Cao điểm phòng chống buôn lậu thuốc lá dịp áp Tết

GD&TĐ - Đến hẹn lại lên, vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thuốc lá điếu thường tăng cao, do đó, các đối tượng buôn lậu lại càng ráo riết tìm mọi cách để đưa hàng ngoại nhập lậu vào nội địa tiêu thụ. Mặc dù Ban Chỉ đạo 389 (BCĐ 389) quốc gia đã thực hiện nhiều biện pháp để chống buôn lậu mặt hàng này, nhưng tình hình vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là dịp cao điểm cận Tết Nguyên đán...

Cao điểm phòng chống buôn lậu thuốc lá dịp áp Tết

Liên tục phát hiện và bắt giữ

Từ năm 2014, BCĐ 389 quốc gia đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Tại Nghị quyết số 41/NQ-CP (năm 2015) về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, Chính phủ cũng xác định, thuốc lá là mặt hàng cần phải quan tâm tập trung đấu tranh, ngăn chặn không để thẩm lậu từ nước ngoài vào nội địa.

Theo đại diện BCĐ 389 quốc gia, hiếm có mặt hàng nào được Chính phủ quan tâm, ban hành cả Chỉ thị và đưa vào Nghị quyết của Chính phủ chỉ đạo lực lượng chức năng quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu như mặt hàng thuốc lá.

Các văn bản này đã xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong quản lý địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Cụ thể, khu vực biên giới (gồm có các lực lượng: Hải quan, biên phòng, cảnh sát biển); trong nội địa (gồm có công an, quản lý thị trường, thuế...).

Chính phủ cũng yêu cầu các lực lượng tập trung đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu thuốc lá; không có vùng cấm trong công tác chống buôn lậu.

Sau 3 năm, các lực lượng chức năng đã tập trung nắm tình hình, xây dựng nhiều phương án tổ chức đấu tranh, ngăn chặn thuốc lá lậu và xác định 6 địa bàn trọng điểm gồm: TPHCM, Long An, An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp, Cần Thơ. Thời gian qua, các lực lượng đã phát hiện, tạm giữ trên 20 triệu bao thuốc lá lậu các loại; tiêu hủy hơn 21 triệu bao thuốc lá lậu, bao gồm cả số thuốc lá nhập lậu đã phát hiện trước đó.

Kiên quyết xóa bỏ những điểm nóng

Trước tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Nam như: Long An, An Giang, Tây Ninh. BCĐ 389 quốc gia đã có công điện khẩn về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

Công điện yêu cầu, BCĐ 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển, cảng hàng không quốc tế…

Trong đó, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chỉ đạo lực lượng hải quan xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng, địa phương giám sát chặt chẽ, không để các đối tượng tổ chức buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá qua các cửa khẩu, cánh gà cửa khẩu, sân bay quốc tế, cảng biển, kho ngoại quan; kịp thời bắt giữ, xử lý các đối tượng buôn lậu thuốc lá tại địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, bắt giữ, xử lý; kiên quyết không để tồn tại các điểm nóng, kho hàng, các điểm tập kết, các khu vực bày bán thuốc lá nhập lậu trong nội địa...

Được biết, cuối năm 2017 vừa qua, BCĐ 389 quốc gia đã ký ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh ngăn chặn tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Trong đó tập trung vào mặt hàng thuốc lá, xăng dầu, tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

Theo các chuyên gia, để có thể đẩy lùi tình hình buôn lậu thuốc lá như hiện nay các cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn, chỉ đạo thống nhất việc xử lý thuốc lá nhập lậu còn vướng mắc do xung đột pháp lý trong các văn bản pháp luật hiện hành.

Đồng thời, giữ lại quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển từ 500 bao thuốc lá để tránh gia tăng và làm tình hình buôn lậu thêm phức tạp. Việc tăng mức xử phạt hành chính bằng tiền như quy định hiện hành không khả thi, do người buôn lậu, vận chuyển thuốc lá lậu phần lớn là người nghèo không có khả năng nộp phạt...

Bộ luật Hình sự sửa đổi quy định, kể từ ngày 1/1/2018, hành vi tàng trữ, buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu sẽ bị xử lý hình sự. Theo đó sửa đổi Điều 190, Điều 191 theo hướng thuốc lá lậu là hàng cấm, truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù từ 1 năm đến 5 năm đối với các trường hợp buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu từ 1.500 bao đến 3.000 bao; phạt tù từ 5-10 năm đối với các trường hợp vận chuyển từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao; và phạt tù tới 15 năm khi buôn bán, vận chuyển 4.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu trở lên...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ