Tuy nhiên, cử tri đề nghị cần xem xét ngân sách phân bổ cho GD phải đảm bảo cho các trường THCS tự hoạt động và phải công khai minh bạch cũng như nâng cao công tác quản lý, giám sát để tránh tình trạng tìm mọi cách tận thu, lạm thu như bậc tiểu học. Cử tri cho rằng, việc miễn, giảm học phí không có ý nghĩa nếu tổng chi phí năm học của mỗi HS vẫn tăng cao và là gánh nặng cho phụ huynh. Do đó, vấn đề chính là cần xem xét thấu đáo, cặn kẽ tất cả các khoản thu được phép của nhà trường để cân bằng với chi phí và ngân sách.
Vấn đề này được Bộ GD&ĐT trả lời như sau:
Thứ nhất, về xem xét ngân sách phân bổ cho GD phải đảm bảo cho các trường THCS tự hoạt động và phải công khai minh bạch cũng như nâng cao công tác quản lý, giám sát:
Thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu xây dựng Nghị định về quản lý cơ sở GDMN, phổ thông công lập, theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền về tổ chức bộ máy, nhân sự, hoạt động chuyên môn và tài chính (bao gồm cả cơ chế phân bổ ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư) để tăng cường cơ chế tự chủ của đơn vị trong tổ chức hoạt động, bộ máy, nhân sự và tài chính. Đồng thời quy định trách nhiệm giải trình để công khai minh mạch và cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai, về xem xét tất cả các khoản thu được phép của nhà trường để cân bằng với chi phí và ngân sách:
Theo quy định của Luật GD, ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác. Tuy nhiên, thời gian qua, một số địa phương và cơ sở GD vẫn để xảy ra tình trạng lạm thu gây bức xúc dư luận xã hội. Trong Chỉ thị năm học 2017 - 2018 và các văn bản chỉ đạo khác, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các địa phương thực hiện thu, chi tại các cơ sở GD theo đúng quy định, tránh để tình trạng lạm thu gây khó khăn cho phụ huynh HS. Đồng thời, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lạm thu và cam kết thực hiện ổn định giá dịch vụ đối với lĩnh vực GD.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang rà soát các văn bản của Bộ để bảo đảm chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật. Các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải bảo đảm đúng tính chất tự nguyện của cá nhân, tổ chức tài trợ, đóng góp. Tuyệt đối không để lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đang xem xét bổ sung cơ chế về huy động các khoản tài trợ, xã hội hóa thực hiện thu, chi qua Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi, công khai, minh bạch, phần nào sẽ giảm bớt việc lạm thu của các cơ sở GD.
(Còn nữa)