Ảnh hưởng tâm lý
Mới đây, Karin Nadia Utami và Renisa Aru Ariadno - hai chuyên gia y khoa của Trường Y, Đại học Indonesia cùng các trợ lý thuộc khoa Tâm thần trẻ vị thành niên của Bệnh viện Cipto Mangunkusumo đã thực hiện một nghiên cứu. Kết quả cho thấy, việc kiểm dịch và phong tỏa đã gây ra nỗi sợ hãi cũng như lo lắng trong xã hội, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần, trong đó có trẻ em.
“Mặc dù, chúng tôi có thể đồng ý rằng, việc ở nhà và tự cách ly là điều cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, nhưng biện pháp này có thể sẽ mang lại một số tác động tiêu cực, đặc biệt là đối với trẻ em”, Karin và Renisa cho biết.
Cũng theo nghiên cứu này, khi không đi học, các em ít hoạt động hơn, có thói quen ngủ thất thường và sử dụng nhiều thực phẩm không lành mạnh. Do đó, những điều kiện này thường dẫn đến tăng cân và giảm thể lực. Nghiên cứu cũng khẳng định, những ảnh hưởng này có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn khi trẻ ở nhà và không có bất kỳ hoạt động ngoài trời hay tương tác với bạn bè.
Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ cần chú ý hơn đến sức khỏe tinh thần của con trong thời gian này. “Những căng thẳng mà người trẻ phải trải qua trong đại dịch, như thời gian cách ly lâu, sợ bị lây nhiễm, buồn chán, không liên lạc với bạn bè, thiếu không gian riêng khi ở nhà... có thể ảnh hưởng đến tâm lý của họ”, các nhà khoa học nói.
Các chuyên gia Indonesia khuyến cáo, để giảm bớt ảnh hưởng xấu đối với trẻ em, chính phủ, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng, nhà trường và phụ huynh cần hiểu được mặt trái của việc cách ly dài ngày, nhằm giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.
WHO đã đưa ra một hướng dẫn về sức khỏe tâm thần trong đại dịch Covid-19. Hiệp hội Tâm thần Indonesia đang sử dụng hướng dẫn này để quản lý sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên trong đại dịch. Một trong những phương pháp được đề cập là làm thế nào để giúp trẻ đối phó với căng thẳng liên quan đến Covid-19.
Trong trường hợp khẩn cấp như đại dịch, trẻ em có thể biểu hiện căng thẳng theo những cách khác nhau. Họ có thể đòi hỏi nhiều hơn, kích động, tức giận, lo lắng, có tâm trạng thất thường, thích ở một mình, một số thậm chí có những hành động nghịch ngợm. Điều quan trọng nhất là giữ cho trẻ em luôn năng động và cung cấp cho các em vốn hiểu biết cần có về tình hình hiện tại.
Vai trò quan trọng của gia đình
Bộ phận tâm thần và trẻ vị thành niên của Hiệp hội Tâm thần Indonesia cũng đã ban hành các hướng dẫn thông qua phương tiện truyền thông xã hội, giải thích cách giúp trẻ em và thanh thiếu niên duy trì sức khỏe tâm thần trong đại dịch. Các hướng dẫn nhấn mạnh, cha mẹ và người chăm sóc cần hỗ trợ con thông qua việc thực hiện các hoạt động ở nhà, tích cực tham gia hoạt động như học tập, chơi, thể dục và học các kỹ năng sống bằng cách giúp người lớn làm việc nhà.
Đối với không ít phụ huynh, những điều kiện mới này có thể là thách thức vì họ phải ở bên con cả ngày, hỗ trợ nhu cầu và có trách nhiệm nhiều hơn với trẻ. Theo các chuyên gia, để thực hiện điều này, cha mẹ cũng cần duy trì sức khỏe thể chất và tâm lý của bản thân, bằng cách dành thời gian quản lý công việc, cân bằng tâm trạng khi có thể thực hiện sở thích và vẫn luôn có mặt khi con cần giúp đỡ. “Trẻ em có thể cảm thấy nhẹ nhõm sau khi các em chia sẻ với phụ huynh về cảm nhận của mình”, nghiên cứu nhận định.
Một cách khác để giúp trẻ em đối phó với tình hình hiện tại là giúp chúng tìm cách thể hiện bản thân, thông qua các hoạt động sáng tạo khác nhau. Cũng theo chuyên gia Indonesia, điều quan trọng cần lưu ý là, trường hợp khẩn cấp như đại dịch hiện tại, ảnh hưởng đến mỗi đứa trẻ theo những cách khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm, kinh nghiệm và nền tảng kinh tế - xã hội của chúng.
Một số trẻ có thể có phản ứng nghiêm trọng so với bạn đồng trang lứa. Những thay đổi thái độ phổ biến mà trẻ có thể gặp phải bao gồm: Khóc quá nhiều, lo lắng quá mức hoặc buồn bã, thói quen ăn uống hoặc ngủ không lành mạnh, cáu gắt, khó tập trung, đau đầu không rõ nguyên nhân hoặc đau cơ thể và sử dụng rượu, thuốc lá, hoặc các chất kích thích. Nghiên cứu khuyến cáo, trước khi trường hợp khẩn cấp diễn ra, điều quan trọng là cha mẹ cần nói chuyện với trẻ em về các điều kiện trong tương lai và cho chúng biết về kế hoạch an toàn.
“Khi trường hợp khẩn cấp đang xảy ra, cha mẹ cần giữ bình tĩnh và trấn an con trong khi thông báo cho trẻ về những gì đang xảy ra. Một khi trường hợp khẩn cấp chấm dứt, cha mẹ cần để con nói về những gì chúng đã trải qua, nhằm khuyến khích trẻ chia sẻ mối quan tâm”, các nhà khoa học cho biết.
Hai chuyên gia Karin và Renisa cho biết, trong thời gian này, cha mẹ nên dành thời gian nói chuyện với con về sự bùng phát của đại dịch, trả lời mọi câu hỏi và chia sẻ sự thật về Covid-19 theo cách dễ hiểu nhất, cũng như trấn an rằng trẻ luôn an toàn.
Cách đơn giản nhất mà cha mẹ hoặc người chăm sóc có thể giải quyết tình huống là bằng cách cho trẻ đủ tình yêu và sự chú ý để chúng có thể vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình. Điều quan trọng nữa là phải trung thực với trẻ em và giải thích cho các con những gì đang xảy ra trên thế giới, bằng lời nói và theo cách mà chúng có thể dễ dàng hiểu được. Khi cha mẹ hoặc người chăm sóc bình tĩnh trước Covid-19, họ sẽ gián tiếp đưa ra hình thức hỗ trợ tốt nhất cho con.