Cha mẹ lắng nghe, trẻ “vui như Tết”

GD&TĐ - Trẻ lơ là việc học trong những ngày nghỉ lễ có thể được thông cảm nhưng cần có chừng mực.

Học sinh hoạt động vui chơi tại Trường Phổ thông Liên cấp IQ (HN).
Học sinh hoạt động vui chơi tại Trường Phổ thông Liên cấp IQ (HN).

Điều này không chỉ giúp trẻ vui vẻ đến lớp sau kỳ nghỉ, mà còn giúp thầy cô, cha mẹ tiết kiệm thời gian để con bắt nhịp việc học sau Tết.

Với tâm lý nghỉ xả hơi nên những ngày Tết trẻ thường không thiết tha việc học. Để trẻ theo kịp tiến độ học tập, phụ huynh cần phải tư vấn và theo sát để con không quên trường lớp. Bà Đỗ Thị Hường – giáo viên Trường Phổ thông Liên cấp IQ (HN) chia sẻ về những lưu ý để con quay lại trường vui vẻ sau kỳ nghỉ.

Đồng hành cùng con theo độ tuổi

- Theo bà, trẻ ở lứa tuổi nào thường có “biểu hiện” không hợp tác khi đến trường sau kỳ nghỉ Tết?

-  Ở mỗi độ tuổi, trẻ có biểu hiện khác nhau khi phải quay lại nhiệm vụ học tập sau thời gian dài được nghỉ xả hơi.

Trẻ ở độ tuổi mầm non thường dễ dàng nhận thấy nhất. Biểu hiện của trẻ thường là quấy khóc, mè nheo… thậm chí nôn trớ trong ngày đầu đến trường sau kỳ nghỉ dài. Ở lứa tuổi này, trẻ vẫn còn bám cha mẹ. Những ngày nghỉ, được ở gần gia đình nên trẻ có cảm giác vui vẻ, hạnh phúc. Vì vậy, khi nghĩ đến việc xa bố mẹ khiến trẻ không vui. Hơn nữa, trẻ mầm non vẫn ít khái niệm về bạn bè, thầy cô. Những kỉ niệm về điều đó chưa nhiều khiến trẻ còn e ngại phải xa gia đình.

Độ tuổi tiểu học, trẻ có biểu hiện rõ ràng bằng những phản ứng khi nói đến bài vở như buồn bã uể oải... Thói quen thức khuya, dậy muộn trong những ngày nghỉ cũng khiến con mệt mỏi khi phải dậy sớm hơn. Một số trẻ còn khóc khi đi học trở lại.

Các cấp học lớn hơn, nhiều trẻ mong muốn kỳ nghỉ kéo dài thêm để được vui chơi thoải mái. Tuy nhiên, độ tuổi này, các con đã nhận thức được việc đi học là điều tất nhiên nên phản ứng ra bên ngoài không quá nặng nề. Ở mỗi lứa tuổi khác nhau, cha mẹ sẽ có các phương pháp khác nhau để đồng hành cùng con khi quay lại trường.

Lắng nghe con kể…

- Sau Tết, có hàng tá chuyện để kể về việc các con “thái độ” khi ngày nghỉ đã kết thúc. Không ít cha mẹ chia sẻ với nhau phương pháp “trị” cách chống đối đi học trở lại của trẻ. Thế nhưng, các con có suy nghĩ gì khi quay trở lại trường?

- Học sinh Nguyễn Bảo Nam – Trường Tiểu học Ngọc Khánh (HN) chia sẻ: Tết thực sự là những ngày rất vui, chúng em được vui vẻ, đi chơi, được làm nhiều điều mà ngày thường không có. Tết còn được quây quần với cả nhà, thậm chí được về quê. Đối với chúng em, ngày nghỉ thật sự có ý nghĩa về mặt tinh thần. Vì thế, khi nhắc lại việc đi học, biểu hiện ban đầu thường là không vui. Thế nhưng, em được bố mẹ khơi gợi những kỉ niệm ở trường khiến em bắt đầu nhớ bạn bè. Em cũng mong đến trường để kể cho người bạn thân của em về việc mà em làm được trong kỳ nghỉ này. Nhiều bạn còn được cô giáo lì xì đồng tiền vàng, được bố mẹ tặng món đồ dùng yêu thích trong ngày đầu đến trường… Những điều này khiến chúng em không còn buồn khi kỳ nghỉ kết thúc. Ngược lại là mong chờ cho đến Tết năm sau.

Những chia sẻ này của trẻ phần nào sẽ giúp cha mẹ có các phương pháp thú vị, tích cực để con vui vẻ đến trường. Vì vậy, xét ở nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, lắng nghe con trẻ cũng là cách hiệu quả để giải quyết nhiều tình huống khó.

- Theo bà, ngoài việc giao bài tập cho con làm trong những ngày nghỉ Tết, cha mẹ và cả thầy cô cần có phương pháp gì để con hứng thú đến trường?

-  Trong những ngày nghỉ, cha mẹ chỉ cần nhắc nhở con ôn bài vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Tuy nhiên không nên gây áp lực, bắt con làm nhiều bài tập. Cha mẹ có thể khuyến khích con làm bài tập dễ hay các môn học yêu thích trước sau đó mới đến các bài tập khó. Bên cạnh đó, cha mẹ hãy đồng hành cùng con. Những ngày gần hết kỳ nghỉ, có thể cùng ngồi vào học với con.

Có một thực tế là việc nhiều phụ huynh khi thấy con chểnh mảng việc học sau Tết thường sẽ nổi cáu, nóng vội với các con. Lúc này, các mẹ cần phải bình tĩnh, thông cảm với con về việc lơ đãng chuyện học sau kỳ nghỉ dài. Thay vì sốt ruột, nóng vội thì cha mẹ nên giúp con lập kế hoạch chi tiết, chia nhỏ nhiệm vụ giờ này vào học, giờ kia nghỉ, không yêu cầu quá nhiều, thay vì tạo áp lực cho con bằng việc bắt con học này học kia thì mẹ nên nói vài lời khích lệ, khen ngợi để con có tinh thần tích cực. Trong trường hợp các con bướng bỉnh, nói không nghe lời, cha mẹ cần phải quán triệt rõ ràng việc học và chơi giống như khi con đang học trên lớp.

Với giáo viên, rất nhiều câu chuyện được chia sẻ việc sau Tết, học sinh của mình quên hết kiến thức cơ bản. Thậm chí, nhiều trẻ mất rất lâu mới lấy lại được tinh thần học tập. Thầy cô là những người có phương pháp và nghiệp vụ sư phạm, vì vậy, đây không phải là chuyện khó giải quyết. Cũng như cha mẹ, thầy cô không cần nóng vội bằng cách giao nhiều bài tập để trò ôn luyện. Mỗi đứa trẻ đều có cảm giác lo lắng sau kỳ nghỉ dài với nhiều thời gian thư giãn làm những điều mình thích bỗng dưng kết thúc. Vì thế, chỉ cần khéo léo đưa các con về “quỹ đạo” cũ thì chẳng mấy trẻ sẽ lại bắt nhịp được.

Để trẻ hào hứng đến trường dịp đầu năm, các bậc phụ huynh có thể kết hợp với nhà trường để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, dã ngoại. Ngoài ra, thầy cô và cha mẹ cũng có thể tổ chức một buổi liên hoan tại trường để trẻ được giao lưu và chia sẻ những kỉ niệm trong dịp Tết. Điều này sẽ tạo cảm giác vừa chơi vừa học giúp ngày đầu tiên đến trường của bé trở nên dễ “thở” và thú vị hơn. Tất nhiên tùy vào điều kiện của từng trường. Thế nhưng, có nhiều cách mà người lớn áp dụng để trẻ đến trường một cách tươi vui, thậm chí háo hức hơn ngày thường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.