CDC Bà Rịa - Vũng Tàu mượn kit test của Việt Á không báo cáo

GD&TĐ - Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có kiến nghị xử lý các vấn đề sai phạm xảy ra tại Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC).

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, CDC tỉnh mượn kít xét nghiệm, vật tư y tế, hoá chất của các đơn vị của Công ty Việt Á nhưng chưa có sự đồng ý của tỉnh và không báo cáo cho tỉnh.

Lộ nhiều sai phạm trong đấu thầu

Trước đó, kết quả thanh tra của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ 1/2020 - 12/2021 tại CDC cho thấy: CDC Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện việc mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 với tổng giá trị mua sắm đã thanh toán là hơn 206 tỉ đồng từ nguồn ngân sách.

Trong đó, về trang thiết bị y tế, Sở Y tế tỉnh thực hiện 6 gói thầu mua 25 thiết bị với tổng giá trị hơn 70 tỉ đồng; các cơ sở y tế thực hiện 14 gói thầu hơn 1,4 tỉ đồng; về vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) thực hiện 12 gói thầu với giá trị trúng thầu hơn 123 tỉ đồng; các cơ sở y tế thực hiện mua sắm 141 gói thầu riêng lẻ với giá trị hơn 11,7 tỉ đồng.

Có 5 gói thầu mua sắm đợt 1 năm 2020, Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu ký hợp đồng thuê 2 đơn vị tư vấn lập hồ sơ yêu cầu và đánh giá hồ sơ đề xuất; tư vấn thẩm định hồ sơ yêu cầu và kết quả lựa chọn nhà thầu. Theo hình thức chỉ định thầu thông thường, một giai đoạn 1 túi hồ sơ.

Theo thanh tra, mặc dù thiết bị được thẩm định là hàng nhập khẩu nhưng các đơn vị tư vấn không khảo sát thực tế, không thu thập báo giá từ các nhà nhập khẩu trực tiếp hoặc phân phối độc quyền… Các hợp đồng thu thập là tài liệu photo, hầu như không có hoá đơn, biên bản nghiệm thu bàn giao và thanh lý hợp đồng.

Kết quả kiểm tra cho thấy, tờ khai hàng hoá nhập khẩu trong hồ sơ đấu thầu của các gói thầu đều bị tẩy xoá thông tin giá nhập khẩu, mặt khác, việc thực hiện các thủ tục bàn giao, hợp đồng mua bán và nghiệm thu chưa được chặt chẽ; chênh lệch giữa giá trúng thầu với giá nhập khẩu tăng 171% và giá mua vào tăng 47,6%.

Cụ thể, tại gói thầu số 3, tỉ lệ tăng giá trúng thầu so với giá nhập khẩu là 187%, trong đó có gói thầu hơn 15 tỉ nhưng giá trị hàng nhập là 8,6 tỉ đồng, sau khi trừ các loại chi phí và thuế, lợi nhuận, đơn vị trúng thầu thu được từ gói thầu là hơn 3,2 tỉ đồng.

Gói thầu số 4, giá trúng thầu hơn 22,3 tỉ, trong khi đó giá mua vào hơn 11 tỉ và chi phí liên quan (không có chứng từ) hơn 5 tỉ, sau khi trừ đi các khoản chi phí thì đơn vị trúng thầu lãi sau thuế hơn 6,1 tỉ đồng.

CDC Bà Rịa - Vũng Tàu mượn kit test của Công ty Việt Á mà không báo cáo tỉnh

Thanh tra cũng chỉ ra việc đánh giá hồ sơ đề xuất của các đơn vị tư vấn là chưa chính xác, vì nhà thầu cung cấp các mặt hàng không đủ điều kiện mua trang thiết bị y tế.

Cụ thể, các thiết bị trợ thở, thiết bị xét nghiệm, hệ thống máy PCR, thiết bị cấp cứu, máy hấp tiệt trùng, hệ thống đo thân nhiệt từ xa, máy đo thân nhiệt cầm tay, máy phun dịch khử khuẩn… trong hồ sơ đề xuất gói thầu của các công ty trúng thầu đều thể hiện nhưng thực tế theo hồ sơ công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế trước đó các công ty trúng thầu thì không có các thiết bị này.

Kiến nghị hướng xử lý

Theo kết luận thanh tra, việc đơn vị tư vấn đánh giá hồ sơ đề xuất và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu vẫn xác định nhà thầu đủ điều kiện năng lực là có dấu hiệu vi phạm quy định về Luật Đấu thầu.

Liên quan đến các gói thầu mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, hoá phẩm, Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện 6 gói thầu với hơn 67,9 tỉ đồng. Kết quả thanh tra cho thấy, giá trúng thầu hơn 11,6 tỉ đồng nhưng thực tế doanh nghiệp trúng thầu không có sẵn hàng hoá mà đi mua từ 2 đơn vị khác với giá 8,2 tỉ đồng. Ngoài ra, có 24/58 mặt hàng nhập khẩu chênh lệch tăng giữa giá trúng thầu với giá nhập khẩu là 238%.

Gói thầu mua sắm sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR có giá trúng thầu hơn 17,1 tỉ đồng, trong khi giá mua vào hơn 11,9 tỉ đồng, chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá mua vào hơn 5,2 tỉ đồng.

Đơn vị trúng thầu cho biết, trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế thu được là hơn 1,7 tỉ đồng. Gói thầu này có 24/26 mặt hàng nhập khẩu chênh lệch giữa giá trúng thầu so với giá nhập khẩu là 229%.

Về kết quả thanh tra gói thầu mua sắm test kháng nguyên SARS-CoV-2 (đợt 5) với giá gói thầu hơn 18,8 tỉ đồng, có một đơn vị trúng thầu với giá 17,5 tỉ đồng.

Kết quả thanh tra cũng chỉ ra rằng, mặc dù chưa biết kết quả đấu thầu nhưng trước đó nhà thầu đã bàn giao hàng cho đơn vị sử dụng trước, “chứng tỏ nhà thầu đã biết chắc chắn về kết quả đấu thầu tại gói thầu này hoặc đã có sự thoả thuận giữa bên mời thầu và nhà thầu.

Việc nhận hàng trước cũng không phải là nhu cầu cấp thiết đưa ngay vào sử dụng, vì nhận hàng từ 5/7/2021 nhưng sau khi có kết quả trúng thầu ngày 5/8/2021 mới bắt đầu xuất kho”.

Từ các sai phạm chỉ ra, Chánh Thanh tra tỉnh kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Y tế thực hiện thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá (TĐG) độc lập (không phải đơn vị cũ đã tham gia) để tham gia thẩm định lại giá 13 trang thiết bị y tế tại thời điểm lập dự toán mua sắm năm 2020 do Sở Y tế sử dụng (chứng thư số 3546/19/CER.VVALUSE ngày 20/6/2019 của Công ty TNHH Thẩm định giá Chuẩn Việt) đã hết hạn sử dụng.

Sau khi có kết quả thẩm định lại, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tiến hành kiểm tra về tính chính xác, khách quan, đảm bảo theo quy định pháp luật và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.

Kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh giao CDC tỉnh khẩn trương có giải pháp xử lý đối với hàng hóa đã mượn nhưng nay chưa trả cho nhà cung cấp. Lập phương án xử lý lượng hàng hóa vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, trang phục hiện nay còn tồn đọng cho phù hợp, đặc biệt là lượng hàng hóa tài trợ, viện trợ; Báo cáo UBND tỉnh, Sở Y tế về việc xử lý số tiền thu từ xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và test RT-PCR; Thực hiện đối chiếu số lượng hàng hóa đã cấp phát và bàn giao giữa CDC và các đơn vị.

Kiến nghị Sở Nội vụ tham mưu tỉnh xem xét trách nhiệm của Giám đốc sở đối với những thiếu sót liên quan. Chánh Thanh tra tỉnh cũng kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Bộ Y tế kiểm soát giá kê khai, giá nhập khẩu khi đăng ký kê khai trước khi hàng hóa nhập khẩu lưu hành tại Việt Nam và cập nhật khi thay đổi giá đã kê khai, hướng dẫn cụ thể về danh mục các loại vật tư y tế để xác định rõ thẩm quyền trong việc thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Kiến nghị Bộ KHĐT hướng dẫn cụ thể quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013 về nội dung “trong trường hợp cấp bách” là những trường hợp nào; Hướng dẫn cách thức tổ chức “xác định nhà thầu” theo Nghị định 63 năm 2014 của Chính phủ.

Kiến nghị Bộ Tài chính quy định trong tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu bắt buộc phải sử dụng phương pháp hàng hóa nhập khẩu; Ban hành quy định về quy trình thành lập Hội đồng Thẩm định giá Nhà nước tại địa phương và phương pháp để tiến hành thẩm định giá do doanh nghiệp tư nhân thẩm định giá…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ