khanh cho hay.

Tại Bình Định, nơi có khoảng hơn 2.500 thí sinh dự thi đợt 2, cũng đang triển khai nghiêm túc công tác chấm thi. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Trưởng phòng Quản lý chất lượng giáo dục - Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT, từ 9/8, cán bộ chấm thi thực hiện thảo luận đáp án, chấm chung 10 bài thi tự luận; để ngày 10/8 tiến hành chấm theo 2 vòng độc lập. Dự kiến chấm tự luận, trắc nghiệm sẽ hoàn thành vào ngày 12/8. Công bố kết quả thi đợt 2 vào 24/8 theo đúng quy định.

“Dù số lượng ít nhưng không có việc làm tắt hay đơn giản hóa quy trình chấm. Mọi chuẩn bị, các quy trình, khâu chấm đều được thực hiện như đợt 1, theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Việc phòng dịch được thực hiện chặt chẽ. Mỗi phòng chấm tự luận gồm 11 cán bộ chấm thi. Để thuận lợi cho việc đi lại của cán bộ chấm thi và an toàn phòng dịch, hầu hết cán bộ chấm được chọn đều ở Quy Nhơn - nơi đặt địa điểm chấm thi. Chỉ có 14 cán bộ chấm thi ở thị xã Hoài Nhơn được bố trí ở tập trung tại Nhà khách Tỉnh ủy” - bà Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.