"Cây sáng kiến" của ngành giáo dục Thủ đô

GD&TĐ - Không chỉ giỏi chuyên môn còn có nhiều sáng kiến giúp học sinh phát triển toàn diện, cô Trần Thị Lan - Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội) vinh dự là "Nhà giáo Ba Đình tâm huyết, sáng tạo".

Cô Trần Thị Lan, Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) cùng học trò trong một giờ học tập truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.
Cô Trần Thị Lan, Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) cùng học trò trong một giờ học tập truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.

Hơn 26 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô Trần Thị Lan trở thành tấm gương sáng tiêu biểu với sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, sáng tạo trong công tác, giàu lòng nhân ái...

"Tuổi xuân" với phấn trắng

Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội năm 1996, cô Trần Thị Lan đã xung phong đến nhận công tác tại trường Tiểu học Hữu Hòa (huyện Thanh Trì, Hà Nội) và bắt đầu sự nghiệp "trồng người" cho đến nay.

Với quan điểm học sinh “thích đến trường rồi mới ham học tập và phấn đấu vươn lên”, ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, cô Lan đã đưa ra sáng kiến trong dạy học vào thực tiễn.

Gắn bó sau 2 năm tại trường Tiểu học Hữu Hòa với thành tích cao, cô Trần Thị Lan được Sở GD&ĐT Hà Nội phân công nhiệm vụ về trường Tiểu học Tam Hiệp (Thanh Trì) giảng dạy trong sự lưu luyến, bịn rịn của đồng nghiệp và yêu thương của học trò.

Với quyết tâm cống hiến, thắp sáng ước mơ xanh, cô “cam kết” với Ban giám hiệu ngôi trường mới “Đẩy mạnh học tập và các phong trào thi đua hai tốt”. Sau 10 năm liên tiếp làm chủ nhiệm kiêm nhiệm các công tác thanh tra, công đoàn, cô Lan luôn mang về cho trường những thành tích đáng tự hào.

Đến năm 2008, cô Trần Thị Lan được phân công về công tác tại trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình). Qua 26 năm gắn bó với nghề, dù ở ngôi trường, vị trí công tác nào cô Lan luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhận được sự tin yêu, nể phục của đồng nghiệp và phụ huynh học sinh.

Đặc biệt, tại lễ tổng kết 5 năm và trao giải cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô năm 2016 - 2017 tại Bảo tàng Hà Nội. Cô Trần Thị  Lan đạt giải Nhì với loạt bài “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên - Vấn đề cốt lõi để giảm thiểu tai nạn”.

Vui với giải thưởng, cô Trần Thị Lan cho biết, mình rất ấn tượng khi được gặp gỡ giao lưu với chuyên gia giáo dục tại lễ trao giải. "Cuộc trò chuyện với chuyên gia giáo dục tại lễ trao giải giúp tôi vỡ thêm nhiều kiến thức. Trong đó, tình yêu thương, tâm huyết với nghề là chìa khóa mở cửa ước mơ xanh...", cô Trần Thị Lan chia sẻ.

Trong quá trình giảng dạy, cô Trần Thị Lan thường xuyên chú ý quan sát, tìm ra năng lực nổi trội của từng học sinh để khích lệ, bồi dưỡng, phát huy. Cô luôn có niềm tin, không có học sinh nào yếu kém, chỉ là do cách quan tâm của gia đình và phương pháp dạy của cô giáo chưa phù hợp. Từ đó, cố gắng tìm cách dạy để học sinh tiếp thu được bài học tốt nhất, giúp các em tự tin phát huy sở trường.

Để chứng mình điều này, hầu hết học sinh lớp cô Lan phụ trách đều tiến bộ rõ rệt. Đặc biệt, là những bạn vốn được coi là hiếu động, cá biệt hoặc tiếp thu chậm hơn các bạn trong lớp…

Cô Trần Thị Lan cùng học trò làm động tác của con vật mà mình định viết trong một giờ học Tiếng Việt.

Cô Trần Thị Lan cùng học trò làm động tác của con vật mà mình định viết trong một giờ học Tiếng Việt.

"Nổi bật là một số học sinh, như: Nguyễn Thành Trung, Hương Giang đạt giải Nhất cuộc thi toán qua internet cấp quận; Nguyễn Mai Khuê đạt giải Nhì tài năng Anh Ngữ thiếu nhi Thủ đô 2021 – Giải Nhì “Sao nhí tài năng 2021”, Trương Duy Hiếu tham dự kì thi Hương “Trạng Nguyên tiếng Việt” cấp quận,…", cô Trần Thị Lan phấn khởi nói.

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, cô Trần Thị Lan cho biết, bản thân cô luôn tìm kiếm cơ hội học tập để hoàn thiện mình về chuyên môn, kỹ năng.

Không chỉ dành thời gian học tập để có bằng cử nhân, cao học, cô Trần Thị Lan còn nỗ lực trang bị kiến thức ngoại ngữ, tin học. Đồng thời tham gia nhiều chuyên đề bồi dưỡng về thiết kế bài giảng điện tử, về đổi mới phương pháp dạy học hướng tới mục tiêu phát huy tính tích cực, chủ động, năng lực của học sinh.

Truyền "lửa" đam mê

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, cô Lê Thị Kim Cúc  - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám cho biết, không chỉ sáng tạo trong dạy học, cô Trần Thị Lan được biết đến là giáo viên giỏi chuyên môn, truyền lửa đam mê dạy và học.

Năm học 2018- 2019, cô Trần Thị Lan đạt giải nhì Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp quận với tiết học: Toán chuẩn mực về nội dung, độc đáo về phương pháp, thú vị trong từng hoạt động của học trò.

"Nhiều năm làm chủ nhiệm, giảng dạy môn cơ bản kiến thức sâu sắc và kinh nghiệm vững vàng của cô Lan là địa chỉ "đỏ" để đồng nghiệp, nhất là giáo viên trẻ hỏi học tập. Khi xem giúp một bài mới hay một lời khuyên về ý tưởng dựng bài, làm “trọng tài” một tình huống sư phạm còn nhiều băn khoăn… đó là tài của cô Lan...", cô Cúc đánh giá.

Bưu thiếp do học trò làm tặng cô Lan.
Bưu thiếp do học trò làm tặng cô Lan.

Theo cô Cúc, dù nhận lớp học nào để rèn thành tích mũi nhọn hay gánh vác các lớp khó khăn để nâng cao chất lượng dạy học đại trà thì cô Lan đều có những "biến hóa" linh hoạt phù hợp với từng bài dạy, từng đối tượng học trò riêng.

Đồng nghiệp biết đến cô Lan bởi sự tích cực đổi mới, sáng tạo, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, học sinh chưa được đến trường học trực tiếp. Những sáng kiến kinh nghiệm, bài giảng Elearning của cô Lan đều mang tính ứng dụng cao, được nhiều đồng nghiệp chia sẻ và nhiều bài giảng được xếp loại cấp thành phố.

Phương pháp truyền thụ của cô Trần Thị Lan, nhất là trong việc tạo điều kiện, khích lệ học sinh thực hành kiến thức đã học.

"Chẳng hạn, để thực hành rèn kĩ năng ghi nhớ áp dụng kiến thức vào thực tế, cô Lan luôn yêu cầu học sinh thực hành xem giờ, ghi lịch biểu, kể, đố bố mẹ anh chị em những điều mình được cô hướng dẫn. Từ đó học sinh vừa được ghi nhớ kiến thức vừa được thực hành kĩ năng. Toàn bộ quá trình một tuần một lần được bố mẹ ghi hình lại gửi cho cô. Cách làm này không chỉ giúp học sinh thêm hào hứng, hiểu thêm sự tận tụy và tình yêu mà bố mẹ dành cho mình hằng ngày mà phụ huynh cũng có những trải nghiệm ý nghĩa, thấy con thêm lớn khôn...", cô Cúc kể.

Cô Lan còn là cộng tác viên của Phòng văn hóa quận Ba Đình với những bài viết có chất lượng về gương người tốt việc tốt được Chủ tịch UBND Quận Ba Đình tặng Giấy khen.

Chia sẻ thêm với Báo GD&TĐ, bà Lê Thị Khanh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Ba Đình cho biết, cô Lan tích cực đóng góp tin bài tập san quận Ba Đình.

"Cuộc thi tìm hiểu về phòng, chống dịch Covid-19 “Đoàn kết – Chiến thắng đại dịch” cô Lan đạt giải Nhất cấp quận. Nhiều năm đạt danh hiệu “ Chiến sĩ thi đua, Lao động tiên tiến”...", bà Khanh thông tin thêm.

Mới đây, cô Trần Thị Lan vinh dự được Công đoàn trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám trao tặng giải thưởng “Nhà giáo Ba Đình tâm huyết, sáng tạo” cấp trường  lần thứ nhất năm học 2021 - 2022…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.