Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sinh viên: Nhận diện và ứng phó

GD&TĐ - Sự việc nam SV tử vong do rơi từ tầng 5 khiến nhiều người đặt ra vấn đề định hướng và giải quyết các yếu tố nguy cơ liên quan đến sức khỏe tâm thần ở trường học.

Sinh viên Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng) tham gia buổi vẽ tranh được tổ chức vào cuối tuần. Ảnh: VNUK cung cấp
Sinh viên Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng) tham gia buổi vẽ tranh được tổ chức vào cuối tuần. Ảnh: VNUK cung cấp

Một nam sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) tử vong do rơi từ tầng 5. Lực lượng chức năng phát hiện trên tầng 5 của tòa nhà này có một chiếc ba lô cùng cuốn sổ tay và một lá thư tuyệt mệnh được cho là của nạn nhân. Sự việc trên khiến nhiều người đặt ra vấn đề định hướng và giải quyết các yếu tố nguy cơ liên quan đến sức khỏe tâm thần ở trường học.

Nhận diện áp lực

Từ buổi trao đổi mang tên “Peer Pressure: Có khó để vượt qua?” do Đoàn trường Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) tổ chức cho thấy, trong môi trường đại học, ngoài áp lực từ học tập, nghiên cứu, sinh viên còn chịu nhiều áp lực khác.

ThS Trần Thị Thanh Thảo - Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế cho biết, Peer Pressure hiểu đơn giản là việc bạn bị áp lực từ những người đồng trang lứa, trường học, gia đình cho đến xã hội, từ cuộc sống thực đến mạng ảo luôn có ai đó để bạn nhìn vào và so sánh. Trước sự thành công của những người bạn đồng trang lứa hay thậm chí người nhỏ hơn mình, bạn bỗng chốc cảm thấy mình bị áp lực, bực bội…

BS Lâm Tứ Trung - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, Giám đốc Trung tâm tham vấn và chăm sóc sức khỏe tinh thần Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) nhận định: “Nhìn chung, giới trẻ hiện nay thường đối mặt với nhiều áp lực đến từ việc học tập, kỳ vọng của gia đình, những vấn đề về kinh tế, sức khỏe, tác động của mạng xã hội, bạo lực học đường… có xu hướng tăng cao và phức tạp”.

Chỉ xét riêng yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của vị thành niên do UNICEF tại Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT công bố, có khoảng 20% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đây là nguyên nhân, biểu hiện, đồng thời là hệ quả của những áp lực mà học sinh đang gánh chịu.

Phòng tham vấn của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) được nhiều sinh viên tìm đến nhờ hỗ trợ khi có những vướng mắc về quan hệ tình cảm bạn bè, xung đột với cha mẹ hoặc những vấn đề của bản thân với các dấu hiệu lo lắng, mệt mỏi về tinh thần…

ThS tâm lý Nguyễn Thị Hồng Nhung - giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục, cho biết, có nhiều sinh viên gặp khó khăn, vướng mắc từ năm thứ nhất nhưng không sẵn sàng chia sẻ. Đến khi các em gặp tình trạng nặng hơn, suy nghĩ đến vấn đề tự sát mới tìm đến phòng tham vấn để nhờ hỗ trợ.

Trong tháng 10/2024, Trường Đại học Đông Á đẩy mạnh chương trình tầm soát và chăm sóc sức khỏe tinh thần trong sinh viên. Từ những câu chuyện trao đổi của sinh viên tại phòng tham vấn tâm lý, có thể thấy một trong những vấn đề gặp phải trong sức khỏe tâm thần của học sinh, sinh viên là áp lực đồng trang lứa.

nhan-dien-va-ung-pho-1.jpg
Sinh viên Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng) với trải nghiệm tự làm bánh pizza. Ảnh: VNUK cung cấp

Trang bị chiến lược quản lý stress

Ngoài phòng Tư vấn tâm lý, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, (VNUK) thuộc Đại học Đà Nẵng còn tổ chức nhiều hoạt động mang tính chất “tự chữa lành”, tạo sự cân bằng cho sinh viên. Theo đó, người học có thể tự do khám phá, sáng tạo với các hoạt động nhẹ nhàng như vẽ tranh, ép hoa, tự may túi tote, trang điểm. Những sinh viên yêu thích ẩm thực có thể tìm đến khóa học Tập làm bánh pizza hay Thử rượu.

“Trên hành trình 4 năm đại học, sinh viên không thể tránh khỏi áp lực liên quan đến học hành, tình cảm, gia đình, muộn phiền trên con đường trưởng thành hay sự phân vân trước những lựa chọn. Không nhất thiết phải có một biến cố lớn các bạn mới sử dụng “tấm vé” của mình để gõ cửa văn phòng. Đôi khi, sinh viên tìm đến văn phòng tư vấn tâm lý chỉ đơn giản để ngồi cười, khóc hay kể một câu chuyện”,

TS Nguyễn Thị Mỹ Hương - Trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh, VNUK chia sẻ. Xuất phát từ chữ “thương”, chuyên viên tư vấn tâm lý sẽ hướng dẫn sinh viên cách tự chữa lành, tăng “sức đề kháng” và tự tìm ra phương hướng giải quyết những vấn đề của bản thân.

Nhiều trường đại học, ký túc xá đã thành lập phòng tham vấn và trị liệu tâm lý để hỗ trợ cho sinh viên. Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh thành lập Trung tâm tham vấn tâm lý và hỗ trợ phát luật; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) có 2 phòng tham vấn và trị liệu tâm lý đã đi vào hoạt động hơn 5 năm. Trung tâm quản lý Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM đưa phòng Hỗ trợ sức khỏe tinh thần để giúp đỡ sinh viên nội trú từ tháng 8/2022.

Những vấn đề tâm lý sinh viên tìm đến chuyên gia hỗ trợ thường là lo âu, trầm cảm, ám ảnh và căng thẳng. Trong đó, áp lực học tập chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn đề tâm lý ở sinh viên và nó như giọt nước tràn ly. Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân sâu xa từ gia đình, cách thức giáo dục từ nhỏ đến lớn của cha mẹ; các em không tìm thấy điểm tựa vững vàng để được chia sẻ, quan tâm…

PGS.TS tâm lý Nguyễn Thị Hằng Phương - Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, thanh niên thiếu kỹ năng thực hành xã hội thường có xu hướng cô lập, chán nản, dễ tức giận và gây ra các hành động tiêu cực. Vì thế, việc nắm bắt kỹ năng sẽ giúp thanh niên cải thiện khả năng giao tiếp, thiết lập các mối quan hệ tốt đẹp và tăng khả năng ứng phó, xử lý tình huống của bản thân.

Theo BS Lâm Tứ Trung, có nhiều nguyên nhân khiến không ít bạn trẻ ngại nói về sức khỏe tâm thần. Đó có thể do nhận thức về sức khỏe tâm thần chưa đúng đắn… Hơn nữa, tâm lý chung của người trẻ thường cho rằng mình ổn và có thể tự “chữa lành” những thương tổn về tâm lý. Chưa kể, một bộ phận chưa chấp nhận mình có các triệu chứng rối loạn tâm lý, ngại và sợ cái nhìn từ xung quanh về chuyện thăm khám, điều trị các rối nhiễu tâm lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều trẻ em Anh phải học trong các lớp học xuống cấp, sàn nhà sụp lún.

Trường học Anh xuống cấp

GD&TĐ - Báo cáo mới đây của tờ The Guardian cảnh báo hơn 1,5 triệu trẻ em tại Anh đang học trong những ngôi trường xuống cấp nghiêm trọng...

Minh họa/INT

Những ngày rối ren

GD&TĐ - Ngay khi Hàn Quốc bước vào năm mới 2025, Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội Yoon Sukyeol ra tuyên bố 'sẽ chiến đấu đến cùng' chống lại lệnh bắt giữ.