(GD&TĐ)- Cấp bách phải nâng cao chất lượng đào tạo kế toán-kiểm toán cũng như đổi mới trong đào tạo chuyên ngành kế toán- kiểm toán tại các trường đại học khối kinh tế ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, đó là ý kiến của nhiều GS.TS, giảng viên tại hội thảo khoa học quốc gia về đổi mới đào tạo kế toán - kiểm toán trong các trường ĐH khối kinh tế ở Việt Nam" vừa tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Đóng góp ý kiến cho việc đào tạo kế toán - kiểm toán có chất lượng tại hội thảo. Ảnh: gdtd.vn |
Nhân sự chưa đáp ứng nhu cầu xã hội
Ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam nhận định, với gần 500.000 doanh nghiệp, hàng vạn đơn vị hành chính sự nghiệp, gần 14.000 cơ quan quản lý ngân sách nhà nước, 63 đơn vị tỉnh, thành, hơn 600 huyện, quận và hơn 13.000 xã, phường… thì mỗi năm cần hàng vạn kế toán viên và kiểm toán viên. Điều này cho thấy nhu cầu về nhân sự ngành kế toán-kiểm toán rất lớn, song thực tế trình độ nhân sự ngành này lại chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, đặc biệt là công cuộc “săn đầu người” cho các vị trí kế toán trưởng và giám đốc tài chính của các Công ty, tập đoàn lớn vẫn rất khó khăn do thiếu nguồn nhân lực trình độ cao.
Theo kết quả khảo sát về chất lượng nguồn nhân lực kế toán và kiểm toán của NavigosSearch, công ty tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm tại Việt Nam thì nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán chưa đạt chất lượng cao. Các sinh viên khi ra trường, có tới 80% được hỏi chỉ tự tin khi làm việc với các đơn vị trong nước còn các đơn vị nước ngoài thì chưa sẵn sàng. Hiện có tới khoảng tầm 66,7% đang làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và chỉ 17,4% số lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán ở vị trí quản lý.
Giảng viên Nguyễn Thị Hương Liên (Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội) cho biết dù chuyên ngành đào tạo kế toán-kiểm toán tại các trường đại học khối kinh tế ở Việt Nam đã trở thành một trong những chuyên ngành thu hút được đông đảo sinh viên nhất với chất lượng đầu vào (điểm chuẩn) khá cao, nhưng các cuộc khảo sát gần đây với sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kế toán - kiểm toán cho thấy việc đào tạo kỹ năng chuyên môn còn mang nặng tính lý thuyết và ít thực hành. Đến 70% người học trả lời chưa thể nắm bắt được công việc kế toán - kiểm toán ngay mà cần được đào tạo và hướng dẫn lạ; 80% cho rằng chương trình đào tạo ngành kế toán còn nặng về lý thuyết, 50% cho rằng khối lượng kiến thức chuyên ngành lĩnh hội được ít…
Giảng viên Phan Trung Kiên (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) lại dẫn chứng: Kết quả khảo sát thực tế đối với sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán tại các trường CĐ, ĐH như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính hiện đang làm việc trong các công ty kiểm toán và DN có quy mô lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài cho thấy, kỹ năng sử dụng phần mềm kế toán, máy tính và các phương tiện quản lý khác còn yếu, kỹ năng về phân tích, tổ chức hệ thống thông tin kế toán bằng phương tiện hiện đại còn “mơ hồ”. “Có đến 91% số người trả lời kỹ năng chuyên môn chủ yếu được học lý thuyết, thực hành thủ công, phần mềm kế toán còn đơn giản, sơ sài, được thực hành rất ít. Đối với kỹ năng thực hành kiểm toán Báo cáo tài chính thì 100% câu trả lời là không biết. Còn với kỹ năng thực hiện kế toán quản trị thì hầu hết cũng nhận được câu trả lời là chưa được làm vì nhiều đơn vị chưa tổ chức thành một bộ phận riêng biệt.”
Các cử nhân kế toán sau khi đi làm thường có xu hướng trở thành những kế toán giỏi theo nghĩa đảm bảo sự tuân thủ nhưng khả năng sáng tạo ít và khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp hạn chế. Ông Mai Thanh Tòng, Phó Chủ tịch Hội Kế toán TP.HCM cho biết: “Sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán Việt Nam mới ra trường rất ít người có thể áp dụng một cách rành rọt những gì mình đã học được ở nhà trường vào công việc mà doanh nghiệp giao cho, dù là một công việc không phức tạp. Các nhà tuyển dụng, đặc biệt là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài luôn gặp khó khăn khi tìm những người kế toán vừa ý, và càng khó khăn hơn khi tìm những người kế toán có trình độ chuyên môn cao như kế toán trưởng hay giám đốc tài chính…”.
Bên cạnh những kỹ năng thực hành chuyên môn, những kỹ năng giao tiếp thông thường luôn là một vấn đề lớn đối với sinh viên kế toán – kiểm toán. Bên cạnh đó, sự tích lũy, am hiểu về những vấn đề xã hội, toàn cầu hóa,…còn hạn chế ảnh hưởng tới khả năng hội nhập kế toán – kiểm toán vào khu vực và quốc tế.
Mô hình nào cho giảng dạy kế toán trong các trường ĐH Việt Nam
Một mô hình giảng dạy kế toán đã được đề xuất tại nhiều trường đại học và có thể áp dụng cho đào tạo tại kế toán – kiểm toán tại Việt Nam, đó là mô hình giảng dạy “học lẫn nhau” theo nhóm. Theo đó, giáo viên tập trung vào thảo luận, hướng dẫn phát hiện vấn đề, giám sát việc tham dự thảo luận theo các mục tiêu học thuật. Mô hình này khuyến khích sinh viên tập trung vào những nguyên tắc cơ bản vì thế, học mang tính chủ động và sâu hơn - Giảng viên Phan Trung Kiên đề xuất.
TS. Phạm Thị Thủy - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề cập đến việc áp dụng một số công cụ công nghệ thông tin trên mạng Internet trong việc thực hiện các hoạt động và tạo dựng tài nguyên cho các khóa học trong giảng dạy hệ đại học và hệ cao học, như wiki, blogs, prezi, online-quiz, v.v. Các công cụ này sẽ giúp các giảng viên xây dựng các khóa học phù hợp với môi trường của người học và từ đó nâng cao hiệu quả của lớp học.
Giảng viên Nguyễn Thị Hải Hà (ĐH Kinh tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội) thì cho rằng, việc chuyển từ cách tiếp cận kiểu cũ-lấy giáo viên làm trung tâm sang cách tiếp cận hiện đại lấy người học làm trung tâm áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực hướng đến xây dựng tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tự thiết kế chương trình học của sinh viên là một xu hướng tất yếu của sự nghiệp đào tạo nói chung và đào tạo kế toán nói riêng.
Đề cập tới việc đào tạo nguồn nhân lực kế toán-kiểm toán bậc đại học đáp ứng được nhu cầu xã hội, giảng viên Nguyễn Thị Hương Liên (Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà nội) cho rằng, cần xác định được yêu cầu hay mong muốn của các nhà tuyển dụng đối với các ứng viên là gì. Trên cơ sở đó, cần xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp với các yêu cầu/mong muốn đó. Vì vậy, trong thời gian tới, cần thiết phải biên soạn nhiều giáo trình kế toán-kiểm toán theo hướng vận dụng lý thuyết vào thực tế công tác kế toán-kiểm toán, đồng thời cập nhật được các nội dung mới của kế toán-kiểm toán quốc tế.
Trước mắt, yêu cầu đội ngũ giảng viên kế toán-kiểm toán phải tự tham khảo thêm các tài liệu nước ngoài để thiết kế bài giảng sát thực và sinh động hơn. Điều này đặt ra một tiêu chí tuyển dụng giảng viên kế toán-kiểm toán thời kỳ mới là phải thành thạo tiếng Anh, hay tối thiểu phải đọc được và tham khảo được nguồn tài liệu nước ngoài. Việc thiết kế chương trình đào tạo kế toán-kiểm toán bậc đại học nên theo hướng tích hợp với các chương trình dự thi lấy chứng chỉ hành nghề CPA Việt nam và cao hơn nữa là chứng chỉ ACCA, CPA Úc,…
Hiếu Nguyễn