Đang là một cô sinh viên của một trường cao đẳng ở Sài Gòn chị Nguyễn Thị Phương Dung (SN 1993, ngụ P.Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP.HCM) quyết định rẽ ngang đi lấy chồng rồi sẽ đi học tiếp.
Những tưởng cuộc đời hạnh phúc khi tìm cho mình một người chồng tử tế. Thế nhưng cuộc sống làm vợ , làm dâu chỉ hạnh phúc được một thời gian ngắn sau đó là những tháng ngày sống trong cay đắng.
Nỗi khổ nàng dâu ở nhà chồng
Sau khi về làm dâu, chồng không muốn cho chị đi học tiếp vì tính hay ghen bóng ghén gió của anh. Chị Dung cũng cam chịu chấp nhận ở nhà. Lúc mang bầu tới tháng thứ 4 chị Dung được ở nhà dưỡng thai không phải đi làm. Lúc này, ở nhà có bố chồng là ông Q.V.T (53 Tuổi) cũng không đi làm.
Chị Dung cho rằng vào thời gian này đã xảy ra mẫu thuẫn với bố chồng mà chị không tiện kể ra. Chị Dung cho biết: “ Do chỉ có hai bố con ở nhà nên đã xảy ra mâu thuẫn mà em không thể chia sẻ ra đây được.
Em đã trình bày với mẹ chồng nhưng cũng không giải quyết được gì. Mẹ còn bảo em không được nói với ai. Em chỉ còn cách kêu chồng ra ở riêng nhưng anh không chịu khiến em sống trong nhà chồng rất khổ sở”.
Kể từ đó chị Dung phải sống trong nỗi dè dặt, và luôn né tránh bố chồng. Chị cũng không dám nói ra nỗi uất ức của mình với chồng vì biết chồng mình là một người cộc tính. Để rồi mỗi sáng cả nhà đi làm hết chị lại lánh mặt về nhà mẹ đẻ, chiều mới dám quay lại nhà chồng. Chị Dung cho biết do thường xuyên về nhà mẹ nên chồng không thích dẫn đến ghét bên nhà vợ.
Đỉnh điểm là lúc sinh con được 1 tháng thì chồng chị là anh Quản Ngọc Sơn (sinh năm 1989) đã đ ánh đập chị ngay tại nhà mẹ vợ. Ông Nguyễn Đức Duẩn (sinh năm 1976, ngụ đường 8B, P.Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân) là hàng xóm chị Dung, cũng đã cho biết: "Hôm đó tôi chứng kiến anh Sơn sang nhà bố mẹ vợ chửi mắng và xảy ra xô xát, ghì đầu túm tóc chị Dung. Khi đó bố mẹ chị Dung không có nhà nên tôi phải chạy ra can ngăn thì mọi chuyện mới dừng lại".
“Kể từ đây hai bên gia đình cũng không nhìn mặt nhau. Mỗi lần em muốn đưa con về bên ngoại chồng cũng không cho. Chịu đựng đến lúc con được 2 tháng 21 ngày thì không chịu được nữa nên em làm đơn ly hôn đợi ngày ra tòa.
Trong khoảng thời gian này em phải dọn về nhà mẹ đẻ nhưng không được mang con theo. Em không muốn quay lại nhà chồng nhưng vẫn phải quay về để được gặp con và cho con bú. Thế nhưng một hôm ông bà nội bé bảo đừng có cho nó bú sữa mẹ nữa, cho nó bú sữa ngoài để nó quên hơi mẹ đi. Em nghe mà rất phẫn nộ” chị Dung cho biết.
Trước tình hình con chưa được 3 tháng tuổi mà phải xa mẹ, bú sữa ngoài nên chị Dung rất lo lắng phải nhờ tới hội phụ nữ can thiệp. Bà Thơ, chi hội trưởng Hội phụ nữ phường Bình Hưng Hòa A vẫn chưa hết ngỡ ngàng kể lại: “ Hôm đó em Dung có qua nhờ giúp đỡ thì tôi đi với nó qua nhà bà mẹ chồng. Vừa qua tới nơi thấy chồng Dung đứng chửi bới um xùm, anh này bắt mẹ vợ qua xin lỗi thì anh mới đồng ý để Dung cho con bú. Sau một hồi khuyên bảo thì anh cũng bớt chửi. Thế rồi tôi khuyên Dung đi về để hôm khác qua chứ sợ chồng đánh thì không biết làm sao. Nhìn mặt anh chồng lúc đó ghê lắm! Tôi còn thấy sợ mà"
Ngày 10/6 tòa án nhân dân quận Bình Tân ra quyết định ly hôn cho chị Nguyễn Thị Phương Dung và anh Quản Ngọc Sơn. Chị Dung được tòa trao quyền nuôi con là bé Phương Linh 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, phiên tòa vắng mặt bên gia đình chồng.
Linh tính có điều chẳng lành nên khi kết thúc phiền tòa, chị Dung vội chạy ngay sang nhà chồng. Nhưng khi tới nơi thì con gái không thấy đâu, gia đình chồng cũng chuyển nhà đi mất.
Sau đó, một tia hi vọng mở ra khi chị lân là dò hỏi ra nơi ở mới của nhà chồng. Tìm tới nơi thì chồng cũ đã ôm con bỏ đi, chị Dung chỉ gặp bố mẹ chồng. Gặng hỏi thì họ bảo không biết đi đâu, một lần nữa chị như chết đứng giữa trời.
“Ai nói thấy con em ở đâu là em chạy đến đó ngay, em nghe được anh ta đưa con em về ngoài quê, em lặn lội ra tận Hà Nội. Em về đó nửa tháng trời, em giữ bí mật không dám nói mình là mẹ đi tìm con. Ngày nào em cũng lân la đi hỏi thăm bà con nhà chồng có thấy con em về đây không.
Đi tới đâu cũng nghe người ta nói con vợ nó sinh con ra được 2 tháng thì bỏ con đi theo trai, em nghe mà ứa nước mắt. Em vẫn cố cầm lòng dò hỏi tin con nhưng không thấy đâu ” chị Dung nghẹn ngào kể lại.
Trong suốt nửa tháng đó, mỗi ngày chị Dung phải đi từ nhà một người bà con lên nhà họ hàng chồng cách 30 km. Và không biết bao nhiều lần nước mắt chị trào ra khi tìm con trong vô vọng. “Đêm đó là trung thu em tìm cả ngày không thấy tung tích con đâu, em rất mệt và em đã khóc vì nhớ con.
Ngày này trung thu năm trước em mang bầu 8 tháng. Em còn nói với con em là: con gái ngoan đừng phá mẹ năm sau mẹ sẽ dẫn con đi chơi trung thu. Vậy mà giờ nay con mình ở đâu em còn không biết” người mẹ đau khổ vừa khóc vừa nhớ lại.
Mỗi lần đi tìm con chị lại vay mượn tiền, bán hết những gì có thể và đi như người vô hồn. Chị cho biết: “Cách đây không lâu nghe tin con ở Tây Ninh em lại cuống cuồng bắt xe lên đó. Em đi chỉ nghĩ tới con không quan tâm gì hết. Lên tới nơi em mới biết Tây Ninh nó rộng lớn, em không biết phải đi đâu tìm con. Hỏi thăm suốt 2 ngày không được gì em lại phải quay về”.
Thương con, nhớ con nhiều đêm chị không ngủ được. Có lần hay tin con bị bệnh đường ruột phải nằm viện chị đau đớn nhưng không biết con ở đâu mà đi thăm. Tòa án thì có quyết định quyền nuôi con thuộc về chị từ hơn 5 tháng trước nhưng tới giờ này chị vẫn chưa được nhìn mặt con.
“Em đi tìm con nhưng em vẫn phải giấu cha mẹ mình. Biết cha mẹ cũng thương con thương cháu nhưng họ sợ em gặp nguy hiểm vì cứ tranh giành con với chồng cũ. Sợ khi em gặp giành con sẽ bị chồng cũ nó đánh. Nó từng gọi điện đe dọa nhà em rồi”, chị Dung cho biết.