(GD&TĐ) - Trước thực tế những vi phạm trong lĩnh vực biểu diễn ngày càng nhiều và đối tượng chủ yếu lại là các ca sĩ, người mẫu tự do, vì vậy Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã giao trách nhiệm cho Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) chuẩn bị đề án cấp lại chứng chỉ, trước mắt cho ca sĩ, người mẫu. Trong hội nghị trực tuyến về vấn đề này mới đây, nhiều ý kiến đã được các đại biểu đề cập thẳng thắn.
Đòi hỏi cấp thiết
Gần đây dư luận bất bình trước việc biểu diễn nghệ thuật ở Việt Nam liên tục có những sai phạm nghiêm trọng gây ảnh hưởng xấu trong xã hội. Các nghệ sĩ đua nhau hát nhép, mặc trang phục thiếu vải phản cảm, phát ngôn gây sốc… ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục của dân tộc. Chính vì vậy, vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề đã được đưa ra bàn luận tại nhiều hội nghị. Tại Hội nghị trực tuyến ở 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, nhiều ý kiến cho rằng việc cấp phép chứng chỉ để ca sĩ, người mẫu phải có trách nhiệm với công việc mình đang làm và cũng là làm trong sạch môi trường văn hóa nghệ thuật.
Theo dự thảo đề án, việc cấp chứng chỉ sẽ áp dụng với tất cả nghệ sĩ, nhưng trước mắt là ca sĩ và người mẫu. Bởi, thời trang và âm nhạc là hai lĩnh vực đang có nhiều sai phạm nhất. Những người được cấp thẻ phải hội đủ ba điều kiện: Tư cách đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn và chưa từng bị thu hồi chứng chỉ hành nghề trước đó. Bộ dự định cấp hai loại thẻ. Loại thứ nhất dành cho nghệ sĩ được đào tạo tại các trường nghệ thuật và có danh hiệu. Loại thứ hai dành cho các nghệ sĩ không được đào tạo bài bản nhưng có năng khiếu và được công chúng yêu mến.
Cấp chứng chỉ hành nghề để ca sĩ có trách nhiệm hơn với công chúng (Ảnh mang tính minh họa) |
Đối với các NSND, NSƯT hay những nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu, việc cấp chứng chỉ hành nghề là điều đương nhiên. Họ sẽ không phải làm hồ sơ xin cấp thẻ như các nghệ sĩ khác. Bộ khẳng định, chứng chỉ hành nghề của mỗi nghệ sĩ sẽ được sử dụng cho tất cả chương trình họ tham gia. Mã số của chứng chỉ cũng được cấp trùng với mã số thuế thu nhập cá nhân của từng người để tiện cho việc quản lý. Nếu nghệ sĩ nào vi phạm trong hoạt động nghệ thuật sẽ bị treo chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng đến 2 năm. Trường hợp vi phạm nặng có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến biện pháp chế tài cao nhất là thu hồi thẻ. Hiện Bộ đang băn khoăn về việc nên cấp phép có thời hạn 5 năm đối với những người được đào tạo chuyên nghiệp và 3 năm với những người còn lại, hay sẽ cấp thẻ một lần và có hiệu lực vĩnh viễn.
Trước những băn khoăn của các đại biểu tại hội nghị đưa ra, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh: Chứng chỉ hành nghề không phải là “giấy chứng nhận” về trình độ chuyên môn của người hành nghề, mà là một trong những công cụ để quản lý, giám sát việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề. Vì vậy chứng chỉ đảm bảo tư cách hành nghề của ca sĩ, người mẫu trong các buổi biểu diễn nghệ thuật, kể cả quán bar, vũ trường. Nó không phải giấy phép con, không phải là điều kiện cần để đăng ký kinh doanh ngành nghề tổ chức biểu diễn.
Cần thực tế hơn khi cấp phép
Cấp phép chứng chỉ hành nghề cho các ca sĩ người mẫu là việc làm cần thiết trong thời điểm hiện nay để siết chặt công tác quản lý trong biểu diễn nghệ thuật. Tuy nhiên về lộ trình và cách làm như thế nào vẫn đang được đại biểu tranh luận sôi nổi tại Hội nghị. Trước đó vào năm 1999, Bộ VHTT&DL từng cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ hoạt động trong các đơn vị công lập. Đến năm 2002, Chính phủ bãi bỏ vì những bất cập: Thẻ được xem như “giấy phép con”, rồi cơ chế xin - cho gây phiền hà. Đó chính là một thực tế để việc cấp chứng chỉ hành nghề lần này phải được xem xét là thực hiện một cách cẩn trọng. Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD cho biết cơ sở pháp lý cho đề án này là: Quy định về cấp chứng chỉ hành nghề tại Nghị định 185/2008/NĐ-CP; và Kết luận của lãnh đạo Bộ triển khai chỉ thị 65 về chấn chỉnh hoạt động biểu diễn. Cũng theo ông Chương, chứng chỉ hành nghề chỉ là một chiếc "giấy thông hành" để nghệ sĩ đến với công chúng, bảo đảm sự "an toàn" cho cả hai phía. Đó không phải cơ chế xin - cho mà là một thủ tục để cơ quan quản lý nắm rõ hơn về công tác nhân sự trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nhằm điều chỉnh và quản lý tốt hơn.
Bộ VHTT&DL tổ chức lấy ý kiến trên các diễn đàn: Hơn 81% cho rằng cần thiết cấp chứng chỉ hành nghề biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp; hơn 10% cho rằng không cần thiết. 41,18% cho rằng phải làm chặt chẽ thủ tục cấp thẻ hành nghề; 43,3% ý kiến cho rằng thủ tục cấp phải đơn giản mà tập trung hậu kiểm. |
Tuy nhiên một số đại biểu cũng bày tỏ e ngại về những tiêu chí để cấp phép chưa thật rõ ràng. Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT & DL Phạm Xuân Phúc cũng cho rằng: Tiêu chuẩn để cấp chứng chỉ cần cụ thể hơn bởi trên thực tế nhiều nghệ sĩ chưa qua đào tạo, hành nghề tự do, nếu nói chỉ cần có báo cáo hoạt động, có đạo đức sẽ được cấp thẻ là chưa cụ thể. Trong đề án cũng cần quy định về tuổi cấp thẻ, quy định về việc cấp lại với trường hợp mất, rách… Nghệ sĩ Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, lo ngại sẽ xảy ra tình trạng việc cấp chứng chỉ thông thoáng đến độ xin cấp là được. Ngay cả việc có nên tồn tại hai loại chứng chỉ hành nghề dành cho người được đào tạo qua trường lớp và những người có năng khiếu, kỹ năng mà thành tài. Theo ông việc phân chia như vậy là không cần thiết vì khi làm nghề, ai cũng đều phải có trách nhiệm, có ý thức với công việc như nhau. Cần phải bình đẳng, đủ tiêu chí, đủ điều kiện thì cấp.
Như vậy việc xét cấp chứng chỉ hành nghề để những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật có trách nhiệm về bản thân mình hơn cũng như trách nhiệm trước xã hội và công chúng. Đây là việc làm thiết thực để các cấp các ngành thuộc Bộ VHTT & DL làm tốt hơn việc quản lý của mình. Điều này cũng chính là làm trong sạch và lành mạnh hơn môi trường nghệ thuật để tránh “vàng, thau lẫn lộn”. Vấn đề Bộ VHTT&DL và đặc biệt là Cục NTBD phải xem xét kỹ hơn về tiêu chí cấp phép.
Thu Trà