Kinh nghiệm làm đề thi các môn xã hội

GD&TĐ - Càng đến gần ngày thi, Hộp thư tuyển sinh lại nhận được nhiều thắc mắc, băn khoăn của các thí sinh đang ôn luyện để chuẩn bị bước vào Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 này. 

Kinh nghiệm làm đề thi các môn xã hội

Đó là những hỏi đáp về lượng kiến thức được ra trong đề thi, cấu trúc ra đề thi THPT quốc gia thế nào, những kinh nghiệm tốt để làm bài thi các môn xã hội sao cho hiệu quả?

Hộp thư tuyển sinh xin trả lời:

Những câu hỏi về nội dung kiến thức trong đề thi luôn là quan tâm của nhiều bạn, cho dù Bộ GD&ĐT đã nhất quán trong chỉ đạo là nội dung đề thi ở các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước đây và Kỳ thi THPT quốc gia hiện đang được triển khai, đều có nội dung kiến thức phải nằm trong chương trình giáo dục phổ thông, kiến thức trọng tâm nằm ở khối 12.

Nhìn vào các đề thi năm trước, như năm 2015 đề thi tập trung chủ yếu ở kiến thức lớp 12 cho tất cả các môn và đó cũng là cơ sở cho đề thi năm nay. Lời khuyên được đưa ra là bạn không nên quá lo lắng vì đề thi chắc chắn được ra trong nội dung những gì bạn đã học ở chương trình phổ thông, thí sinh chỉ cần tập trung ôn theo đúng nội dung và chú trọng kiến thức khối 12, chắc chắn bạn sẽ đạt kết quả tốt.

Tuy nhiên, với những đề thi mở ở các môn xã hội, để làm tốt bài thi, bên cạnh việc nắm vững kiến thức, bạn còn cần phải có những hiểu biết về thời cuộc, những vấn đề nóng hổi trong xã hội đang xảy ra. Tất cả những thông tin đó đều có trên các bản tin thời sự của các phương tiện thông tin đại chúng.

Về cấu trúc của đề thi THPT quốc gia, với 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, vì vậy Bộ GD&ĐT cũng đã nghiên cứu rất kĩ để làm sao thi đảm bảo đánh giá đúng năng lực, phân loại rõ ràng giữa điểm số câu hỏi dành cho xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Đề thi phân hóa rõ ràng - 60% là kiến thức cơ bản, nếu chỉ với mục đích lấy điểm tốt nghiệp THPT thì với lượng kiến thức cơ bản như trên thí sinh không quá khó để đạt. Còn nếu mục đích xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì còn tùy thuộc vào trường nào, thí sinh sẽ phải có được bài làm tốt hơn.

Lời khuyên đối với thí sinh để làm bài tốt các môn xã hội là: Những năm gần đây, việc ra đề thi đã có những thay đổi, nhất là ở các môn xã hội, đó là các môn Văn học, Lịch sử và Địa lý. Có thể nhận thấy như ở môn Sử, đề thi không còn là những sự kiện hay những con số vốn được xem là “khô khan” từ trước, mà đề thi đã đòi hỏi những hiểu biết, đánh giá sự kiện bằng việc vận dụng những kiến thức được học.

Cũng như vậy ở môn Ngữ văn, những vấn đề nóng trong xã hội cũng được đưa vào đề thi ở phần nghị luận xã hội. Còn đề thi Địa lý, những vấn đề về biển đảo, kinh tế biển xuất hiện nhiều hơn, đòi hỏi thí sinh phải có tư duy phân tích sâu sắc mới được điểm. Việc vận dụng kiến thức thực tiễn đang là xu hướng ra đề hiện nay, chính vì thế, thí sinh không chỉ thuộc mà còn phải hiểu, biết cách vận dụng trình bày sao cho người chấm thấy được đây là kiến thức, hiểu biết của chính bạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.