Chăm con đúng cách ngày giao mùa

GD&TĐ - Các bệnh thường gặp ở trẻ khi thời tiết lạnh là viêm đường hô hấp trên, tiêu chảy, cảm cúm… Tuy nhiên, hầu hết bệnh diễn tiến lành tính, ít gây biến chứng nếu gia đình biết chăm sóc và theo dõi đúng cách.

Dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp trẻ khoẻ mạnh. Ảnh minh họa.
Dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp trẻ khoẻ mạnh. Ảnh minh họa.

Bệnh của mùa lạnh

Trong những ngày miền Bắc trở lạnh, không ít trẻ phải nghỉ học do mắc các bệnh về đường hô hấp. Khoa Nhi - Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Bạch Mai, đặc biệt là Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận số trẻ nhập viện tăng. Trong đó, không ít trẻ nhập viện khi bệnh nặng. Phần lớn, trẻ nhập viện trong tình trạng sốt, sổ mũi, ho, khó thở, đau tức ngực...

Sau khi được xác định bệnh bằng các xét nghiệm, khám, chụp phim, những trường hợp nhẹ được cho thuốc về nhà điều trị, theo dõi. Những trường hợp nặng được yêu cầu nhập viện.

Theo Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, từ đầu tháng 10 tới nay, số lượng bệnh nhi tới khám gia tăng đột biến, chủ yếu là bệnh lý liên quan tới thay đổi thời tiết như viêm mũi họng, cảm cúm, viêm phế quản, sốt phát ban... Đây là bệnh lý thường gặp ở trẻ khi thời tiết diễn biến thất thường từ nóng sang lạnh, hoặc từ lạnh sang nắng.

Bé Nguyễn Bảo (9 tháng tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội), có sốt 2 ngày, ho, mũi trong, đi ngoài phân lỏng 2 - 3 lần. Bé được đưa đi khám tại một phòng khám thì được chẩn đoán sốt virus, sau đó 2 ngày hết sốt nhưng lại xuất hiện ban đỏ rải rác toàn thân. Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC kết luận trẻ sốt phát ban.

Chăm sóc con sao cho đúng?

Chia sẻ về tình trạng này, bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng - giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM, cho biết: “Sự biến động nhiệt độ diễn ra nhanh sẽ làm hệ miễn dịch của trẻ vốn đã yếu nay càng yếu hơn”.

Bên cạnh đó, các virus gây bệnh dễ dàng phát triển và lan truyền hơn trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm. Các bệnh đứng đầu trong thời điểm này là viêm đường hô hấp trên, tiêu chảy, cảm cúm…Tuy nhiên, hầu hết bệnh diễn tiến lành tính, ít gây biến chứng nếu biết chăm sóc và theo dõi đúng cách.

Bác sĩ Tưởng đã chia sẻ những bí quyết giúp cha mẹ chăm sóc trẻ trong những ngày giao mùa. Theo chuyên gia này, bí quyết đầu tiên và vô cùng quan trọng là cho con được tiêm vắc-xin ngừa cúm. Lý do là bởi, bệnh cúm thường lây nhiễm qua đường hô hấp và gây những biến chứng khá nặng. Vì vậy, bác sĩ Tưởng nhấn mạnh, cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc cúm là tiêm phòng.  

Trẻ em được khuyến cáo tiêm vắc-xin ngừa cúm vào khoảng tháng 10, 11 hằng năm. Trẻ trên 6 tháng tuổi có thể tiêm vắc-xin phòng cúm. Trong khi đó, trẻ dưới 6 tháng được nhận miễn dịch từ mẹ nếu mẹ bé đã tiêm vắc-xin ngừa cúm trước hoặc trong khi mang thai và cho con bú sữa mẹ hoàn toàn.

“Bí quyết thứ hai, khi con sốt, đừng cố bất chấp tìm mọi cách để hạ sốt ngay lập tức. Thay vào đó, cần cố gắng bình tĩnh tìm nguyên nhân gây sốt”, chuyên gia nhấn mạnh. 

Trong khi đó, việc các bố mẹ cần làm là cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước, uống hạ sốt khi thân nhiệt trên 38,5 độ C. Theo bác sĩ Tưởng, thuốc hạ sốt an toàn có thành phần Paracetamol với liều 10 - 15 mg/kg/ 1 lần uống, uống cách 4 – 6 giờ, một ngày có thể uống tối đa 5 lần. Ví dụ, trẻ nặng 5 - 8kg có thể uống 1 gói Hapacol 80/lần. Trẻ nặng 10 - 15kg uống 1 gói Hapacol 150/lần. Trẻ nặng 16 - 25kg uống 1 gói Hapacol 250/lần.

Không vội dùng thuốc

Chắc hẳn, không ít ông bố bà mẹ bày tỏ lo lắng khi thấy con ho, đặc biệt là vào những ngày lạnh. Tuy nhiên, bác sĩ Tưởng nhận định, ho không phải là một dấu hiệu xấu.

Nguyên nhân ho thường gặp ở trẻ em là viêm hô hấp trên do virus. Do đó, triệu chứng này sẽ đỉnh điểm vào ngày thứ 2 - 3 của bệnh và kéo dài từ 10 – 14 ngày. 

“Ho là cách phòng vệ của cơ thể trong việc cố tống xuất những thứ như đàm nhớt, vật chất vi khuẩn ra khỏi đường hô hấp. Do đó, ho thật sự không đáng lo. Để làm giảm cơn ho cho trẻ, đối với trẻ trên 12 tháng, các bố mẹ có thể dùng 1/2 muỗng cafe mật ong 30 phút trước khi con ngủ”, chuyên gia gợi ý. 

Tuy nhiên, với trẻ dưới 12 tháng, việc uống các loại siro ho hay mật ong không được khuyến cáo. Thay vào đó, bác sĩ Tưởng cho biết, phụ huynh nên vệ sinh mũi cho trẻ bằng phương pháp waterpik giúp đường thở thông thoáng, trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Đáng chú ý, ho chỉ thực sự đáng lo khi xảy ra ở trẻ dưới 3 tháng tuổi hoặc đi kèm với sốt cao, bỏ bú, thở mệt, thở nhanh, thở co lõm, thở rít.

Trong trường hợp trẻ bị tiêu lỏng và ói, nguyên nhân thường gặp nhất là viêm dạ dày ruột do siêu vi (tiêu chảy cấp). Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc chống ói và cầm tiêu chảy không được khuyến cáo.

Việc bố mẹ cần làm là quan sát tính chất phân của con. Nếu phân đục như nước vo gạo, có nhầy máu, hoặc trẻ mất nước nhiều, li bì hay ói liên tục dù không ăn uống gì, cần nhanh chóng đưa con đi gặp bác sĩ. Nếu trẻ chỉ ói và tiêu lỏng ít, phụ huynh có thể bù nước cho con. 

“Vẫn tiếp tục cho trẻ ăn uống chậm từng chút một. Lúc này, cần nỗ lực cho trẻ uống nhiều nước. Tình trạng ói sẽ cải thiện trước, tình trạng tiêu lỏng sẽ ổn sau 5 - 7 ngày”, chuyên gia nói thêm.

Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng giúp trẻ có hệ miễn dịch vững vàng. Do đó, phụ huynh cần chú ý đến thành phần đạm và các vi chất. Đạm là cấu thành các tế bào miễn dịch. Trong đó, các vi chất là chất xúc tác quan trọng cho nhiều phản ứng sinh học, bao gồm đáp ứng miễn dịch. Đặc biệt, kẽm và sắt là hai vi chất quan trọng. Cần cho trẻ ăn thực phẩm giàu sắt và kẽm, như: Thịt bò, thịt gà, cá, trứng và hải sản. Ngoài ra, nên chú trọng tới trái cây có màu vàng, cam, đỏ như: Cam, bưởi, cà rốt, ổi, cà chua - Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...