Xử lý tình huống sư phạm qua những câu chuyện của giáo viên chủ nhiệm

GD&TĐ - Hội thi “Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp giỏi cấp Tiểu học tỉnh Đắk Lắk năm học 2017 - 2018” do Sở GD&ĐT tổ chức vừa qua có ý nghĩa thiết thực với công tác dạy học của ngành.

Xử lý tình huống sư phạm qua những câu chuyện của giáo viên chủ nhiệm

Trong phần thi Xử lý tình huống sư phạm và Kể chuyện về công tác chủ nhiệm lớp, xuất phát từ thực tiễn công tác, các thí sinh đã mang đến cho hội thi những câu chuyện mộc mạc nhưng đậm tính nhân văn về tình yêu thương trong sự nghiệp trồng người.

Cảm hóa HS cá biệt

Có thể nói, cảm hóa HS cá biệt là một trong những công việc rất khó khăn vất vả đối với một GVCN. Để làm được điều này mỗi giáo viên phải là một người mẹ có tấm lòng bao dung, độ lượng, sự kiên trì và tình thương thật sự đối với các em.

Những em HS cá biệt được nhắc đến trong câu chuyện của các GVCN thường có hoàn cảnh hết sức éo le, thiếu tình yêu thương, chăm sóc của bố mẹ. Cô Nguyễn Thị Linh - Trường TH Nguyễn Trãi (Phòng GD&ĐT Buôn Ma Thuột) kể về một cậu học trò ngỗ ngược liên tục quậy phá trong lớp học.

Biết được hoàn cảnh của em là một cậu bé mồ côi được ông bà mang đến gửi ở chùa, cô đã gần gũi chăm sóc, kể cho em nghe về những mảnh đời bất hạnh khác, phối hợp với nhà chùa khuyên răn dạy bảo, dần dần em đã “thấm” được lời dạy của cô, trở nên ngoan ngoãn, chăm học hơn.

Xử lý tình huống sư phạm

Đây là một trong những kỹ năng quan trọng mà người GVCN giỏi luôn phải học hỏi, tích lũy và trau dồi. Trong thực tế giảng dạy nói chung, dạy HS tiểu học nói riêng, có rất nhiều tình huống buộc người GVCN phải có những cách giải quyết hợp tình, hợp lý, sao cho vẫn đạt được mục tiêu giáo dục nhưng lại không làm tổn thương đến các em.

Không chỉ đối với các em học sinh nhỏ mà ngay cả đối với các bậc phụ huynh đôi lúc giáo viên cũng gặp phải những tình huống khó xử. Có một cô giáo đã kể một câu chuyện rất riêng tư mà nếu không có hội thi này chắc cô cũng khó có cơ hội mở lòng để tâm sự với đồng nghiệp. Vào đầu năm học, cô phát hiện trong lớp mình chủ nhiệm có một HS có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm, lực học của em cũng rất kém.

Qua tìm hiểu, được biết bố mẹ em đã ly hôn, em ở với mẹ và mẹ thường đi vắng, để hai chị em ở nhà. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, bố em đi họp, cô giáo đã trao đổi về trường hợp của em và xin ý kiến phụ huynh để đưa em về nhà kèm cặp thêm sau buổi học.

Không ngờ thành ý của cô đã bị mẹ của cô bé hiểu nhầm và tỏ thái độ, lời nói ghen tuông hết sức xúc phạm, chỉ vì cô cũng đang là một người mẹ đơn thân nuôi hai con sau một lần hôn nhân đổ vỡ. Nhưng với trách nhiệm nghề nghiệp, cô nén nỗi buồn tủi, vẫn luôn ân cần chăm lo cho em HS đó, tìm đủ mọi cách để vừa giúp em học tập, vừa giúp em lấy lại tự tin, hòa đồng với bè bạn.

Cuối năm học, khi em được cả lớp bình chọn khen thưởng vì có tiến bộ vượt trội về mọi mặt cũng là lúc người mẹ gặp cô nói lời xin lỗi. Cô chia sẻ với hội thi: “Một việc làm nhỏ của giáo viên có thể làm thay đổi lớn cuộc đời của một đứa trẻ, nếu ngày ấy vì chút tự ái mà tôi bỏ mặc không quan tâm yêu thương em thì chắc chắn em sẽ không đạt được kết quả như thế”.

Tận tâm với HS mắc bệnh hiểm nghèo

Giáo viên đứng lớp tiểu học vốn đã vất vả, càng vất vả hơn khi trong lớp có học sinh khuyết tật hoặc bị mắc các bệnh hiểm nghèo. Nhiều câu chuyện của giáo viên kể về thực tế lớp mình có những học sinh chẳng may mắc bệnh như: bệnh tim bẩm sinh, động kinh, viêm cầu thận, có em còn bị khuyết tật không có hậu môn, luôn phải đeo một bọc nilon bên mình để đựng chất thải nên lúc nào cũng bốc mùi hôi... và để có thể vừa dạy vừa dỗ chu toàn cho lớp cả lớp nói chung, những em học sinh này nói riêng thì chỉ kiến thức, nghiệp vụ sư phạm thôi chưa đủ, mà đòi hỏi giáo viên phải thực sự có bản lĩnh, chịu khó, có lúc phải kiêm thêm cả vai trò của một bác sĩ, một điều dưỡng!

Khác biệt hơn nữa có trường hợp cô Phan Thị Thanh Hương, GV trường TH Quang Trung, huyện Cư Kuin kể về một em học sinh lớp 1 bị chậm phát triển trí tuệ. Cô giáo khuyên phụ huynh làm hồ sơ khuyết tật cho em để nhà trường lập hồ sơ cá nhân và có phương pháp dạy dỗ em cho phù hợp, nhưng gia đình phần vì chưa hiểu hết vấn đề, phần vì sĩ diện không muốn con mình bị “gắn mác” khuyết tật nên không đồng ý.

Bằng vốn hiểu biết, lòng nhiệt tình và một quyết tâm cao, cô Hương đã mày mò nghiên cứu, tìm kiếm thông tin rồi mang đến tận nhà em HS để phân tích, giảng giải, hướng dẫn cho gia đình về những lợi ích nếu em được học hòa nhập. Cuối cùng cô cũng đã thuyết phục được gia đình lập hồ sơ cá nhân cho con. Nhờ đó, việc học của em học sinh này trở dễ dàng hơn khi có được kế hoạch học tập và tiêu chí đánh giá xếp loại riêng theo khả năng của mình.

Cầu nối với phụ huynh và xã hội

Tận tâm với học sinh trên lớp, giáo viên còn là cầu nối với phụ huynh và với cộng đồng xã hội để tìm biện pháp giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Như trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Oanh (huyện Krông Năng) khi thấy trong lớp có trường hợp một em học sinh thường xuyên đến lớp trong tình trạng lờ đờ ngái ngủ, thân thể đầy vết bầm tím.

Qua tìm hiểu cô được biết do bố em nát rượu, hay quậy phá, đánh đập con cái. Không đành lòng để học sinh bị hành hạ như vậy, cô đã giãi bày nỗi trăn trở với chồng mình và nhận được sự chia sẻ khi chồng cô đồng ý giúp đỡ, tìm cách tiếp cận, gần gũi, khuyên bảo người bố. Dần dần bố của em đã bỏ được thói nghiện rượu để ngày lo làm lụng kiếm sống, tối về bảo ban con học tập.

Bên cạnh đó, GVCN còn phải luôn chú trọng việc tuyên truyền vận động học sinh đến trường nhằm đảm bảo duy trì sĩ số, phòng chống bỏ học, nhất là với giáo viên công tác ở vùng có đông học sinh dân tộc thiểu số (DTTS). Vì nhiều lý do, như hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ bị bệnh đau ốm dài ngày, rất nhiều em đã phải bỏ học ở nhà phụ giúp gia đình.

Các thầy cô đã không quản nhọc nhằn đến thăm nhà từng em, động viên, thuyết phục gia đình đồng thời chủ động trao đổi với Ban Giám hiệu nhà trường, cô Tổng phụ trách Đội, với chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ nâng bước em đến trường.

Đó là những câu chuyện về em Y Van Niê của cô giáo Trần Thị Hiền Lương, Trường TH Quang Trung, huyện Cư Mgar, chuyện về em Giàng Thị Do của cô giáo Nguyễn Thị Liên, Trường TH Lê Quý Đôn, huyện M’Đrắk, chuyện về em Hà Quốc Kiệu của cô giáo Lê Thị Ánh Dương Trường TH Ngô Gia Tự, huyện M’Đrắk…

Còn rất nhiều, rất nhiều câu chuyện khác được các thầy cô giáo kể về những kỷ niệm, những dấu ấn không phai trong cuộc đời làm GVCN của mình.

Tất cả các câu chuyện được kể với rất nhiều nội dung và nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng đều gửi gắm một thông điệp: Là GVCN đã khó, là GVCN cấp Tiểu học lại càng vất vả hơn nữa bởi các thầy cô lên lớp vừa phải truyền thụ kiến thức vừa phải quan tâm uốn nắn, giáo dục nhân cách cho những em học sinh đang độ tuổi măng non. Vậy nên cần lắm sự đồng thuận, sẻ chia của các lực lượng giáo dục và cộng đồng xã hội để giúp các thầy cô hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả của mình, đáp ứng yêu cầu đổi mới của sự nghiệp Giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

GD&TĐ - Các nhóm quân Nga từ phía đông, phía nam và phía bắc đang thắt chặt vòng vây quanh nhóm quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở thành phố Kurakhove.