Cây nha đam giúp nông dân Ninh Thuận vươn lên thoát nghèo

GD&TĐ - Những năm gần đây, chuyện nông dân tỉnh Ninh Thuận có thu nhập từ vài trăm triệu đồng/ha/năm với cây nha đam đã trở nên bình thường.

Cây nha đam giúp nông dân Ninh Thuận vươn lên thoát nghèo

Có tới 220 ha đất nông nghiệp nhưng trước đây ở thôn Xóm Bằng (xã bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) chỉ có 73 ha trồng lúa, diện tích còn lại sản xuất từ 1-2 vụ màu mỗi năm (chủ yếu là bắp) do hệ thống tưới tiêu chưa hoàn thiện. Từ năm 2022 đến nay, Công ty CP Cánh Đồng Việt đã đến đây liên kết trồng cây nha đam với nông dân và đã từng bước giúp người dân ở khu vực này vươn lên thoát nghèo.

Vươn lên thoát nghèo từ cây nha đam

Chị Nguyễn Thị Mai (thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn) cho hay, gia đình chị có 4 sào đất (4.000m2), trước đây chủ yếu trồng hoa màu nên không đủ ăn. Từ ngày liên kết với Công ty CP Cánh Đồng Việt để trồng cây nha đam, mỗi tháng chị Mai thu nhập 12 triệu đồng - mức thu nhập mà chị chưa bao giờ dám nghĩ đến.

“Cây nha đam cho hiệu quả kinh tế cao hơn 5-7 lần so với trồng bắp. Hơn nữa, nhờ kháng bệnh tốt nên trong quá trình chăm sóc cây nha đam, chúng tôi không cần dùng đến thuốc bảo vệ thực vật, chỉ cần làm cỏ, tưới nước và bón phân là đủ, chi phí đầu tư thấp”, chị Mai nói.

Bà Trương Thị Phượng tham gia trồng cây nha đam từ 20 năm nay. Ảnh: N.Vy

Bà Trương Thị Phượng tham gia trồng cây nha đam từ 20 năm nay. Ảnh: N.Vy

Hiệu quả kinh tế vượt trội mà cây nha đam mang lại đã mở ra hướng mới cho người nông dân thôn Xóm Bằng trong việc lựa chọn được loại cây trồng phù hợp. Trong năm 2023, vùng nguyên cây nha đam ở địa phương này đã được mở rộng thêm 20 ha và dự kiến đến năm 2025 sẽ được địa phương phát triển lên 50 ha, tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con dân tộc Raglai tại đây.

Ông Nguyễn Tấn Quang, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc phát triển vùng nguyên liệu nha đam tại xã Bắc Sơn là hướng đi đúng, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo hiệu quả cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Gia đình anh Lê Văn Nin (phường Văn Hải, TP Phan Rang – Tháp Chàm) chuyên canh cây nha đam từ 7 năm qua. Vườn nha đam rộng 1 ha của gia đình anh đều đặn cho thu hoạch mỗi tháng một lần, với trung bình mỗi năm thu hoạch 11 lứa với sản lượng trên 500 tấn.

“Với giá bán bẹ nha đam tươi dao động từ 2.200 – 2.800 đồng/kg, riêng đối với bẹ nha đam hàng tuyển loại to, đều thì có giá bán tươi lên tới 2.800 -3.000 đồng/kg, mỗi năm doanh thu của gia đình đạt hơn 1 tỷ đồng, một nguồn thu khá ổn định”, anh Nin nói.

Chi phí đầu tư ban đầu cho 1 sào nha đam (1.000m2) khoảng 10 triệu đồng. Ảnh:. N.Vy

Chi phí đầu tư ban đầu cho 1 sào nha đam (1.000m2) khoảng 10 triệu đồng. Ảnh:. N.Vy

Cách đó không xa, gia đình bà Trương Thị Phượng cũng tham gia trồng cây nha đam từ 20 năm nay. Bà Phượng kể, ngày trước cây nha đam sau khi thu hoạch phụ thuộc vào giá bán trôi nổi trên thị trường, thu nhập lên xuống thất thường nhưng nay thì đã khác.

Hiện nay, gia đình bà Phượng đang trồng 5.000 m2 cây nha đam. Ngoài ra, bà Phượng còn đứng ra tổ chức cho các hộ dân xung quanh trồng cây nha đam để cung cấp cho nhà máy. Tổng diện tích trong tổ liên kết của bà Phượng hiện có hơn 8ha, mỗi tháng cho thu hoạch từ 250-300 tấn lá.

Theo quy hoạch của tỉnh Ninh Thuận, đến năm 2030, diện tích trồng cây nha đam của tỉnh sẽ đạt trên 500 ha. Bên cạnh việc mở rộng diện tích, ngành nông nghiệp địa phương còn phối hợp với các doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân nâng cao kỹ thuật tăng năng suất, đẩy mạnh hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm…

Bà Phượng nhẩm tính, theo giá bình quân trên thị trường khoảng 2.200 đồng/kg - 2.800 đồng/kg, mỗi sào (1.000m2) thu hoạch 4 - 5 tấn lá/tháng. Hiệu quả kinh tế từ cây nha đam cao hơn so với các loại cây trồng ngắn ngày khác.

Theo tìm hiểu của Giáo dục và Thời đại, cây nha đam hiện đang được nông dân đầu tư mở rộng vùng trồng tập trung chủ yếu ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc. Theo đó, chi phí đầu tư ban đầu cho 1 sào nha đam (1.000m2) khoảng 10 triệu đồng, từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 8 tháng, trồng một lần có thể thu hoạch kéo dài từ 2 – 5 năm. Nếu chăm sóc tốt, một sào nha đam cho năng suất từ 5 - 8 tấn/đợt thu, có thể thu hoạch từ 10 - 11 đợt/năm.

Dòng vốn chính sách tiếp sức cho nông dân trồng nha đam

Hiện nay, nhu cầu sử dụng nha đam ngày càng tăng, ngoài việc làm thức uống, nha đam còn được dùng trong việc chăm sóc sắc đẹp và là một loại dược liệu quý trong điều trị rất nhiều bệnh như: Gan, bệnh ngoài da,… Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, nha đam là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch tương đối ngắn, rất phù hợp với điều kiện canh tác của người dân có ít vốn đầu tư, ít sử dụng nước tưới ở vùng đất có khí hậu khô nóng như Ninh Thuận.

Vì vậy, hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với các địa phương khảo sát vùng trồng, chuyển giao kỹ thuật; khuyến khích và hỗ trợ các hộ dân trồng cây nha đam theo tiêu chuẩn VietGAP; liên kết sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã với các công ty tiêu thụ; đa dạng các sản phẩm chế biến từ nha đam để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nông dân Ninh Thuận đang có cuộc sống tốt hơn nhờ trồng cây nha đam. Ảnh: GC Food

Nông dân Ninh Thuận đang có cuộc sống tốt hơn nhờ trồng cây nha đam. Ảnh: GC Food

Đặc biệt, tỉnh Ninh Thuận cũng đẩy mạnh việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân trồng nha đam.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, việc phát triển cây nha đam nói riêng, các loại cây chủ lực khác của Ninh Thuận nói chung không thể thiếu được vai trò quan trọng của dòng vốn chính sách.

Thống kê cho thấy, nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Ninh Thuận đến 30/4/2024 đạt 3.711,5 tỷ đồng, tăng 2.477 tỷ đồng so với 10 năm trước. Từ nguồn vốn này, để chuyển tải kịp thời, an toàn đến đúng đối tượng thụ hưởng, Ngân hàng Chính sách Xã hội Ninh Thuận đã thực hiện phương thức ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị xã hội là hội nông dân, hội phụ nữ, thanh niên, hội cựu chiến binh. Hệ thống 271 hội đoàn thể các cấp tỉnh, huyện, xã và mạng lưới 1.638 Tổ tiết kiệm, vay vốn tại thôn xóm trên toàn địa bàn Ninh Thuận đã trở thành cầu nối giữa ngân hàng - khách hàng, giúp người nghèo dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

“Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã khơi dậy sức mạnh nội lực được huy động từ nguồn lao động tại chỗ và thực sự trở thành công cụ hữu hiệu, góp phần giúp địa phương đạt nhiều kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới”, ông Lê Minh Lộc, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Ninh Thuận, chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ