Câu lạc bộ khởi nghiệp kinh tế: 'Ươm mầm' sinh kế cho dân nghèo

GD&TĐ - Hơn một nghìn cây dược liệu giống được các tình nguyện viên của Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp Kinh tế - Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) mang đến để “ươm mầm” sinh kế cho dân nghèo ở huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.

Các thành viên CLB ươm mầm cây dược liệu cho người dân. Ảnh: CLB cung cấp
Các thành viên CLB ươm mầm cây dược liệu cho người dân. Ảnh: CLB cung cấp

Mang sinh kế đến với dân nghèo

Cuối tháng 6/2022, hơn 70 tình nguyện viên của CLB Khởi nghiệp Kinh tế - Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đã vượt hơn 60km để chở 1 nghìn cây giống gồm ba kích, nghệ đen và nhiều phần quà cùng với nhu yếu phẩm cho bà con nông dân nghèo ở xã miền núi Jơ Ngây, huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam).

Bạn Hà Thị Diệu Hiền - Chủ nhiệm CLB - cho biết, ý tưởng tặng các vườn dược liệu cho bà con xuất phát từ giá trị lâu dài của việc hỗ trợ dân nghèo vượt qua khó khăn.

“Jơ Ngây là xã khó khăn với diện tích đất rừng tương đối lớn, song người dân chỉ trồng keo và lúa. Trồng keo khó và đòi hỏi nhiều sức lao động, đất trồng keo cũng sẽ dần bị xói mòn và nghèo chất dinh dưỡng. Sau mỗi vụ, người dân phải đốt rẫy để chuẩn bị cho một mùa vụ mới, gây ô nhiễm. Chính vì vậy, CLB đã nghĩ đến trồng cây dược liệu, lợi ích kinh tế chắc chắn sẽ cao hơn, vừa có thể giữ đất, giữ rừng, vừa duy trì và phát triển nguồn gen dược liệu bản địa”, Diệu Hiền chia sẻ.

Khu vườn giống dược liệu ba kích và nghệ đen. Ảnh: CLB cung cấp

Khu vườn giống dược liệu ba kích và nghệ đen. Ảnh: CLB cung cấp

Theo Diệu Hiền, nhờ sự tư vấn của Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng, CLB đã lựa chọn 2 giống cây dược liệu là ba kích và nghệ đen để trao tặng bà con. Sở dĩ trồng 2 loại này vì là hai giống dược liệu quý, có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe và nguồn cầu khá ổn định trên thị trường. Hơn nữa, cả hai giống cây này đều phù hợp với thổ nhưỡng, địa hình ở đây nên sẽ cho năng suất cao cũng như nâng cao cơ hội phát triển kinh tế cho người dân.

Để có kinh nghiệm trong việc trồng cây dược liệu, trước khi lên chiến dịch, đội ngũ tình nguyện viên của CLB đã được tập huấn và tìm hiểu kỹ về cách thức trồng, chăm sóc cũng như các vấn đề liên quan đến cây… Trong quá trình hỗ trợ trồng cây, các tình nguyện viên được chia thành hai đội chính, bao gồm đội chủ lực và đội dân vận.

“Đội chủ lực với công tác chính là về trồng cây, còn đội dân vận sẽ phụ trách việc trao đổi với người dân về kỹ thuật trồng, cách chăm sóc. Song song với đó, CLB sẽ có tổ chức buổi lễ hướng nghiệp cho học sinh, thanh niên, bà con nơi đây về cách khai thác vườn cây để hướng đến mục đích xây dựng nền kinh tế bền vững lâu dài”, Diệu Hiền nói tiếp.

CLB Khởi nghiệp Kinh tế - Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) tham gia chương trình chuyển giao kỹ thuật, nhằm hỗ trợ cho người dân đồng bào Cơ Tu. Ảnh: CLB cung cấp

CLB Khởi nghiệp Kinh tế - Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) tham gia chương trình chuyển giao kỹ thuật, nhằm hỗ trợ cho người dân đồng bào Cơ Tu. Ảnh: CLB cung cấp

Gieo mầm hạnh phúc

Ngay sau khi đến xã Jơ Ngây, các tình nguyện viên đã đưa 1 nghìn cây giống đến người dân nghèo ở các thôn Ra Nuối, Ra Đung và Ra Lang. Tại đây, cây giống được các tình nguyện viên tỉ mỉ ươm trồng.

Bạn Trần Minh Toàn – thành viên CLB - chia sẻ, để trồng những vườn ba kích, nghệ đen xen canh dưới tán rừng, các tình nguyện viên phải làm việc từ sáng sớm cho đến chiều tối.

“Khó khăn lớn nhất của chúng em là vận chuyển cây giống từ dưới xuôi lên đây và chuyển từ trung tâm xã vào các thôn. Đoạn đường di chuyển khá xa, cây giống còn non nên cần sự chăm sóc kỹ càng. Được sự hỗ trợ từ mọi người, chúng em đã đưa được giống cây và ươm mầm cho người dân”, Minh Toàn chia sẻ.

Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Kinh tế cho biết, sau quá trình làm việc với chính quyền xã, CLB đã quyết định hỗ trợ công trình thanh niên này cho 12 hộ đồng bào Cơ Tu có hoàn cảnh khó khăn thụ hưởng và tiếp nối.

“Gieo một mầm cây vào lòng đất, nảy mầm hạnh phúc nơi lòng người. Với hai giống dược liệu ba kích và nghệ đen, hy vọng trong tương lai, bà con sẽ có được sinh kế bền vững, cuộc sống khấm khá, đủ đầy hơn từ những vườn dược liệu”, Hiền tâm sự.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, CLB còn tổ chức hoạt động hướng nghiệp cho 60 học sinh, thanh niên, các hộ gia đình được trao tặng cây dược liệu tại xã Jơ Ngây. CLB cũng định hướng nghề nghiệp cho học sinh để có thể trở về phát triển quê hương, phát huy tinh hoa văn hóa đồng bào Cơ Tu, phát triển nông nghiệp mới tại địa phương.

Tham gia chương trình, đại diện Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng đã chia sẻ về cách phát triển kinh tế từ cây dược liệu. Vị chuyên gia cũng gợi mở việc chế biến dược liệu ở dạng bán thành phẩm sẽ thu lợi nhuận cao hơn so với việc bán nguyên liệu thô, cách phát triển kinh tế từ nông nghiệp, đặc biệt là cây dược liệu bản địa…

Anh Ating Bi – Bí thư Đoàn xã Jơ Ngây - cho biết, Đoàn xã phối hợp với cán bộ chuyên môn và bà con tiếp tục chăm sóc mô hình vườn cây dược liệu. “Chúng tôi kì vọng mô hình này sẽ góp phần cải thiện và thay đổi đời sống của người dân địa phương”, anh Ating Bi nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ