Mỗi câu chuyện là tình huống sư phạm, ứng xử giữa thầy và trò, giữa thầy giáo với phụ huynh, giữa cha mẹ và con cái. Điểm chung là những câu chuyện này đều mang tính giáo dục cao, ý nghĩa nhân văn sâu sắc khiến chúng ta phải suy ngẫm.
GD&TĐ rất mong nhận được sự cộng tác của bạn đọc đóng góp cho chuyên mục này.
* * *
Sau lễ khai giảng, Hà My tập trung lớp để dặn dò, trao đổi thêm với học trò. Đứng trước những cô cậu học sinh lớp 5 do mình chủ nhiệm, cô hứa sẽ yêu thương các em đều như nhau, không phân biệt bất cứ điều gì…
Trong lớp, ngồi hàng ghế đầu có một bé trai tên là Gia Bảo. Áo quần cậu bé nhếch nhác, người cũng không sạch sẽ, hơn nữa lại không được các bạn yêu quý. Hà My còn nhận thấy, trong nhiều giờ học, cậu bé thường cúi mặt xuống bàn.
Cũng có nhiều lần cậu bé đến trường muộn, đầu tóc rối bời. Những lần như thế, Hà My không ngần ngại phê bình cậu trước cả lớp, thậm chí có lần cô phạt Gia Bảo lau dọn phòng vệ sinh cho lớp. Trong những lần chấm bài kiểm tra, Hà My thường dùng bút đỏ gạch chéo lên bài của cậu và cũng không giải thích khi trả bài.
Đã có lần, sau khi trả bài, cô nhận thấy Gia Bảo cầm bài thi của mình xem qua rất nhanh rồi nhét ngay vào chiếc cặp cũ đến nỗi cả ổ khóa cũng đã bị hỏng. Mặt cậu bé buồn rười rượi. Hà My cũng không mảy may quan tâm, cô vứt hết hình ảnh về cậu học trò ra khỏi đầu cho đến khi về tới nhà.
Cứ như thế, mỗi bận lên lớp cô chỉ tập trung vào nội dung, kiến thức tiết dạy. Và nếu có thể quan tâm đến ai đó trong lớp, thì cũng không phải là cậu học trò mang khuôn mặt buồn bã – Gia Bảo.
Cho đến một hôm, thầy hiệu trưởng yêu cầu giáo viên thẩm định thông tin về từng học sinh trong lớp. Cô để hồ sơ của Gia Bảo xuống cuối cùng mới xem như cái cách khi chấm bài thi. Nhưng khi xem, cô đã vô cùng kinh ngạc…
Thầy chủ nhiệm năm 1 của Gia Bảo viết: “Gia Bảo là một đứa bé thông minh, luôn mang trên mặt nụ cười. Bài tập ghi rất sạch sẽ, rất có lễ phép, cậu bé rất hài hước nên đã mang đến niềm vui cho mọi người xung quanh”.
Thầy giáo năm thứ 2 viết: “Gia Bảo là một học sinh ưu tú, rất được bạn bè yêu mến, nhưng cậu bé rất buồn, bởi vì căn bệnh của mẹ cậu bé đã đến giai đoạn cuối, cuộc sống gia đình đang rất khó khăn”.
Thầy giáo năm thứ 3 viết: “Mẹ qua đời là một bi kịch rất lớn đối với Gia Bảo. Cậu bé muốn cố gắng, nhưng cha cậu không có ý thức trách nhiệm, thường uống rượu say và đánh đập cậu. Nếu không áp dụng một số biện pháp, gia đình sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng bất lợi đối với Gia Bảo”.
Thầy giáo năm thứ 4 viết: “Tính tình của Gia Bảo rất bất thường, không có hứng thú với học tập. Cậu bé không có người bạn nào, hay ngủ gật trên lớp”.
Lúc này, Hà My mới nhận ra vấn đề, cô cảm thấy xấu hổ vì ứng xử của mình. Cô đã tự dằn vặt bản thân trong nhiều tuần liền. Cho đến tận hôm…
* * *
Ngày nhà giáo, khi được học sinh tặng quà, Hà My càng cảm thấy xấu hổ. Quà của các bạn khác đều bọc gói cẩn thận, nhưng của Gia Bảo thì không. Món quà của cậu được bọc bằng loại giấy cũ và dày khiến cô loay hoay mãi mới mở ra được. Bên trong là một chiếc vòng bằng đá thủy tinh nhưng bị mất một viên và có thêm một lọ nước hoa chỉ còn 1/4.
Thấy vậy, mấy bạn trong lớp bắt đầu cười. Cô vội ngăn bọn nhỏ lại, rồi lớn tiếng khen chiếc vòng rất đẹp, cô mang nó trên tay, rồi còn thoa thêm một ít nước hoa. Cả lớp ngơ ngác chưa hiểu gì, thì cô đã tiến xuống bàn Gia Bảo, ôm chặt cậu vào lòng.
Tan học hôm đó, trước khi về, Gia Bảo gặp Hà My rồi nói: “Cô ạ! Mùi hương trên người cô hôm nay giống mẹ con trước kia vậy!”. Sau khi bọn nhỏ về, cô đã khóc hàng giờ liền.
Từ ngày đó trở đi, thay vì chỉ chăm chú đổi mới phương pháp dạy đọc, soạn bài như thế nào, Hà My còn chú trọng nghiên cứu làm sao để giáo dục học trò tốt hơn.
Cô đặc biệt chú ý tới Gia Bảo. Gạt qua tất cả nhưng áy náy, dày vò, cô quyết định bù đắp cho cậu bé bằng sự quan tâm và yêu thương nhiều hơn. Cũng từ đấy, cậu bé trở nên linh hoạt hơn… Cô càng khích lệ, Gia Bảo càng tỏ ra nhanh nhẹn.
Cuối năm, Gia Bảo trở thành học trò có thành tích học tập xuất sắc nhất khối 5. Cậu bé đã trở nên vui vẻ, hòa đồng với các bạn. Trong lớp ai cũng yêu quý và sẵn sàng giúp đỡ cậu.
Về phía Hà My, cho dù cô từng nói sẽ yêu thương bọn nhỏ đều như nhau, nhưng thực tình Gia Bảo đã trở thành “con cưng” của cô. Một năm sau, khi Gia Bảo tốt nghiệp tiểu học, Hà My phát hiện một mảnh giấy ở khe cửa nhà mình, là của Gia Bảo. Cậu bé viết rằng, cô là cô giáo giỏi nhất mà cả đời cậu bé gặp được.
Sáu năm sau, cô lại nhận được một mảnh giấy khác của Gia Bảo, cậu bé nói mình đã tốt nghiệp trung học phổ thông, thành tích xếp hạng đứng thứ ba trong lớp, cô vẫn là cô giáo giỏi nhất mà cậu bé từng gặp.
Nhiều năm sau, khi đã nghỉ hưu, cô Hà My nhận được một phong thư. Hồi hộp đeo chiếc kính lão, cô nhận ra là thư của cậu học trò cưng năm nào - Gia Bảo. Cô cẩn thận bóc phong thư rồi đọc chậm từng dòng.
Gia Bảo kể chuyện học hành, nghiên cứu và luôn coi Hà My là cô giáo tốt nhất mà cậu gặp được. Trên chữ ký lần này còn thêm một chút: Tiến sĩ Y Khoa Nguyễn Gia Bảo.
Gấp lại bức thư, Hà My nở nụ cười mãn nguyện và nhìn ra khu vườn. Những chiếc lá vàng đã bắt đầu lá tả rơi. Mùa thu đã về từ khi nào, âm vang tiếng trống trường dường như đang vang bay đâu đó. Bà nhớ về mùa khai trường năm nào, hình ảnh cậu bé trai ngồi bàn đầu rất nhếch nhác, người cũng không sạch sẽ… lại hiện về…
* * *
Mùa xuân năm sau, Gia Bảo lại gửi một phong thư cho cô giáo. Vẫn như những lần khác, Hà My rất hồi hộp khi mở thư ra đọc. Trong thư cậu nói mình sắp kết hôn với một giáo viên dạy tiểu học.
Cùng lời mời dự lễ cưới, Gia Bảo muốn bà ngồi ở chiếc ghế dành cho mẹ của cậu. Hà My đọc đi đọc lại bức thư đến mấy lần. Bà không cầm được nước mắt vì hạnh phúc. Đó thật sự là một điều quá đỗi bất ngờ! Có những bất ngờ khiến người ta khổ đau hoặc hạnh phúc. Nhưng điều bất ngờ này khiến cô hạnh phúc vô bờ.
Và rồi ngày đó đã đến. Bà tìm lại chiếc vòng tay thủy tinh, dùng loại nước hoa mẹ Gia Bảo từng dùng. Đón bà, Gia Bảo nhẹ nhàng nói: “Cảm ơn cô nhiều! Cảm ơn cô đã cho con biết rằng mình còn có giá trị”.
Mắt ngấn lệ, bà thì thầm: “Gia Bảo, con đã lầm rồi, là con đã dạy ta. Mãi đến khi gặp con, ta mới biết làm cô giáo là như thế nào”.
Cả hôn trường ai nấy đều xúc động hướng ánh nhìn lên sân khấu. Họ dành cho hai cô trò những tràng pháo tay không dứt. Những giọt nước mắt hạnh phúc đã lăn dài trên má của cậu học trò đặc biệt…