Cậu bé bị chủ quán bạo hành: Đêm bỏ trốn đói lả, ăn như chưa bao giờ được ăn

GD&TĐ - Chạy trốn khỏi quán bánh xèo do bị bạo hành, cậu bé Duy đói lả, quần áo ướt sũng. Rất may lúc đó, cậu gặp được một người tốt...

Ông Nguyễn Hữu Hạnh - Người đầu tiên phát hiện ra Duy khi em bỏ chạy khỏi quán bánh xèo
Ông Nguyễn Hữu Hạnh - Người đầu tiên phát hiện ra Duy khi em bỏ chạy khỏi quán bánh xèo

Ông Nguyễn Hữu Hạnh (trú tại thôn Lạc Nhuế, xã Thụy Hòa, Yên Phong, Bắc Ninh) là người đầu tiên phát hiện ra Duy khi em bỏ chạy khỏi quán bánh xèo do Nguyễn Thị Ánh Tuyết làm chủ.

Ông Hạnh kể, tối ngày 21/11, sau bữa cơm tối, ông đang trên đường ra quán trà thì phát hiện Duy đứng co ro, run cầm cập cạnh ngôi chùa trong làng. Khi đó, ông phát hiện trên người, mặt Duy có nhiều vết thương tích.

Theo lời ông Hạnh, khi được phát hiện, Duy đói lả, quần ướt sũng, nói không ra hơi và không nhấc nổi chân để đi. Thấy thế, ông đã bế Duy lên xe máy và đưa về nhà mình.

Tại nhà, Duy được ông Hạnh lấy nước nóng để tắm rửa cho và chạy sang nhà hàng xóm mượn quần áo cho cậu bé mặc và lấy cơm cho Duy ăn. Ông Hạnh bảo Duy ăn hết 3 bát cơm, cậu bé ăn như chưa bao giờ được ăn.

Nghĩ rằng Duy có thể đi lạc nên ông Hạnh đã gặng hỏi địa chỉ gia đình để đưa em về nhưng do rất sợ hãi nên Duy không nói lên lời. Thời điểm này, nhiều người hàng xóm kéo đến và nhận ra Duy là nhân viên quán bánh xèo.

Phải cố gắng động viên, dò hỏi, Duy mới kể câu chuyện bị chủ quán hành hạ không chịu nổi nên mới phải chạy trốn trong đêm tối.

Khi nghe xong câu chuyện, một số thanh niên có mặt tỏ thái độ bức xúc và muốn đến gặp để xử lý người chủ của cháu bé.

Chứng kiến và nghe câu chuyện thương tâm của Duy, ông Hạnh cho biết đã nghĩ đến chuyện sẽ giúp Duy tìm người thân. Trong trường hợp Duy không tìm được người thân, vợ chồng ông sẽ giữ Duy lại, nuôi em ăn học thành người.

Sự việc sau đó được trình báo lên chính quyền địa phương. Duy được đưa đến chăm sóc tại Trung tâm Y tế huyện Yên Phong. Hôm sau, ông Hạnh mang một số quần áo đến cho Duy và gửi lại cho Duy 100.000 đồng để em ăn sáng.

Sự việc sau đó được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, Tuyết bị bắt khẩn cấp, khám xét chỗ ở để phục vụ việc điều tra.

Tại cơ quan Công an, Tuyết đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Để tránh bị phát hiện và giữ chân được Duy, Đức làm việc cho mình, Tuyết đã bắt hai nhân viên làm việc quần quật từ 7h sáng hôm trước đến 4h sáng hôm sau, không trả lương, không cho ăn cơm và không được gặp gỡ, giao tiếp với người ngoài.

Mỗi khi tức giận, Tuyết lại lôi nhân viên vào phía sau nhà đánh đập bằng những dụng cụ làm bếp như bàn chải sắt đánh vảy cá, dao, chày giã tiêu, xẻng xúc bánh… 

Liên quan đến vụ việc, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tiếp nhận thông tin và nhanh chóng vào cuộc. Theo đó, hội đã đề nghị UBND huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo cơ quan công an khẩn trương điều tra vụ án. Hội lưu ý, quá trình điều tra, đề nghị cử điều tra viên có kinh nghiệm làm việc với trẻ em, đồng thời phối hợp với nhân viên công tác xã hội ổn định tâm lí nạn nhân của vụ việc.

Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ