Tự hào về truyền thống yêu nước
Với sáng kiến “Đưa Cải lương đến với học sinh qua một số tiết dạy văn bản lớp 9”, cô Nguyễn Như Thủy (Trường THCS Lê Anh Xuân, quận Tân Phú, TPHCM) đã làm cho tiết dạy - học văn trở nên sinh động hơn với nhiều cung bậc cảm xúc. Qua việc chủ động tìm tòi, khám phá dưới sự hướng dẫn của cô Thủy, học sinh trong lớp đã biết và hiểu hơn về cải lương. Từ đó, các em có ý thức hơn đối với việc giữ gìn những di sản văn hóa của dân tộc.
“Là giáo viên dạy Ngữ văn, ý thức được vai trò của bản thân trong việc giáo dục và giúp học sinh hình thành tình yêu với một trong những di sản văn hóa phi vật thể của đất nước, tôi đã dần đưa cải lương vào các tiết dạy một cách chọn lọc với mong muốn giúp các em được tiếp cận và góp phần bảo tồn cải lương - một loại hình nghệ thuật của dân tộc”, cô Nguyễn Như Thủy chia sẻ.
Để thực hiện sáng kiến này, cô Thủy đã có các bước chuẩn bị rất bài bản về nội dung, tư liệu bài dạy và hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài. Không chỉ xác định đúng chuẩn kiến thức, kĩ năng của bài học mà cô còn phải trang bị thêm những kiến thức mở rộng hỗ trợ cho bài giảng, tìm những đoạn trích cải lương, những bài ca cổ phù hợp với yêu cầu mục tiêu cần đạt của bài học. Đồng thời, cô còn quan tâm việc nghệ sĩ trình bày sao cho thu hút được sự chú ý của học sinh.
Với văn bản “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ, cô Thủy chọn trích đoạn “Thiếu phụ Nam Xương” do Vân Trang và Quốc Đại trình bày trong game show “Cặp đôi hoàn hảo”. Bởi vì đây là một game show khá phổ biến và người trình diễn lại là diễn viên nổi tiếng đã được các em biết đến, dễ thu hút sự chú ý, thuận lợi trong việc giới thiệu. Qua đoạn trích còn giúp các em cảm nhận được số phận bi thảm của Vũ Nương qua diễn xuất và lời hát của diễn viên.
Còn với văn bản “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô Gia Văn Phái, cô Thủy chọn bài “Quang Trung áo vải cờ đào” do nghệ sĩ Minh Vương và Cẩm Tiên biểu diễn. Đây là bài ca cổ viết về cuộc đời với những chiến công lừng lẫy của vua Quang Trung. Người thể hiện là hai nghệ sĩ ưu tú vang danh một thời trong nghệ thuật cải lương. Vì vậy với cách học này, học sinh vừa được biết cải lương, bảo tàng và đền thờ Quang Trung, vừa khắc sâu hình ảnh vua Quang Trung. Qua đó cũng khơi gợi được niềm tự hào về truyền thống yêu nước và giữ nước của dân ta…
Điều mà cô Thủy cho là khó khăn trong quá trình đưa nghệ thuật cải lương đến với học sinh là phải phát hiện ra những em có khả năng ca hát và tập cho các em hát những trích đoạn để trình bày tại buổi học. Bởi theo cô Thủy, làm được như vậy, các em sẽ “thấm” với tiết học hơn. “Có lần cô tập cho 2 học sinh hát bài tân cổ “Tình đồng chí” mất hơn 1 tháng. Để các em thẩm thấu được hồn cốt của bài học thì mình phải kiên trì theo đuổi…”, cô Thủy chia sẻ.
Hạnh phúc khi có thể làm điều mình yêu thích
Cô Thủy còn có nhiều sáng kiến khác được công nhận cấp quận, cấp thành phố như “Tích hợp trong công tác chủ nhiệm”, “Kết hợp hoạt động trải nghiệm và mở rộng không gian lớp học”, “Xây dựng tập thể lớp vững mạnh”, “Vận dụng kiến thức liên môn vào tiết dạy văn bản lớp 9”, “Giải pháp hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi Lớn lên cùng sách”, “Giải pháp tạo hứng thú cho học sinh lớp 9 trong tiết học văn bản qua hoạt động khởi động”...
Từ năm 2011 đến 2021, cô Thủy liên tục là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và thành phố, được tặng nhiều bằng khen của chủ tịch UBND TPHCM… Cô Thủy cho rằng, hạnh phúc với mình không phải có thật nhiều tiền, nhiều bằng khen… mà là mỗi ngày đều có thể làm điều mình yêu thích. Với cô, niềm hạnh phúc là được đứng trên bục giảng, được truyền đạt vốn hiểu biết của mình cho học trò. Và để niềm hạnh phúc theo năm tháng, bản thân cô luôn phải trui rèn tri thức để tự làm mới mình trong mỗi tiết học.
“Nhìn những ánh mắt thích thú, nghe những lời sẻ chia của học sinh trong quá trình tìm hiểu tri thức tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc. Càng hạnh phúc hơn khi nghe các em bộc bạch “Con chờ đến tiết học của cô”. Sự chờ đợi ấy của học sinh là động lực cho giáo viên rèn luyện thêm tri thức và phẩm chất đạo đức của nhà giáo. Tôi tin rằng, thầy, cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi được cả thế giới”, cô Nguyễn Như Thủy chia sẻ.
Hơn 16 năm không ngừng nỗ lực sáng tạo, cô Thủy là một trong 50 nhà giáo nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2021 của Sở GD&ĐT TPHCM. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, giải thưởng Võ Trường Toản là giải thưởng cao quý nhất đối với đội ngũ sư phạm của TPHCM. “Kết quả đánh giá trong 5 năm học gần nhất của ứng viên được xét chọn phải đạt “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, tổ chức và thực hiện tốt, có hiệu quả hoạt động giảng dạy trên môi trường Internet, kết hợp với dạy học qua truyền hình và các phương thức phù hợp trong tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp…”, ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.