CEO AWING: Nghĩ lớn, làm nhỏ và luôn hướng tới mục tiêu tạo ra giá trị

GD&TĐ - “Việc không kêu gọi đầu tư từ quỹ vốn khiến chúng tôi quen với làm việc khó. AWING quan niệm nghĩ lớn, làm nhỏ nhưng làm thật tốt để mang lại những giá trị cho khách hàng và cộng đồng”

Anh Nguyễn Tiến Dũng, CEO và nhà sáng lập AWING chia sẻ trong buổi tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động The Changemakers Series do Swinburne Việt Nam tổ chức.
Anh Nguyễn Tiến Dũng, CEO và nhà sáng lập AWING chia sẻ trong buổi tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động The Changemakers Series do Swinburne Việt Nam tổ chức.

Đó là chia sẻ của Anh Nguyễn Tiến Dũng, CEO AWING, tại buổi tọa đàm nằm trong chuỗi sự kiện The Changemakers Series của Swinburne Việt Nam.

The Changemakers Series là chuỗi tọa đàm truyền cảm hứng do Swinburne Việt Nam tổ chức. Với sự tham gia của những nhà lãnh đạo và người truyền cảm hứng trong nước và quốc tế, chương trình hướng tới mục tiêu mở rộng thế giới quan về những vấn đề nóng và khuyến khích tinh thần tiên phong thay đổi của sinh viên.

Mong muốn ấp ủ để tạo ra sản phẩm của người Việt, do người Việt

Tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, anh Dũng làm việc tại IBM Nhật Bản với vai trò kỹ sư cao cấp trong lĩnh vực sản xuất chip. Nhưng càng làm, anh càng nhận ra đây là một ngành quá rộng lớn và cạnh tranh bởi những người khổng lồ như Dell, IBM, Apple. Vì vậy, nếu muốn tìm ra cơ hội cho Việt Nam, anh sẽ phải tìm ra định hướng khác.

Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ với học bổng của chính phủ Hàn Quốc tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc, anh Dũng quyết định về Việt Nam và đầu quân tại FPT Software một thời gian. Vẫn ấp ủ dự định tự phát triển một sản phẩm của riêng mình và mô hình mang bản sắc Việt Nam, anh Dũng đã quyết định nghỉ việc để bắt đầu các startup của mình.

Anh Dũng ấp ủ xây dựng một sản phẩm “hoàn toàn Việt Nam,” sử dụng tài nguyên và giải quyết các vấn đề của thị trường Việt Nam.
Anh Dũng ấp ủ xây dựng một sản phẩm “hoàn toàn Việt Nam,” sử dụng tài nguyên và giải quyết các vấn đề của thị trường Việt Nam.

Tìm ngành “ngách” trong xu hướng chung

Sau một vài dự án không thành công, anh Dũng và đồng sự quyết định theo mô hình sharing economy - kinh tế chia sẻ đã mang lại sự thành công cho những tên tuổi lớn như Uber, Airbnb. Trong mô hình này, những bên tham gia sẽ chia sẻ các nguồn tài nguyên của mình thông qua một mạng lưới trung gian.

Nếu làm theo các mô hình đã thành công ở nước ngoài, việc gọi vốn từ các quỹ đầu tư sẽ dễ dàng hơn. Vậy nhưng anh Dũng muốn tạo nên một sản phẩm hoàn toàn Việt Nam, tận dụng các tài nguyên và giải quyết các vấn đề của thị trường Việt Nam.

Ở Việt Nam, dịch vụ wifi miễn phí hầu như ở khắp nơi, đặc biệt tại những địa điểm như nhà hàng, trung tâm thương mại, sân bay,.. Ở những nơi tập trung đông người như vậy, chất lượng và tốc độ đường truyền có thể không cao do wifi thường được coi là dịch vụ bổ sung miễn phí và không được chú trọng đầu tư.

Nắm bắt “điểm đau” này và tận dụng cơ sở hạ tầng có sẵn, anh Dũng và đồng đội thành lập AWING - nền tảng quảng cáo dựa trên địa điểm (location advertising) sử dụng hệ thống wifi. Với mô hình đem lại giá trị cho tất cả các bên tham gia, nhà cung cấp hạ tầng wifi sẽ nhận được phần lợi nhuận để đầu tư ngược vào cơ sở vật chất, các doanh nghiệp nhận được hiệu quả từ quảng cáo, và khách hàng được sử dụng wifi tốc độ cao.

Nhờ mô hình “win - win” - tất cả các bên đều có lợi này, AWING trở thành đối tác của những tập đoàn và doanh nghiệp lớn. Nếu đã từng sử dụng wifi miễn phí tại các địa điểm như Highland, các nhà hàng của Golden Gate Group, trung tâm thương mại Vincom..., chắc hẳn bạn đã nhìn thấy thương hiệu “Powered by AWING”. Tính tới nay, AWING đã có hơn 25 triệu người dùng và dự định sẽ lên sàn chứng khoán IPO trong tương lai gần.

Buổi tọa đàm được tổ chức theo hình thức hybrid – trực tiếp kết hợp trực tuyến để đảm bảo phòng dịch an toàn và tiện lợi cho người tham dự.
Buổi tọa đàm được tổ chức theo hình thức hybrid – trực tiếp kết hợp trực tuyến để đảm bảo phòng dịch an toàn và tiện lợi cho người tham dự.

Suy nghĩ khác để bền vững

Anh Dũng chia sẻ, sau một vài dự án đầu thất bại, anh nhận ra mình phải thay đổi về giá trị quan của mình. “Ban đầu khi làm startup, mình muốn được nổi tiếng, muốn nhiều tiền như số đông. Nhưng trên thực tế, tỉ lệ các startup thành công là rất ít, vậy đây rõ ràng là thiểu số. Vì vậy, mình phải thay đổi cách nghĩ.”

“Thay vì lấy doanh số làm mục tiêu, AWING tập trung vào việc đem lại những giá trị cho người dùng và xây dựng một sản phẩm cải tiến liên tục để làm hài lòng khách hàng.”

Khác với những startup công nghệ kêu gọi vốn đầu tư từ các quỹ lớn, AWING khởi đầu bằng cách trở thành công ty thành viên của một tập đoàn. Vì công ty không có chi phí lớn để thu hút nhân tài như những startup công nghệ khác, AWING xây dựng bộ máy gọn nhẹ hết sức chỉ với 25 nhân sự và đầu tư vào nội bộ để nâng cấp sản phẩm. “Chính vì thế, khi những startup khác quen ‘đốt tiền’ và gặp khó khăn lúc phải cân bằng chi phí, AWING có thể tối ưu các nguồn tài nguyên khá tốt” - anh Dũng đánh giá.

“Đừng đặt những mục tiêu như tiền tài, sự nổi tiếng khi các bạn bắt tay vào một dự án startup mà hãy suy nghĩ sản phẩm của mình có thể đem lại những giá trị gi cho cộng đồng và người sử dụng. Tôi muốn gửi gắm đến các bạn sinh viên rằng hãy tranh thủ học hỏi nhiều nhất có thể và hãy chọn lọc để tập trung vào những điều quan trọng đối với bạn. Khi bạn làm tốt việc học, các cơ hội tốt khác sẽ đến” - anh Dũng nhắn nhủ tới các sinh viên của Swinburne Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ