Lâu nay mọi người cứ nghĩ các cơ sở giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông, mầm non thường trong sạch, ít liên quan đến tài chính, kinh phí hạn hẹp... Từ đó, người ta liên tưởng tới cuộc sống của cán bộ quản lý giáo dục khó khăn, với đồng lương ít ỏi!
Tuy nhiên, với việc phanh phui ra hàng loạt vụ lạm thu, chi tiêu sai nguyên tắc tài chính lên đến hàng tỷ đồng thì mọi người mới... ngã ngữa, thốt lên ngạc nhiên “trường học sao mà tiền nhiều thế”!
Có thể nói rằng kinh phí ngân sách cấp các trường học không nhiều, so với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập khác. Kinh phí cho trường học chủ yếu là để chi trả lương, phụ cấp và một khoản nhỏ để chi thường xuyên.
Do đặc thù là cơ sở giáo dục, không thực hiện các khoản chi đặc thù như công tác phí, chương trình, kế hoạch bên ngoài nên việc thu chi đều có quy định, định mức, mục đích rõ ràng, cụ thể. Vì thế, nếu có việc chi sai nguyên tắc xảy ra thì số tiền vi phạm thường không lớn, nhất là không thể che dấu và kéo dài, vì rất dễ phát hiện, tố giác.
Do đó, việc thu chi sai nguyên tắc trong trường học chủ yếu là chi từ các nguồn thu khác như xã hội hóa, đóng góp, ủng hộ từ các cá nhân, tổ chức. Thông thường để có được nguồn kinh phí lớn các trường tự ý đặt ra các khoản thu bất hợp lý, lạm thu từ học sinh... Và tất nhiên khi có được các khoản thu này thì xảy ra tình trạng chi sai nguyên tắc, tiêu cực...
Từ những vụ việc tiêu cực, lùm xùm, khiếu nại, tố cáo liên quan đến thu chi tài chính mà ảnh hưởng rất lớn đến môi trường giáo dục.
Để giải quyết căn cơ việc thu chi sai nguyên tắc, tham nhũng, tiêu cực trong trường học, nhất là bậc học phổ thông thì cơ quan chức năng cần kiên quyết chấm dứt tình trạng lạm thu, thu sai quy định đang diễn ra hiện nay. Đối với những nguồn thu từ xã hội hóa, ủng hộ, đóng góp của cá nhân, tổ chức để phục vụ dạy và học tốt hơn cần phải được kiểm soát chặt chẽ.
Có ngăn được “lạm thu” sẽ góp phần hạn chế những vụ “lùm xùm” về chi tiêu tài chính trong các trường học - nơi vốn chỉ dành cho giáo dục nhân cách, văn hóa.