Ngày 13/4, Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội làm việc với UBND các tỉnh và sở, ngành của các địa phương về mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Khảo sát hơn 100 mỏ vật liệu
Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội Đinh Tiến Dũng, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, UBND, sở, ngành các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Hải Dương, Ninh Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang và Lạng Sơn.
Trình bày báo cáo của Ban Chỉ đạo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội - Nguyễn Huy Cường cho biết, nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường, khối lượng dự kiến đổ thải phục vụ thi công dự án trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh là rất lớn.
Cụ thể, đất đắp K98, K95, đắp bao 12,012 triệu m3; cát đắp K95, cát xử lý nền đất yếu 10,467 m3; cát xây dựng 3,401 m3; đá 7,512 triệu m3. Chất thải, đất đổ đi, gồm: Đất đào 3,051 triệu m3; chất thải rắn xây dựng 1,731 triệu m3.
Về các mỏ đất đắp phục vụ thi công dự án, đến thời điểm hiện nay, đơn vị tư vấn đã khảo sát tổng cộng 31 mỏ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố với tổng trữ lượng ước khoảng 114 triệu m3 (thực tế nhu cầu dự kiến sử dụng ước khoảng 12,012 triệu m3).
Về các mỏ cát, bãi tập kết cát, đơn vị tư vấn cũng đã khảo sát tổng cộng 32 mỏ trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố với tổng trữ lượng ước khoảng 56 triệu m3 (thực tế nhu cầu dự kiến sử dụng ước khoảng 10,467 triệu m3). Đơn vị tư vấn đã khảo sát 39 mỏ đá trên địa bàn 6 tỉnh, thành phố với tổng trữ lượng ước khoảng 280 triệu m3 (thực tế nhu cầu dự kiến sử dụng ước khoảng 7,512 triệu m3).
Quang cảnh hội nghị. |
Đối với bãi đổ thải phục vụ thi công dự án, trên cơ sở số liệu điều tra, phạm vi dọc tuyến đường Vành đai 4 và trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh hiện có các vị trí có thể san lấp, đắp tận dụng đất đào nền, đào khuôn đường như: Vị trí nút giao, giải phân cách giữa đường cao tốc, phần đất thu hồi 30m dự trữ đường sắt và phần hè của đường song hành để san phẳng tạo mặt bằng thi công hè giai đoạn hoàn thiện, đủ đáp ứng nhu cầu đổ thải vật liệu không thích hợp và chất thải rắn của dự án.
Ngoài ra, theo báo cáo của đơn vị tư vấn, đến thời điểm này đã khảo sát 12 vị trí trên địa bàn 3 tỉnh thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh với tổng trữ lượng ước khoảng 4,155 triệu m3.
Cam kết đủ vật liệu cho dự án
Tại hội nghị, để đảm bảo cung ứng vật liệu và bãi đổ thải phục vụ thi công dự án, các đại biểu của UBND TP Hà Nội đề nghị Ban Chỉ đạo thống nhất với đề xuất của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho phép thực hiện phương án đắp K98, đắp bao bằng đất và đắp K95 bằng cát (đất 1,025 triệu m3; cát 3,976 triệu m3).
Đại biểu phát biểu tại hội nghị. |
Ngoài ra, một số đại biểu cho rằng, đối với các mỏ đất dự kiến sử dụng cho dự án, mỏ đã có giấy phép đang hoạt động khai thác trên địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Lạng Sơn, Ban Chỉ đạo nên đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương vận động doanh nghiệp có giấy phép khai thác mỏ thống nhất cam kết cung cấp vật liệu cho dự án và nâng công suất khai thác theo quy định nếu cần thiết.
Các mỏ chưa có giấy phép khai thác nằm trong quy hoạch khoáng sản đề nghị đẩy nhanh công tác đấu giá, gia hạn giấy phép, cấp giấy phép trong năm 2023 và thống nhất đưa các mỏ nêu trên vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án.
Đối với các mỏ cát dự kiến sử dụng cho dự án, mỏ đã có giấy phép đang hoạt động khai thác trên địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Ban Chỉ đạo cũng nên đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương vận động các doanh nghiệp có giấy phép khai thác mỏ thống nhất cam kết cung cấp vật liệu cho Dự án. Với các mỏ cát đang chờ đấu giá, cấp giấy phép khai thác trên địa bàn hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, đề nghị UBND các tỉnh này đẩy nhanh việc đấu giá và cấp phép khai thác với công suất đáp ứng nhu cầu theo tiến độ dự án trong năm 2023.
Bí thư Thành ủy Hà Nội - Đinh Tiến Dũng phát biểu. |
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội - Đinh Tiến Dũng cho rằng: Ban Chỉ đạo sẽ báo cáo đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng địa bàn các tỉnh, thành phố (ngoài Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) có mỏ vật liệu đáp ứng yêu cầu có thể cung cấp phục vụ thi công Dự án Vành đai 4 được áp dụng cơ chế đặc thù như Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ. Ban Chỉ đạo kiến nghị cho phép nhà thầu bổ sung thực hiện xây lắp trong Dự án thành phần 3 (đối tác công tư-PPP) cũng được hưởng các chính sách đặc thù liên quan đến vật liệu xây dựng như các nghị quyết nêu trên.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội thống nhất giao cho tư vấn làm việc với Ban Chỉ đạo các tỉnh lên phương án về các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án, cụ thể từng mỏ, vị trí, công suất, sản lượng theo tiến độ.
Về đề nghị của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho phép thay đất bằng cát trong thực hiện phương án đắp bao để bảo đảm sự chủ động nguồn vật liệu thi công ngay sau khi khởi công, Ban Chỉ đạo yêu cầu tư vấn xem xét, thẩm định và đề xuất UBND thành phố quyết định theo thẩm quyền.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự án thành phần, nhất là các báo cáo đánh giá tác động môi trường mà các địa phương đã trình hồ sơ. Đồng thời, đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, lưu ý trong quá trình thực hiện đặc biệt chú ý xác định chính xác nguồn gốc, diện tích đất, tránh để xảy ra sai sót.