Câu chuyện hiến giác mạc xúc động vào đề thi Ngữ văn

GD&TĐ - Câu chuyện đẹp, xúc động về bé Hải An mới đây được đưa vào đề Ngữ văn thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 năm học 2017 - 2018 của Phú Thọ. Theo đánh giá của nhiều giáo viên và học sinh, đây là đề thi hay, có ý nghĩa giáo dục cao, tạo được hứng thú cho học sinh.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Đưa văn chương tới gần hơn với cuộc sống

Hội đồng đề thi của Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết, khi ra đề thi, yếu tố quan trọng được tính đến là việc lựa chọn vấn đề gắn với thực tế, có tính thời sự, những câu chuyện, hiện tượng có thật trong đời sống xã hội chứ không chỉ là câu chuyện quen thuộc trong sách vở, góp phần tạo hứng thú cho thí sinh, đưa văn chương tới gần hơn với cuộc sống.

Cùng với đó là ra đề theo hướng mở nhằm phát huy năng lực tư duy sáng tạo, khả năng cảm thụ thẩm mỹ, khả năng diễn đạt... của thí sinh.

Riêng bộ môn Ngữ văn, đề thi cần khơi gợi được rung động thẩm mỹ của thí sinh thông qua những vấn đề có tính nhân văn, có chiều sâu trong cảm xúc, tư tưởng để từ đó hướng con người tới các giá trị chân - thiện - mỹ.

Câu chuyện bé Hải An và gia đình quyết định hiến giác mạc mới đây gây xúc động mạnh. Đây thực sự là một câu chuyện tuyệt đẹp, kì diệu về lẽ sống cao cả, hiếm có trong cuộc đời.

Đề thi không yêu cầu thí sinh bàn luận về vấn đề cụ thể, quen thuộc thường thấy như tình yêu thương, mối quan hệ giữa cho và nhận… mà yêu cầu thí sinh tự rút ra bài học cho mình.

Như vậy, trên cơ sở nội dung câu chuyện được cung cấp trong đề, thí sinh phải chủ động, tích cực suy nghĩ, tìm ra những bài học riêng và có sự lí giải hợp lí, thuyết phục.

Tuy nhiên, đề mở không có nghĩa là mở không giới hạn mà những bài học thí sinh rút ra phải gắn với câu chuyện, phù hợp với nội dung, ý nghĩa của câu chuyện.

Các thầy cô trong Hội đồng đề cũng mong muốn chuyển tải một số bài học từ câu chuyện bé Hải An. Theo đó, sự sống và cái chết là quy luật tất yếu của cuộc đời mà không ai có thể tránh khỏi. Đôi khi sự sống ngắn ngủi, mong manh; cái chết rình rập bất ngờ. Vì thế, con người luôn phải đối mặt với những nghịch cảnh éo le, những khó khăn, thử thách.

Khi đứng trước cái chết, con người không chỉ biết đến nỗi đau, sự tiếc nuối mà còn có thể vượt qua sự sợ hãi cái chết, vượt qua mất mát, xót xa bằng thái độ sống dũng cảm, chủ động, tích cực, vượt lên những quan niệm, những cách ứng xử thông thường.

Trong cuộc sống, đôi khi con người không thể lựa chọn việc sống hay chết nhưng con người có thể lựa chọn cho mình cách sống nhân ái, sẻ chia. Bởi khi ta biết yêu thương, biết trao gửi sự sống ngay cả khi sự sống ấy không còn, ta sẽ tạo ra những phép màu để có thể nối dài sự sống cho người khác, nối dài sự sống cho chính mình, trở nên bất tử trong trái tim những người đang sống; khơi dậy lòng nhân ái, tạo ra sức lan tỏa tốt đẹp trong cộng đồng.

Đề Ngữ văn thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 năm học 2017 - 2018 của Phú Thọ
Đề Ngữ văn thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 năm học 2017 - 2018 của Phú Thọ

Một đề thi nhiều cảm xúc

Là một thí sinh tham gia kỳ thi, em Đỗ Khánh Linh - học sinh lớp 9B trường THCS Hùng Vương - Phú Thọ cho biết: Ngay khi nhận đề thi Ngữ văn, trong em đã tràn đầy cảm xúc. Em muốn viết thật nhiều những suy nghĩ trong lòng mình. Em đã được đọc câu chuyện của bé Hải An trên báo, đã khóc vì thương bé và cảm động trước việc làm của bé. Nhưng em cũng không ngờ câu chuyện ấy lại đi vào đề thi. Vì vậy em rất hứng thú với đề thi này.

Đánh giá đề thi trên, cô Nguyễn Thị Hải Yến - giáo viên trường THPT Long Châu Sa (Phú Thọ) - cho rằng: Đề đã chọn được ngữ liệu hay, phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức của học sinh.

Ngữ liệu vừa có tính thẩm mĩ vừa có ý nghĩa giáo dục, đủ nội dung thông tin và chiều sâu triết lí để học sinh có những trải nghiệm thú vị trong việc đọc, viết và rút ra được những bài học cụ thể, sâu sắc. Cách hỏi mở, không giới hạn năng lực tư duy sáng tạo đã khơi dậy ở học sinh khả năng độc lập suy nghĩ trước một vấn đề của cuộc sống.

Có thể nói, đổi mới kiểm tra đánh giá là một yêu cầu vô cùng quan trọng trong đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay. Đối với bộ môn Ngữ văn, việc ra đề thi với những vấn đề gắn với thực tế, có tính thời sự, những câu chuyện, hiện tượng có thật trong đời sống xã hội chứ không chỉ là những câu chuyện quen thuộc trong sách vở đã góp phần giúp học sinh có ý thức quan tâm hơn tới những vấn đề xung quanh mình, đưa văn chương gắn liền cuộc sống.

Đồng thời, cách ra đề theo hướng mở đã phát huy năng lực tư duy sáng tạo, khả năng cảm thụ thẩm mỹ, khả năng diễn đạt… của học sinh.

Tuy nhiên, các thầy cô dạy Văn nhiều kinh nghiệm cho rằng, trong rất nhiều vấn đề bề bộn của cuộc sống đang đặt ra hàng ngày, đề thi cũng cần chọn được những ngữ liệu phù hợp, có khả năng lay động được rung động thẩm mỹ của người học thông qua những vấn đề có tính nhân văn, có chiều sâu trong cảm xúc, tư tưởng.

Hướng ra đề thi mở, gắn với các vấn đề thực tế hiện nay đã thực sự khiến môn Ngữ văn nói riêng, các môn học trong nhà trường nói chung tới gần hơn với cuộc sống, từ đó nâng cao hứng thú của học sinh đối với môn học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.