Phát huy nội lực để giảm nghèo bền vững ở Hoàng Su Phì

GD&TĐ - Với nhiều giải pháp đồng bộ, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm của huyện Hoàng Su Phì đạt trên 5%, riêng năm 2023 giảm 850 hộ nghèo.

Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì kiểm tra chất lượng con giống hỗ trợ cho người dân. Ảnh: Đức Long
Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì kiểm tra chất lượng con giống hỗ trợ cho người dân. Ảnh: Đức Long

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm bảo đảm an sinh xã hội, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Đa dạng giải pháp

Hoàng Su Phì là huyện vùng núi phía Tây của Hà Giang, trên 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống bà con nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Nhằm cải thiện cuộc sống cho người dân, hướng tới giảm nghèo bền vững, huyện đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững, từ đó phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

UBND huyện Hoàng Su Phì đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo; lan toả những mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương điển hình thoát nghèo tiêu biểu, những gia đình tự nguyện xin thoát nghèo trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng.

Đặc biệt, huyện quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng thu nhập bền vững cho hộ nghèo; hướng dẫn các hộ nghèo, hộ cận nghèo làm thủ tục vay vốn phát triển sản xuất; chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ dạy nghề gắn với giải quyết việc làm sau khi được đào tạo.

2 nuô ca long.jpg
Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện sông Chảy, xã Tụ Nhân. Ảnh: Hoàng Dung

Trong giai đoạn 2021 - 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân cho vay gần 35 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm mới cho 1.243 lao động địa phương với các mô hình kinh tế như: Trồng cây ăn quả, chăn nuôi dê, lợn đen, nuôi trâu hàng hóa; sản xuất, chế biến chè; trồng cây dược liệu; kinh doanh dịch vụ tổng hợp....

Chỉ tính riêng trong năm 2023, huyện đã mở được 28 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho 976 học viên. Tạo việc làm mới cho 2.288 lao động, trong đó số lao động đi làm việc ngoài huyện và xuất khẩu lao động là 1.516 người.

Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm của huyện đạt trên 5%, riêng năm 2023 giảm được 850 hộ nghèo.

Tiếp sức thoát nghèo

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững, các xã khó khăn ở huyện Hoàng Su Phì đã triển khai mô hình nuôi lợn đen bản địa liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Năm 2024 đã triển khai dự án tại 7 thôn của 4 xã Nậm Dịch, Tân Tiến, thị trấn Vinh Quang, Tụ Nhân với 18 hộ thụ hưởng.

Bên cạnh khuyến khích người dân tham gia các chuỗi giá trị chăn nuôi, để chủ động đảm bảo nguồn cung ứng giống trong thực hiện các dự án theo Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã kết nối với một số doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng giống cho nhân dân, giúp người dân được trực tiếp đến tận nơi cung ứng giống lựa chọn, đồng thời đảm bảo về giá và các yếu tố phòng, chống dịch bệnh.

3 gioi thieu viec lam.jpg
Huyện Hoàng Su Phì tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Với mong muốn giúp người dân có thêm thu nhập, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, khi được hỗ trợ kinh phí theo chương trình, anh Đặng Thái Sơn, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ tổng hợp Hoàng Su Phì 889 đã liên kết cùng với 12 hộ dân tại thôn Bản Cậy, xã Tụ Nhân nuôi 24 lồng cá với tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng.

Là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn, được hỗ trợ cá giống, vật tư để làm lồng nuôi theo chuỗi giá trị trên lòng hồ thủy điện Sông Chảy, gia đình anh Vương Văn Dơm, thôn Bản Cậy, xã Tụ Nhân cho biết: Chúng tôi được dự án hỗ trợ 80% kinh phí, còn gia đình đóng góp đối ứng 20%, được hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế, ai cũng phấn khởi. Trong quá trình thực hiện, tôi còn được tham gia tập huấn kỹ thuật để nuôi cá đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, huyện Hoàng Su Phì xác định tập trung phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập cho người dân. Dựa trên tiềm năng, thế mạnh sẵn có, huyện chú trọng xây dựng 3 chuỗi giá trị gồm: Sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ, phát triển cây ăn quả ôn đới như lê, mận máu và sản phẩm gạo chất lượng cao.

Hiện diện tích cây ăn quả toàn huyện Hoàng Su Phì có trên 840 ha, diện tích cho thu hoạch 109 ha; giá trị thu được 11,8 tỷ đồng/năm, đem lại thu nhập, giúp người dân giảm nghèo bền vững.

Thời gian tới, để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Hoàng Su Phì tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực xã hội hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo để họ có động lực vươn lên thoát nghèo. Hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin để học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp thoát nghèo bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.