Cây cối phát ra siêu âm khi căng thẳng

GD&TĐ - Những nghiên cứu mới cho thấy, thực vật có thể căng thẳng khi bị đe dọa. Khi đó chúng phát ra siêu âm mà tai người không nghe được.

Thực vật bị căng thẳng phát ra nhiều siêu âm hơn thực vật ở nhóm đối chứng.
Thực vật bị căng thẳng phát ra nhiều siêu âm hơn thực vật ở nhóm đối chứng.

Các bản ghi âm cho thấy, mỗi âm thanh chứa thông tin về tình hình hiện tại. Các nhà khoa học rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, chúng ta có thể thay đổi quan điểm về thế giới thực vật mà theo một nghĩa nào đó có thể được coi là câm lặng.

Một số nhà nghiên cứu ở ĐH Tel Aviv (Israel) khẳng định, các kết quả nghiên cứu giúp hiểu rõ hơn về tiến hóa của thực vật và sinh thái học trên toàn thế giới.

Trong những nghiên cứu trước đó, các nhà khoa học biết rằng, thực vật có thể căng thẳng trước sự thay đổi nhiệt độ, ánh sáng, hoặc trước sự tấn công của các sinh vật khác. Sự căng thẳng này có thể dẫn tới thay đổi kiểu hình (màu sắc, mùi, hình dáng).

Các nhà khoa học cũng khẳng định, khi gặp các yếu tố gây căng thẳng, thực vật tiết ra các chất hữu cơ dễ bay hơi. Chính vì vậy, các nhà khoa học ở Tel Aviv quyết định kiểm tra xem thực vật có phát ra âm thanh gì không.

Trong thí nghiệm kiểm tra, các nhà khoa học cắt thân cây thuốc lá, cà chua hoặc không tưới nước cho chúng. Trong quá trình đó, các microphone tập trung ghi siêu âm trong dải tần từ 20 - 150 kHz.

Các nhà khoa học thấy rằng, thực vật bị căng thẳng phát ra nhiều siêu âm hơn thực vật ở nhóm đối chứng. Các siêu âm rất khác biệt, tùy thuộc vào yếu tố gây căng thẳng.

Những siêu âm riêng biệt mang theo thông tin về trạng thái sinh lý của cây cối. Một mô hình học máy được thiết kế đặc biệt có khả năng phân biệt từng âm thanh của thực vật.

Bằng cách nào cây cối có thể phát ra âm thanh khi không có dây thanh quản? Các nhà khoa học khẳng định, đó có thể là kết quả của quá trình bên trong, gọi là hiện tượng khí xâm thực (cavitation), trong đó các bong bóng khí nhỏ hình thành và vỡ tan.

Những nghiên cứu trước đó cho thấy, khí xâm thực có thể tạo ra dao động, tuy nhiên không liên quan gì đến việc truyền bá âm thanh. Tuy nhiên, trong trường hợp thực vật, siêu âm có thể được ghi nhận ở khoảng cách 5 mét.

Theo các nhà khoa học, khoảng cách này cho thấy, những loài vật có cơ quan thính giác nhạy bén như chuột hay bướm đêm, có khả năng nghe và hiểu các siêu âm do cây cối phát ra.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Lần đầu nếm kẹo dừa non

GD&TĐ - Thực ra, kẹo dừa non được nhắc là quà đặc sản ở Phú Yên và thường mang màu vàng hoặc xanh cốm.

Khu vườn nhà êm ả. Ảnh: Ngọc Phạm

Giọt quê, giọt nhớ

GD&TĐ - Mỗi lần ai đó hỏi quê tôi ở đâu, mùa Xuân năm nay có về quê không, tôi thường trả lời quê em xa lắm, em không về...