Cắt phụ cấp của giáo viên đảo Lý Sơn: Cắt nguồn động viên, khích lệ

GD&TĐ - Trước thông tin từ 1/1, giáo viên huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) không được hưởng chế độ, chính sách công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng:

Ánh mắt học trò trên huyện đảo Lý Sơn.
Ánh mắt học trò trên huyện đảo Lý Sơn.

Việc này không nên vội vàng mà cần tiếp tục hỗ trợ, nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ nhà giáo cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng biển đảo.

Những người canh giữ biển đảo 

Theo đại biểu Quốc hội Lê Tuấn Tứ (đoàn Khánh Hòa), đã là huyện đảo thì dù có thuận lợi đến mấy, đội ngũ giáo viên vẫn gặp vô vàn khó khăn, vất vả so với vùng thuận lợi trong đất liền. Họ phải dạy – học trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nếu vào mùa biển động, khó khăn chồng chất khó khăn, nhất là với những giáo viên từ trong đất liền đến đảo để dạy học. Thực tế, giáo viên phải thực sự yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục mới bám trường, bám lớp và bám đảo. 

Vì thế, nếu không có cơ chế hỗ trợ thêm cho đội ngũ nhà giáo vùng hải đảo, nên duy trì các chế độ chính sách cho họ theo quy định tại Nghị định số 76/2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

“Từng công tác trong ngành Giáo dục thuộc vùng biển đảo, tôi hiểu những khó khăn, vất vả mà thầy – trò huyện đảo Lý Sơn phải đối diện hàng ngày. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến đội ngũ thầy – trò nơi đây, bởi ở góc độ nào đó, họ cũng chính là lực lượng canh giữ biển đảo quê hương, góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ của đất nước. Vì thế, chính quyền địa phương cần kiến nghị với Chính phủ, các cấp có thẩm quyền để thầy – trò huyện đảo Lý Sơn tiếp tục được chính sách ưu đãi đối với vùng biển đảo theo Nghị định số 76/2019 của Chính phủ” – đại biểu Lê Tuấn Tứ đề xuất.

Chăm lo nhà giáo bằng chính sách bền vững

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định: Quan tâm đội ngũ nhà giáo bằng các chế độ, chính sách là có tính bền vững nhất. Do đó, nếu các xã của huyện đảo Lý Sơn đã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ nhà giáo càng cần được bảo đảm và ngày phát triển. 

PGS.TS Trần Thị Tâm Đan viện dẫn: Chúng ta vẫn kiến nghị Nhà nước cần có chính sách đặc thù cho đội ngũ nhà giáo. Lương và chế độ phụ cấp của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.Với các thầy cô giáo vùng đặc biệt khó khăn nói chung và huyện đảo Lý Sơn nói riêng cũng vậy, chế độ phụ cấp chính là nguồn động viên, khích lệ để họ có thêm động lực vượt qua khó khăn, hoàn thành sứ mệnh “trồng người” nơi đầu sóng ngọn gió. “Vì thế, tôi cho rằng vẫn nên tiếp tục ổn định các chế độ phụ cấp cho thầy – trò nơi đây. Bởi đầu tư cho giáo dục không bao giờ là lỗ” - PGS.TS Trần Thị Tâm Đan nhấn mạnh.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ thêm: Thực tế cho thấy, đời sống giáo viên rất vất vả. Nhiều nhà giáo thu nhập không đến 5 triệu đồng/tháng – rất khó để bảo đảm cuộc sống. Thế nhưng, chúng ta vẫn còn nhiều thứ bị lãng phí. Nên chăng rà soát lại và cắt giảm những chi phí không cần thiết để bổ sung đầu tư cho giáo dục, nhất là giáo dục vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Trăn trở với những khó khăn của giáo viên vùng bãi ngang ven biển nói chung và giáo viên huyện đảo Lý Sơn nói riêng, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ: Hiện nay, thu nhập của thầy, cô giáo chủ yếu dựa vào lương và các chế độ phụ cấp của Nhà nước. Họ không có nguồn thu nhập thêm, vì vậy nếu cắt đi các chế độ, chính sách, đời sống của đội ngũ nhà giáo khó được  bảo đảm. 

Được biết, đến thời điểm này, Quyết định số 1995/QĐ-TTg ngày 4/11/2014 của Thủ tướng về một số cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn giai đoạn 2015 – 2020 đã hết hiệu lực. Huyện đảo Lý Sơn không được hưởng cơ chế chính sách theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Theo đó, một số chế độ, chính sách ưu tiên liên quan đến HSSV, đội ngũ nhà giáo ở địa phương này sẽ không còn.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Công văn gửi Bộ Nội vụ đề nghị tham mưu với Thủ tướng Chính phủ cho huyện đảo Lý Sơn tiếp tục được hưởng một số cơ chế, chính sách theo Quyết định số 1995/QĐ-TTg ngày 4/11/2014 của Thủ tướng và đưa vào danh sách ưu tiên hưởng chính sách như các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/11/2017 của Thủ tướng như huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ khẳng định, giáo dục có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ vùng biển quốc gia; mà ở đó, đội ngũ nhà giáo chính là những chiến sĩ, lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biển đảo quê hương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.