Theo ông Trần Hùng, để đánh hàng giả, hàng lậu hiệu quả, các đơn vị chức năng cần nắm rõ các kho tập kết, nơi khu trú hàng thường tập trung ở các vùng giáp ranh, các khu công nghiệp và cả trong các chung cư. Ông Trần Hùng cũng cho rằng, các đơn vị của thành phố cũng cần cởi mở hơn nữa với báo chí để đẩy mạnh công tác tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thủ đô.
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Nội cho biết, hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Đặc biệt, nhóm các mặt hàng được các đối tượng tập trung làm giả chủ yếu là thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh có khả năng gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đáng chú ý là tình trạng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trái phép các loại hóa chất, phân bón, vật tư nông nghiệp, phụ gia thực phẩm không bảo đảm, sử dụng chất cấm trong chế biến, bảo quản và chăn nuôi vẫn tồn tại, tiềm ẩn nguy cơ khó lường.
Năm 2017, các lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo 389 của Hà Nội thanh tra, kiểm tra gần 36 nghìn vụ, xử lý hơn 26 vụ, tăng hơn 2.500 vụ so với năm 2016. Đặc biệt đã khởi tố 91 vụ cùng 118 đối tượng. Tổng thu nộp ngân sách từ xử phạt và truy thu thuế lên tới hơn 3.954 tỷ đồng.
Phó cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Trần Hùng cho biết, năm 2018 sẽ tiếp tục đề xuất Hà Nội là địa bàn điểm về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.