(GD&TĐ)- Trong số các công việc cần chuẩn bị cho chương trình điện hạt nhân ở Việt Nam, nguồn nhân lực là một hạ tầng quan trọng, cần phải được quan tâm đi trước một bước.
Sinh viên ngành kỹ thuật hạt nhân (ĐHBK Hà Nội) thực hành trên máy phát tia X. Ảnh: gdtd.vn |
Còn nhiều khó khăn
Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã được phê duyệt. Theo đề án này, khi bắt đầu vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 2020, nước ta cần khoảng trên 2000 kỹ sư các chuyên ngành điện hạt nhân.
TS.Trần Kim Tuấn - Viện Kỹ thuật Hạt nhân & Vật lý Môi trường (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam sẽ cần khoảng 2400 nhân lực có trình độ ĐH, trong đó, Kiểm soát an toàn & bảo vệ bức xạ cần 60 nhân lực; Quản lí dự án: 360; Quản lí & lãnh đạo nhà máy: 10; Vận hành – điều hành lò: 140; Kiểm soát viên đảm bảo chất lượng: 18; Bảo trì & hỗ trợ kỹ thuật: 300; Nhiệm vụ hỗ trợ khác: 160 và dịch vụ bên ngoài: 152 nhân lực.
Các trường ĐH hiện được giao đào tạo chuyên ngành phục vụ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là Trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa thuộc Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Điện lực, Trung tâm đào tạo nhân lực hạt nhân thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ
Tuy nhiên, thực tế tuyển sinh ngành học trên tại các trường này không mấy khả quan. Số sinh viên đầu quân không nhiều, điểm đầu vào thấp, nhiều trường còn tuyển không đủ chỉ tiêu.
Trường ĐH Điện lực năm 2012 tuyển sinh ngành Điện hạt nhân với điểm chuẩn NV1 là 18 điểm, phải tuyển thêm 20 chỉ tiêu NV2 mới đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, con số này đã là khả quan hơn nhiều so với năm 2010, năm đầu tiên trường tuyển sinh ngành này: chỉ tuyển được 14 trên 50 chỉ tiêu dù điểm đầu vào chỉ 15,5 điểm.
Năm 2012, Đại học Đà Lạt tuyển sinh khóa đầu tiên cho ngành Kỹ thuật hạt nhân. Tuy nhiên, với mức điểm chuẩn chỉ là 16,5, trường cũng chỉ có được 10 thí sinh đạt yêu cầu trên tổng số chỉ tiêu là 30.
Sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh theo học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ngoài được miễn học phí và ở kí túc xá miễn phí còn được hưởng nhiều chế độ đãi ngộ khác như học bổng; được đi thực tập ở nước ngoài; được ưu tiên tuyển chọn vào làm việc tại các cơ quan năng lượng nguyên tử và liên quan, không phải qua thời gian thử việc (với sinh viên giỏi)...(Theo dự thảo quyết định quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử) |
Là một trường thuộc top đầu, năm 2012, hai chuyên ngành Vật lý kỹ thuật và Kỹ thuật hạt nhân cũng chỉ lấy 18,5 điểm đầu vào thi ĐH…
Người học chưa thực sự nhận thấy đây là một ngành học quan trọng và hấp dẫn, nhưng đáng lo ngại hơn là với điểm đầu vào như trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nguồn nhân lực.
Còn theo PGS. TS. Vương Hữu Tấn – nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, nhân lực cần quan tâm chuẩn bị cho dự án điện hạt nhân ở Việt Nam chính là đội ngũ cán bộ quản lý dự án các cấp và cán bộ vận hành bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân sau này. Tuy nhiên, hiện nay, các trường đại học trong nước và các viện nghiên cứu đào tạo phần lớn thuộc chuyên môn về vật lý hạt nhân, kỹ thuật hạt nhân, an toàn bức xạ và công nghệ hóa học.
Mấu chốt nằm ở chính sách đãi ngộ
Nhiều chuyên gia cho rằng, để thu hút được nguồn nhân lực hạt nhân chất lượng cao, yếu tố mấu chốt nằm ở chế độ đãi ngộ thỏa đáng.
Đáp ứng mong mỏi này, ngày 30/11, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo quyết định quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Thủ tướng Chính phủ.
Đối tượng hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ là sinh viên đại học, học viên cao học, nghiên cứu sinh theo học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở trong nước và ngoài nước; giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; cán bộ quản lí, cán bộ khoa học và kĩ thuật của các cơ quan liên quan đến năng lượng nguyên tử được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, thực tập ngắn hạn, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở trong nước và ngoài nước.
Theo dự thảo này, đối với đào tạo ĐH trong nước, sinh viên theo học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được miễn học phí và ở kí túc xá miễn phí. Sinh viên xếp loại học lực giỏi trở lên được cấp học bổng có giá trị 15 lần tiền học phí/tháng; sinh viên xếp loại học lực khá được cấp học bổng có giá trị 8 lần tiền học phí/tháng; sinh viên xếp loại học lực trung bình được cấp học bổng có giá trị bằng tiền học phí/tháng. Việc xét học bổng được tiến hành theo học kì của năm học, một năm xét 2 lần.
Sinh viên theo học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử năm cuối của chương trình đào tạo đạt học lực khá trở lên được xem xét tuyển chọn đi thực tập 6 tháng tại một số nước có ngành năng lượng nguyên tử phát triển.
Sinh viên theo học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tốt nghiệp đạt loại giỏi trở lên được chuyển tiếp học cao học và làm nghiên cứu sinh sĩ ở trong nước và nước ngoài, được ưu tiên tuyển chọn vào làm việc tại các cơ quan năng lượng nguyên tử và liên quan, không phải qua thời gian thử việc.
Đối với đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, học viên cao học, nghiên cứu sinh theo học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được miễn học phí và ở kí túc xá miễn phí; cấp học bổng có giá trị 10 lần tiền học phí/năm; được tham dự hội nghị, hội thảo khoa học trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại nước ngoài ít nhất 1lần/năm; chủ trì công trình nghiên cứu khoa học các cấp; đi thực tập 6 tháng tại một số nước có ngành năng lượng nguyên tử phát triển; hỗ trợ kinh phí bằng 30 lần mức lương tối thiểu của cán bộ công chức nếu có công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI.
Cán bộ quản lí, cán bộ khoa học và kỹ thuật làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được cử đi đào tạo, bồi dướng ngắn hạn được hưởng chế độ theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính
Đối với đào tạo ở ngoài nước, sinh viên đại học, học viên cao học, nghiên cứu sinh theo học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở ngoài nước được cấp 2 (đối với sinh viên và nghiên cứu sinh), 1 (đối với học viên cao học) vé máy bay khứ hồi hạng phổ thông; cấp lệ phí làm hộ chiếu, visa; cấp sinh hoạt phí bằng 1,2 lần mức sinh hoạt phí cao nhất mà Nhà nước hiện đang cấp cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đang theo học ở ngoài nước; mua bảo hiểm y tế mức tối thiểu do nước sở tại quy định áp dụng chung cho công dân nước ngoài đến học tập; cấp lệ phí sân bay, tiền tàu, xe từ sân bay đến nơi đào tạo và ngược lại. Ngoài ra, còn được giữ nguyên mức lương và các chế độ theo quy định hiện hành (đối với học viên cao học, nghiên cứu sinh) trong thời gian học tập, nghiên cứu ở ngoài nước.
Cán bộ quản lí, cán bộ khoa học và kỹ thuật làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được cử đi đào tạo, bồi dướng ngắn hạn ở nước ngoài (dưới 3 tháng) được hưởng các chế độ theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Hải Bình