“Cây điều ước” của thầy hiệu trưởng và niềm tin với học trò

GD&TĐ - Hàng trăm điều ước cùng lời chúc của học sinh Trường THCS Cù Chính Lan đến tuyến đầu chống dịch được gửi gắm trên “cây điều ước” trong khoảng sân xanh ngát của trường.

Cây điều ước trở thành điểm nhấn nghệ thuật, lan tỏa thông điệp về niềm tin, tình yêu thương đến học sinh thân yêu.
Cây điều ước trở thành điểm nhấn nghệ thuật, lan tỏa thông điệp về niềm tin, tình yêu thương đến học sinh thân yêu.

Gửi gắm niềm tin, tình yêu thương đến học trò

Những ngày này, khoảng sân Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa, Thanh Hóa) trở nên lung linh sắc màu, bởi “cây điều ước” treo đầy những dải lụa và ruy băng. Hàng trăm thông điệp về ước mơ, hoài bão của thầy trò nhà trường được gửi gắm lên cây.

Tạo dựng “cây điều ước” là ý tưởng của thầy Hiệu trưởng Dương Minh Anh khi vừa về nhận công tác tại trường hồi tháng 8 năm nay. Chứng kiến cây bồ đề xanh mát trong sân trường, đồng thời hưởng ứng cuộc vận động “Nói lời hay, làm điều tốt”, thầy Minh Anh đã cùng giáo viên (GV) dựng lên “cây điều ước”, với mong muốn gửi thông điệp đến học sinh (HS) thân yêu.

“Cây điều ước không chỉ là điểm nhấn nghệ thuật, mà còn gửi gắm những thông điệp về niềm tin cùng tình yêu thương đến HS thân yêu. Quan trọng hơn nữa là lan tỏa ý nghĩa nhân văn về trường học thân thiện – trường học hạnh phúc”, thầy Minh Anh chia sẻ.

Để dựng lên “cây điều ước”, các thầy cô Trường THCS Cù Chính Lan mất khoảng một tháng. Các dải ruy băng được chọn với màu sắc chủ đạo là đỏ, hồng thể hiện sự trẻ trung, tươi mới và ấm áp. Bên cạnh dải ruy băng là đèn hoa trang trí sống động do  GV của trường thiết kế.

Trên các tấm thẻ màu đỏ, thầy cô và HS sẽ ghi những điều ước. Sau đó, ghim vào dải ruy băng rồi treo lên cây. “Cùng với những ước mơ, hoài bão về tương lai, các em còn gửi gắm mong ước về sự bình yên sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, bày tỏ lòng biết ơn đối với các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch”, thầy Minh Anh tâm sự.

Sau hơn một tháng tạo dựng “cây điều ước” đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực cho thầy cô và HS. Một trong những điều tích cực nhất đó là mang lại sự gần gũi và sẻ chia giữa thầy, trò và phụ huynh HS. “Đây là cách giáo dục đạo đức nhẹ nhàng, thay vì phải nói to, nói nhiều”, thầy Minh Anh chia sẻ.

Nhận công tác ở Trường THCS Cù Chính Lan từ đầu năm nay, cô Phạm Thị Giang (chủ nhiệm lớp 6A) cảm thấy rất ấn tượng với những điểm mới trong năm học 2021 - 2022 của trường. Và một trong số đó chính là “cây điều ước” đến từ sự sáng tạo của thầy hiệu trưởng.

“Cây điều ước giúp mang lại niềm tin nho nhỏ cho thầy, trò trong trường. Từ niềm tin đó lan tỏa đến tất cả những bậc phụ huynh HS. Cây điều ước tựa như nhựa sống, trở thành nơi để các em gửi gắm những ước mơ về học tập và cuộc sống. Có những điều ước cho bản thân và có cả những điều ước cho xã hội.

Từ cây điều ước ấy, mỗi học sinh cũng thêm phấn chấn khi đến trường. Mỗi khi có sự kiện quan trọng các em đều nhìn về cây điều ước để có thêm động lực vươn lên”, cô Giang bộc bạch.

Nói về điều ước của mình, em Mã Hải Nam (lớp 6A, Trường THCS Cù Chính Lan) hồ hởi: “Em gửi gắm ước mơ và cũng là lời nhắn nhủ bản thân sẽ đạt thành tích tốt trong học tập, thi đỗ vào trường chuyên. Ngoài ra, em còn mong muốn dịch bệnh Covid-19 sớm qua đi để HS ở nhiều tỉnh sớm được tựu trường”.

Cô Phạm Thị Giang xúc động trước những điều ước của học sinh thân yêu.
Cô Phạm Thị Giang xúc động trước những điều ước của học sinh thân yêu.

Hướng đến giáo dục toàn diện

Chia sẻ về những mục tiêu trong giai đoạn tới, thầy Dương Minh Anh, cho biết sẽ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Song song với đó là mục tiêu đổi mới công tác quản lý của nhà trường.

Về mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thầy Minh Anh cho hay, trong những năm học tới nhà trường sẽ tập trung vào ba mũi nhọn. Trước hết là chuyển đổi số giáo dục đào tạo, bằng cách đầu tư trang thiết bị tiên tiến phục vụ việc dạy và học.

Bên cạnh đó, nhà trường sẽ tăng cường công tác bồi dưỡng HS giỏi và phụ đạo HS yếu, kém. Từ đó, nâng dần chất lượng giáo dục toàn diện với mục tiêu ngày càng nhiều HS thi đỗ vào các trường THPT tốp đầu trong tỉnh.

Cuối cùng là tăng cường xây dựng văn hóa nhà trường, giáo dục truyền thống hướng tới xây dựng trường học thân thiện – trường học hạnh phúc. Đúng như slogan của trường: “Mỗi HS là một bông hoa hướng dương vươn mình dưới ánh nắng Mặt trời”.

Cũng theo thầy Minh Anh, để động viên và khuyến khích HS, nhà trường đã kêu gọi thành lập Quỹ học bổng Hoa Hướng dương nhằm khen thưởng cho GV và HS đạt thành tích tốt. Đây cũng là một trong những điểm mới của nhà trường.

Được biết, trước đây chất lượng giáo dục đại trà của Trường THCS Cù Chính Lan đang ở mức “khiêm tốn”. Do đó, trước năm học 2021 - 2022, UBND TP Thanh Hóa có công văn yêu cầu tất cả trường THCS trên địa bàn thành phố không tuyển sinh HS có hộ khẩu thường trú tại phường Lam Sơn – nơi trường đứng chân, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất, luân chuyển đội ngũ để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.