Đây cũng là giải pháp giúp toàn ngành hoàn thành nhiệm vụ năm học trong bối cảnh khó khăn chưa có tiền lệ.
Thế nhưng, trên thực tế, việc học trực tuyến còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt với vùng sâu, vùng xa. Chúng ta đã chứng kiến những “lớp học” đặc biệt giữa đồi cao, mà cơ sở vật chất nếu tốt thì là cái lán tự dựng, đơn giản hơn là chiếc ghế nhựa hoặc tấm bạt nhỏ…, để bắt được sóng học trực tuyến. Mọi khái niệm truyền thống đã thay đổi, khi “lớp học” không còn tại trường mà ở bất cứ nơi nào có sóng 3G, 4G với máy tính hoặc chiếc điện thoại thông minh làm công cụ.
Khó khăn hơn nữa là những học sinh không thể có điều kiện học trực tuyến. Đó là những học sinh nghèo mà việc có được chiếc điện thoại thông minh, hay máy tính để học là giấc mơ xa vời. Đó còn là những em mà nơi sống còn chưa có Internet, thậm chí chưa có điện lưới… Con số những học sinh này lớn hơn chúng ta nghĩ. Chỉ tính riêng 26 tỉnh/thành phố đang triển khai học trực tuyến, đến ngày 12/9 có tới 1,5 triệu em như vậy.
Trong thời gian qua, để học sinh không bị đứt đoạn việc học, nhiều thầy cô không quản nắng mưa, đường xa, đến từng nhà học sinh giao bài tập, truy bài, hỗ trợ học sinh ôn tập kiến thức.... Nhưng, đây không thể là cách để đi đường dài, khi mà công cuộc chống dịch khó xác định hồi kết; khi chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong dạy học trở thành xu thế không thể đảo ngược. Nếu không có giải pháp kịp thời, “sự bất bình đẳng trong giáo dục có nguy cơ bùng phát thành vấn đề lớn và không chỉ còn là việc của riêng ngành GD-ĐT” như trăn trở của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Trước vấn đề lớn này, Chương trình “Sóng và máy tính cho em” quy mô toàn quốc đã được phát động. Có lẽ thật hiếm có chương trình quy mô lớn nào, từ ý tưởng đến khi chính thức ra mắt chưa đến 5 ngày. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, vào cuộc nhanh chóng của các bộ ngành, địa phương, ngay trong lễ ra mắt đã tiếp nhận được hơn 1 triệu máy tính, tương đương 2.350 tỉ đồng; giá trị phủ sóng tương đương 3 nghìn tỉ đồng. Mỗi chiếc máy tính bảng sẽ được cài sẵn phần mềm kiểm soát truy nhập, giúp bảo đảm an toàn cho học sinh trên không gian mạng.
Chương trình ngay lập tức lan tỏa mạnh mẽ đến 63 tỉnh, thành. Như Hà Nội, trong một tuần, địa phương này đã huy động được 2.345 máy tính, điện thoại thông minh hỗ trợ học sinh khó khăn học trực tuyến. Nhiều địa phương, lãnh đạo tỉnh gửi thư ngỏ kêu gọi ủng hộ thiết bị học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; hoặc ngay lập tức lên kế hoạch, kịch bản triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em” trên địa bàn.
Trong thời gian gần, hơn 1 triệu máy tính sẽ đến tay các học sinh nghèo. Với không ít em, đây là “giấc mơ trở thành hiện thực”. Và chúng ta khó đong đếm tác động của nó lớn đến mức nào, bởi lẽ có thể nhiều cuộc đời sẽ được thay đổi theo hướng tốt hơn. Nói như Thủ tướng Phạm Minh Chính, “giúp các em học tập hôm nay là chăm lo cho tốc độ và chất lượng phát triển đất nước trong tương lai”.