Cây cầu nhỏ trên dòng sông nhạc Trịnh

Cây cầu nhỏ trên dòng sông nhạc Trịnh

(GD&TĐ) - Ngoài những giờ phút rong ruổi trên những chuyến xe đưa khách đi tam phương tứ xứ, thời gian còn lại, Trịnh Sơn Truyền dành niềm đam mê cho những ca khúc Trịnh Công Sơn. Sân khấu của anh là những không gian nhạc Trịnh, thính giả của anh là những người yêu nhạc Trịnh mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp.

Xin làm cây cầu nhỏ...

Tôi gặp Trịnh Sơn Truyền vào một sáng tháng bảy trời mưa tầm tã. Trong không gian tĩnh lặng của một quán café đúng chất “Trịnh”, bên những người bạn thân, Trịnh Sơn Truyền như hóa thân thành “người truyền giáo” của âm nhạc Trịnh Công Sơn. Cứ theo cái cách anh nói “Hà Nội một ngày mưa tầm tã, hạnh phúc là một ly café và nhạc Trịnh!” thì hôm đó, có đủ cảnh và tình để anh thả mình vào niềm đam mê bất biến của mình: nhạc Trịnh.

Phải khẳng định ngay, cái tên Trịnh Sơn Truyền không xa lạ với dân yêu nhạc Trịnh, với những ai đã từng lê la khắp các quán café nhạc Trịnh chốn Hà thành. Có thể nói, theo một cách nào đó, Trịnh Sơn Truyền cũng là “người nổi tiếng”, nhưng không phải nhờ sự xuất hiện lấp lánh hào quang trên sân khấu, bởi dàn fan hâm mộ rầm rộ trên các diễn đàn, sự xuất hiện nhan nhản trên mặt báo, mà bởi sự “lấp lánh” của tình yêu nhạc Trịnh lúc nào cũng cháy bỏng trong anh, như duyên, như nợ của đời người đàn ông đã qua tuổi 40 này.

“Cách đây hơn hai mươi năm, tôi đã đến với nhạc Trịnh một cách hết sức vô tình và bột phát, với những lời ca dễ thương như thế này: “Cây có cành bầy chim làm tổ, sông có nguồn từ suối chảy ra. Tim mỗi người là căn nhà nhỏ, tình nồng thắm như mặt trời xa...”. Lời ca đã khiến cho tuổi thơ tôi bay lên trong những giấc mơ hồng êm ái, dịu ngọt.

Càng ngày, tình yêu của tôi đối với những ca khúc của Trịnh Công Sơn càng trở lên ám ảnh, không sao dứt được. Cũng như bao người khác, tôi hát những tình khúc buồn của Trịnh Công Sơn ở tuổi mười tám rất giàu cảm xúc” - Trịnh Sơn Truyền chia sẻ trên trang cá nhân của mình như thế.

Thả hồn theo nhạc Trịnh
Thả hồn theo nhạc Trịnh

Sinh ra và lớn lên ở làng Láng (Hà Nội), Trịnh Sơn Truyền bắt đầu nghe nhạc Trịnh từ năm 10 tuổi. Bài hát Trịnh đầu đời anh nghe là Hạ Trắng được xử lý với kèn saxophone. Mười tuổi, ăn chưa no, lo chưa tới, còn nhầm Hạ trắngGọi nắng, bởi nó bắt đầu bằng “Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay…”, nói gì đến cảm thụ thứ âm nhạc đầy triết lý của Trịnh Công Sơn, thế mà Trịnh Sơn Truyền thích. “Thấy hay thì nghe, thấy vào thì nghe. Chẳng hiểu gì vẫn cứ thích nghe”, Trịnh Sơn Truyền hồ hởi kể lại thời thơ ấu.

Ngày bé cũng mê cải lương, Trịnh Sơn Truyền tự nhận chính nhờ ngày bé luyện giọng với cải lương mà sau này hát nhạc Trịnh cũng mượt hơn, nghe kỹ thì đôi chỗ ngân nga nhấn nhá cũng có tí chất “cải”.

Thời thế, thế thời, là con trai Hà Nội nhưng Trịnh Sơn Truyền từng phải bươn chải đủ nghề để kiếm sống. Đến khi gần 40 tuổi, anh mới bắt đầu gắn bó với vô lăng tay lái, làm tài xế cho Công ty Viettravel. Có lẽ vì thế, ở Trịnh Sơn Truyền vừa có vẻ chân chất, thật thà của người gốc Hà Nội cũ, vừa có vẻ phóng khoáng, “bụi bặm” thường thấy ở các bác tài: tay đeo vòng bạc lớn, cắt đầu cua, cưỡi Dream chiến! Thoạt nhìn, mấy ai nghĩ người đàn ông có vẻ “chịu chơi” ấy lại đắm đuối với dòng nhạc vốn được xem là triết lý, đầy trải nghiệm và suy tư như nhạc Trịnh.

Trịnh Sơn Truyền hào hứng kể, anh thường để một cây ghi-ta ở trên xe. Khách đi xe anh, phần lớn là khách nước ngoài, chủ yếu là người Nhật đi tour, thi thoảng mới có vài khách Việt. Ai cũng ngạc nhiên khi thấy trên xe có đàn và càng ngạc nhiên khi biết tay đàn điệu nghệ của bác tài. Khách càng ngạc nhiên hơn khi biết, người tài xế chở họ suốt hành trình vãn cảnh, người có thể kể cho họ vanh vách về mỗi điểm đến và cuộc sống ở Việt Nam, lại có máu nghệ sỹ đến thế. Có đôi lúc giữa chặng nghỉ chân, cảm xúc đến, bác tài chơi đàn, ngân nga dăm ba khúc nhạc, thế mà làm khách ngỡ ngàng tới mức… hỏi mua đĩa!

Trịnh Sơn Truyền cũng cho rằng, chính công việc lái xe cho khách nước ngoài, môi trường làm việc bắt anh phải lịch thiệp, cộng với việc sống với nhạc Trịnh đã rèn cho anh bản lĩnh trong đời, làm cho tâm hồn anh luôn hướng tới những điều tốt đẹp. “Năm năm làm việc tại Viettravel và sống với dòng âm nhạc đặc biệt này đã làm mình thay đổi rất nhiều”- Trịnh Sơn Truyền chia sẻ.

Ngoài những giờ phút rong ruổi trên những chuyến xe đưa khách đi tam phương tứ xứ, thời gian còn lại, Trịnh Sơn Truyền dành đam mê cho những ca khúc Trịnh Công Sơn. Sân khấu của anh là những không gian nhạc Trịnh, thính giả của anh là những người yêu nhạc Trịnh mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp.

Số phận cũng rất nghiêm khắc với Trịnh Sơn Truyền khi định đoạt cho anh chỉ được làm “người hát nhạc Trịnh” - theo cách anh tự nhận, hay là “gã du ca” như nhiều người đặt cho anh - chứ không cho anh làm “ca sỹ hát nhạc Trịnh”. Ngay cả năm 2004, vì quá mê ca hát, dù đã quá tuổi thi Tiếng hát truyền hình Hà Nội, Trịnh Sơn Truyền vẫn liều mình mượn chứng minh thư của người khác để đi thi, thế mà cũng không thành! Từ đó, anh bằng lòng với cuộc đời sống để yêu và hát nhạc Trịnh cho người khác nghe.

Tình yêu âm nhạc trong sáng của Trịnh Sơn Truyền đã truyền cho cả người con trai 21 tuổi mang tên… Trịnh Công Sơn. Tình yêu truyền đi từ cái tên anh đặt cho con như để khắc một dấu ấn gắn bó suốt cuộc đời này của Trịnh Sơn Truyền với người nhạc sĩ đầy duyên nợ, dù chưa một lần gặp mặt. Cậu con trai 21 tuổi theo học Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội được anh kể là “hát hay hơn bố” và mê nhạc không kém gì bố.

Cùng Trịnh Vĩnh Trinh trong ngày giỗ Trịnh Công Sơn
Cùng Trịnh Vĩnh Trinh trong ngày giỗ Trịnh Công Sơn

Ước mơ cống hiến

Nghề chính là lái xe, đam mê chính là nhạc Trịnh Công Sơn, mơ ước cuối cùng của cuộc đời chính là gạt sang một bên tất cả mọi thứ, để tâm sức gìn giữ nhạc Trịnh, Trịnh Sơn Truyền không ngần ngại bộc bạch: “Nếu như được sống và không phải lo cơm - áo - gạo - tiền, Trịnh Sơn Truyền sẽ dành thời gian xây dựng những không gian nhạc Trịnh ở Việt Nam. Mỗi không gian sẽ phù hợp với một lứa tuổi và hướng lứa tuổi đó tới tư tưởng Thiện và yêu đời của Trịnh Công Sơn” .

Rồi anh mượn lời bày tỏ của người nghệ sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn để lý giải cho tình yêu nhạc Trịnh của mình. Hát nhạc Trịnh, tâm luôn Thiền và luôn hướng Thiện: “Tôi ước mơ một ngày nào đó trên hành tinh này, tiếng hát sẽ được trả về với vẻ đẹp thuần khiết của nó. Đó là tiếng hát bay qua các lục địa, các đại dương, mang trong lòng nó tình yêu và tình nhân ái. Cái sứ mệnh huy hoàng nhất của nó là phải mang được cái thông điệp ấy đến với từng con tim. Không những chỉ với những tâm hồn vốn yêu chuộng hòa bình mà cả những con tim đang ngộ độc bởi những ngòi thuốc nổ”. Tiếp xúc với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bị nhiễm HIV và bỏ rơi, Trịnh Sơn Truyền ấp ủ những đêm nhạc từ thiện để có thể đem tiếng hát của mình xoa dịu những thiệt thòi đau đớn mà các bé phải chịu. Tất cả các đêm nhạc Trịnh từ thiện, nếu không phải đi công tác, anh đều cố gắng tham gia.

Khoảng tháng 8.2011, Trịnh Sơn Truyền sẽ có liveshow thứ 2 mang tên Còn tuổi nào cho em sau thành công của liveshow năm 2009. Tất cả số tiền thu được anh sẽ dành tặng Trung tâm chăm sóc người già và trẻ em khuyết tật Ba Vì.

Sống cuộc đời giản dị như mọi người bình thường khác nhưng có tình yêu đặc biệt như là định mệnh với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Trịnh Sơn Truyền đã và đang “mỗi ngày chọn một niềm vui” để qua âm nhạc Trịnh đem yêu thương nhiều hơn đến với cuộc đời.

Chia tay “người hát nhạc Trịnh” khi quán đã vắng, mưa mỗi lúc lớn hơn. “Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay. Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời…”, người đàn ông đã đi hết nửa đời người ấy vẫn hát, mặc dù 2 tiếng nữa anh sẽ đi công tác xa Hà Nội. Có thể “gã du ca họ Trịnh” ấy già dặn và đầy trải nghiệm trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn, nhưng tình yêu của anh với nhạc Trịnh có lẽ mãi đắm say và sẽ không bao giờ có tuổi.

Hải Yến

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ