(GD&TĐ) - Đã từ lâu trong đời sống của cư dân nông nghiệp ven dòng sông Thao hiền hòa, có một làn điệu được cất lên từ chính điệu hồn của những con người quanh năm chân lấm tay bùn. Đó là hát Xoan của vùng Đất Tổ, một di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Từ bao đời nay, câu hát Xoan làm say đắm lòng người, nghĩa tình nơi cội nguồn được lắng đọng trong những câu ca thấm đượm hồn quê…
Tôi có may mắn được sinh ra và lớn lên ở vùng quê trung du Phú Thọ, miền quê của truyền thuyết, của huyền thoại về cội nguồn Đất Tổ. Ngay từ những ngày còn thơ bé, còn ngồi vắt vẻo trên lưng trâu để thổi sáo mỗi buổi chiều về hay tựa gối bà mỗi trưa hè, tôi được nghe bà kể câu chuyện về những làn điệu quê mình. Bà bảo, hát Xoan, hát Ghẹo rồi thơ Bút Tre, chuyện cười Văn Lang là những “đặc sản” tinh thần của làng quê mình. Những “nghệ sĩ nông dân” từ trong cuộc sống lao động bình dị và vất vả đã chiết suất ra những câu ca, những làn điệu làm say đắm lòng người. Chẳng thế mà, hễ ai đặt chân về Phú Thọ, thắp nén nhang trầm, cúi đầu kính cẩn trước anh linh các Vua Hùng cũng lắng nghe thấy vang vọng đâu đây quanh núi Nghĩa Lĩnh câu Xoan, câu Ghẹo.
Những câu hát lạc Việt cổ xưa
Huyền tích về câu hát Xoan được người dân Phú Thọ truyền nhau, kể cho nhau nghe từ bao đời rằng vào một ngày đẹp trời, ba anh em Hùng Vương đi tìm đất đóng đô, nhân lúc nghỉ chân ở ven rừng, vua trông thấy lũ trẻ chăn trâu đùa nghịch và hát đồng dao. Vua cho gọi chúng đến trò chuyện và bảo chúng hát cho nghe. Nghe xong, vua truyền dạy cho lũ trẻ những điệu hát múa của người Lạc Việt trên đất Văn Lang. Để tưởng nhớ ơn vua, nhân dân quanh vùng đã dựng ngôi miếu trên đất đó để thờ vua, tục gọi là miếu Lãi Lèn. Miếu ấy ngày nay ở xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Từ khi có miếu Lãi Lèn, cứ đến ngày 30 tháng Chạp hằng năm, dân các làng lại làm cỗ cúng vua. Từ sáng mùng 1 đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng, dân làng tiếp tục tổ chức những canh hát nghi lễ để thờ vua - trình diễn lại những điệu hát múa được vua trao truyền, với mục đích cầu mong vua giáng phúc cho dân làng một năm an hoà. Nghệ thuật hát Xoan bắt nguồn từ đó.
Một tiết mục hát xoan |
Xưa kia, hát Xoan được gọi là hát Xuân, sau từ Xuân được đổi thành từ Xoan từ Xuân trùng với tên húy của các nữ tướng và thánh mẫu có tên Xuân được thờ ở khắp các làng ở Phú Thọ. Từ đó, các làng nhỏ nhất là ở vùng ven Việt Trì như An Thái, Thét, Phù Đức và Kim Đức vừa gìn giữ, vừa phát triển và truyền lại làn điệu hát Xoan cho đến ngày nay.
Người dân đã chia hát Xoan thành nhiều loại. Thứ nhất là hát Thờ, đây là những làn điệu được biểu diễn trước đền Hùng và các điểm di tích để tưởng nhớ các Vua Hùng, các vị thần, những người có công với dân, với nước và tổ tiên của các dòng họ. Thứ hai là hát nghi lễ, làn điệu này nhằm ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, đời sống sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng. Thứ ba là hát Hội, loại này rất phổ biến trong đời sống, gần với lối hát giao duyên. Những làn điệu này nhằm bày tỏ khát vọng cuộc sống, tình cảm, tình yêu nam nữ và phục vụ nhu cầu văn hóa của cộng đồng.
Mộc mạc như hơi thở, như cuộc sống
Là một thể hát được ra đời từ trong lòng nhân dân lao động, hát Xoan có không gian diễn xướng hết sức gần gũi, bình dị. Có thể là không gian gốc đa sân đình, nơi người dân thường tụ họp vào dịp lễ hội, có thể là nơi bờ tre ruộng lúa, nơi gắn liền với công việc của người dân… Cũng chính vì thế, giai điệu của hát Xoan cũng hết sức mộc mạc, giản dị và dễ thể hiện. Các nghệ nhân biểu diễn hát Xoan chỉ cần một chiếc trống nhỏ, hai mặt bịt da và đôi ba cặp phách tre. Ngoài ra còn kèm theo các đạo cụ như quạt giấy, phách tre, hồ lô rượu, trống cái, đĩa trầu têm cánh phượng cùng trang phục áo nâu, khăn mỏ quạ với nữ, áo bà ba trắng, khăn chít đối với nam.
Thông thường hát Xoan thường là tốp người gồm tốp nam và tốp nữ đứng thành hai hàng song song để vừa hát đối vừa thể hiện sự giao duyên. Nhịp của làn điệu chủ yếu dựa vào nhịp gõ của phách tre mà nên. Chất liệu trong mỗi bài hát Xoan không gì khác ngoài những loài hoa, quả, cây đa, giếng nước sân đình rồi con người, làng quê....
Hát Xoan là làn điệu hết sức gần gũi, thân thuộc và thấm đượm tình quê. Ở những nơi ra đời câu hát Xoan, người ta đã lập ra những phường Xoan. Để rồi, ngày ngày, sau khi công việc đồng áng đã xong, những lúc nông nhàn, người ta lại tập hợp mọi người trong làng để sinh hoạt, để truyền dạy cho bọn trẻ những làn điệu Xoan cổ. Những kép nam, đào nữ ban ngày là những nông dân chân lấm tay bùn nhưng tối tối, dưới ánh trăng sáng vằng vặc soi bóng xuống mái đình làng cong vút, họ lại là những nghề sĩ đang thăng hoa cùng những làn điệu xoan mê đắm lòng người.
Về làng An Thái, Kim Đức hay những vùng ven sông Thao, sông Lô, hẳn ai cũng ít nhiều lắng nghe được những làn điệu Xoan da diết. Những bài hát như hát gái, bỏ bộ, xin huê, đố huê, đố chữ, gài huê, hát đúm, đánh cá… từ lâu đã in sâu vào trong tâm hồn người dân trung du. Khi cấy lúa, khi cày ruộng, người ta cũng có thể nhẩm hát đôi ba câu Xoan để xua đi mệt nhọc:
Bên nam hát:
Anh đố em biết huê gì nở trên rừng bạc bội?
Anh đố em biết huê gì nở nội đồng không?
Anh đố em biết huê gì nở bẩy tám lần chông?
Anh đố em biết huê gì nở mùa đông hoa vàng trắng vàng?
Bên nữ đáp:
Anh đã đố thời em sẽ giảng
(Qua hòa) anh chẳng biết thời em giảng anh nghe:
Huê sim, huê mua nở trên rừng bạc bội
Nhược bằng huê lúa nở nội đồng không
Nhược bằng huê dứa nở bẩy tám lần chông
Nhược bằng huê cải nở mùa đông vàng trắng vàng.
Mới nghe qua thôi, ai chưa từng nghe hát Xoan cũng thấy những câu ca gần gũi quá chừng, cũng thấy không gian làng quê thanh bình yên ả hiện ra trước mắt. Nghe rồi, thấy tâm hồn lắng đọng và bồi hồi cảm xúc về cái đẹp, cái nhân văn trong mỗi làn điệu.
Dưới sân đình, sân đền, những trùm Xoan của các phường Xoan đang mải miết truyền dạy cho bọn trẻ những câu Xoan của quê mình. Rồi những nhà trường quanh vùng Việt Trì cũng đã đưa câu hát Xoan vào trong những chương trình ngoại khóa cho học sinh. Thế mới biết, những câu Xoan mộc mạc, gần gũi kia quý giá nhường nào.
Có ai về miền cổ tích tháng ba, về với hội đền Hùng hồn thiêng sông núi, về nơi đây để lắng nghe những câu hát Xoan vang vọng mái đình làng. Hồn quê là đây, tiếng đồng vọng của cha ông là đây. Dòng chảy của miền truyền thuyết dường như không bao giờ cạn bởi những câu hát Xoan kia sẽ được những người dân miền trung du gìn giữ và truyền lại đến mai sau.
Nguyễn Thế Lượng