Cây thị hơn 700 tuổi ở xã Kim Hoa (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) theo tương truyền từng “cứu” vua Lê Lợi khi bị giặc Minh truy đuổi vừa được công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Gốc thị sử tích
Cây thị cao khoảng 35 - 40m, tán rộng chừng 30m, đường kính thân cây 5 người ôm không xuể. Ảnh: Đ.H. |
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, cây thị hơn 700 tuổi tọa lạc tại thôn Kim Sơn 2, xã Sơn Phúc (nay là xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn sừng sững đầy sức sống, tỏa bóng xanh mát.
Cây thị cao khoảng 35 - 40m, tán rộng chừng 30m, đường kính thân cây 5 người ôm không xuể. Gốc cây sần sùi, rêu xanh bám quanh. Trong gốc rỗng, khoảng 2 - 3 người có thể ngồi vừa. Phía dưới gốc cây cổ thụ, người dân trong vùng lập bàn thờ, đặt tên là “Gốc thị sử tích”.
Theo các cụ cao niên ở đây, cây thị cổ đó gắn liền với rất nhiều truyền thuyết về một thời dấy binh đánh giặc của Lê Lợi. Vào năm 1424, trong quá trình đánh giặc Minh, để bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ chín muồi, nghĩa quân Lam Sơn phải chuyển vào vùng núi Thiên Nhẫn (giáp ranh hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) để ẩn nấp.
Tương truyền, một lần bị giặc truy đuổi, Lê Lợi chạy đến vùng núi huyện Hương Sơn và nấp vào trong hốc của gốc thị này.
Khi truy tìm thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn, đàn chó săn của quân Minh liên tục sủa vang xung quanh gốc thị, quân địch dùng gươm giáo xỉa vào cây khiến ông bị thương phải nén đau xé áo băng bó. Ngay lúc đó, một con cáo trắng từ bên trong hốc cây sợ quá chạy ra khiến đàn chó săn của giặc đuổi theo nên Lê Lợi thoát nạn.
Vào năm 1425, biết tin thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện đang đứng lên khởi nghĩa ở vùng núi Hương Sơn, Lê Lợi đã tìm đến chiêu quân, kết nghĩa anh em. Sau đó cả hai cùng giết ngựa trắng, cắt tóc ăn thề dưới gốc thị cổ, thể hiện quyết tâm đồng lòng đánh giặc Minh.
Sau khi đánh đuổi giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, Nguyễn Tuấn Thiện được phong là khai quốc công thần. Người dân địa phương từ đó về sau vẫn luôn lưu truyền câu thơ nói về giai thoại lịch sử: “Cắt tóc, giết ngựa trắng/Dưới gốc thị thề nguyền/Nguyện đồng tâm đồng chí/Phá giặc xây cơ đồ”.
Tài sản chung của cả làng
Trong gốc cây rỗng có thể chứa được 3 - 4 người. Ảnh: Đ.H. |
Trải qua bao cuộc càn quét của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chúng dội bom, đốt phá bao nhiêu lần, có những lúc người dân nơi đây tưởng chừng cây thị khó có thể sống được nhưng một điều thật kỳ diệu là cây vẫn cứ sừng sững trường tồn như một sự thách thức. Người dân sống gần đó thường xuyên đến dọn dẹp, xem cây thị như vị Thành hoàng của làng.
Theo người dân trong làng, mặc dù đã hàng trăm năm tuổi nhưng hàng năm cây thị vẫn ra hoa kết trái. Điều đặc biệt là cây cho ra 3 loại quả (tròn, dài và dẹt) với kích cỡ khác nhau, ăn rất ngon và có hương thơm ngào ngạt.
Cứ đến mùa thị chín, người dân trong vùng kéo đến rất đông mong có được ít quả thị mang về nhà làm lễ vật thắp hương hoặc làm quà cho người đi xa.
Giữa năm 2001, nhân dân địa phương đã đóng góp kinh phí xây dựng một miếu thờ nhỏ ngay phía dưới gốc cây thị, khắc chữ trên bia: “Gốc thị sử tích, mùa thu Ất Tỵ 1425 Lê Lợi - Nguyễn Tuấn Thiện tuyên thệ/ Thệ phát sơ thù Minh thị hạ/ Quyết tâm bất dịch, trợ hòa đao” (đại ý có nghĩa là cùng nhau nguyện thề dưới gốc cây thị đánh đuổi giặc Minh xâm lược...).
Ông Phan Văn Đoài - Chủ tịch UBND xã Kim Hoa cho biết, cây thị được xác định hơn 700 tuổi, ngoài ý nghĩa lịch sử, cây thị còn có ý nghĩa tâm linh rất lớn, luôn bảo vệ, che chở cho người dân nơi đây.
Để cây thị được quan tâm đầu tư và bảo tồn tốt hơn, từ tháng 3/2023, chính quyền xã Kim Hoa đã gửi văn bản và các tư liệu liên quan về cây thị tới Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đề xuất công nhận cây thị là Cây Di sản Việt Nam.
Ngày 29/5/2023, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam ra Quyết định số 114 công nhận cây thị tại thôn Kim Sơn, xã Kim Hoa là Cây Di sản Việt Nam.