Doanh nghiệp đồng hành cùng tuyển sinh
Khởi động cho mùa tuyển sinh năm 2018, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) đã ký kết hợp tác với khoảng 10 doanh nghiệp cùng đồng hành với nhà trường trong công tác tư vấn hướng nghiệp như ô tô Trường Hải, Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Ngoài hỗ trợ nhà trường in quyển vở tuyển sinh với những thông tin cần thiết về ngành nghề đào tạo, chuẩn đầu ra, vị trí việc làm mong muốn sau khi tốt nghiệp…, các doanh nghiệp còn cung cấp thêm thông tin về thị trường lao động.
PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật cho biết: “Việc làm sau khi ra trường gần như là ưu tiên số một của cả phụ huynh và thí sinh. Chúng tôi quan tâm đến việc kết nối với các doanh nghiệp để giài quyết bài toán đầu ra cho SV. Việc các doanh nghiệp cùng đồng hành với nhà trường trong tuyển sinh là một cam kết về việc làm và chất lượng đào tạo đối với người học.
Đây đều là những tập đoàn, doanh nghiệp đã ký hợp tác với nhà trường trong đào tạo thực hành, tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp. Ngoài tăng thời lượng thực hành, nhà trường cũng tăng cường công tác thực tập, kiến tập doanh nghiệp với chương trình Học kỳ doanh nghiệp để SV tiếp cận sớm và thường xuyên với môi trường sản xuất, kinh doanh thực tế”.
Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cũng cho biết, các nhóm ngành Công nghệ thông tin (gồm có Thương mại điện tử và Hệ thống thông tin quản lý) cùng với nhóm ngành Du lịch là hai ngành sẽ đào tạo theo quy chế đặc thù với sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, theo quy định mới của Bộ. Theo đó, người học sẽ được tăng 30% - 50% thời gian thực hành tại các doanh nghiệp bên cạnh thời gian được đào tạo kiến thức ở trường.
Với mạng lưới liên kết Nhà trường – Doanh nghiệp, sinh viên trường ĐH Kinh tế ở mọi ngành học đều có cơ hội tiếp cận với những người làm nghề, nhà tuyển dụng thông qua các buổi nói chuyện, tham quan thực tế, thực tập, ngày hội việc làm để được cọ xát và đúc rút kinh nghiệm.
Đa dạng hóa các hình thức tư vấn
Ngoài tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh với các đơn vị, cơ quan truyền thông khác, ĐH Đà Nẵng còn tổ chức riêng các kênh tư vấn để tiếp cận thí sinh. Không chỉ khu biệt tại Đà Nẵng, ĐH Đà Nẵng còn mở rộng đi đến các tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên như: Quảng Ngãi , Quảng Bình, Huế, Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc…
Trường ĐH Duy Tân cũng tổ chức các đợt tư vấn chuyên sâu về ngành học, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp cũng như những dịch vụ hỗ trợ của nhà trường trong quá trình học tập của SV tại hơn 200 trường THPT ở 18 tỉnh, thành trên cả nước.
Riêng trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, ngoài tham gia tư vấn tuyển sinh cùng với ĐH Đà Nẵng, nhà trường còn tập trung tư vấn trên chuyên trang tuyển sinh http://due.udn.vn/vi-vn/tuvantuyensinh2018 và fanpage https://www.facebook.com/FaceDue/ của trường.
PGS.TS Lê Văn Huy – Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Kinh tế cho biết: “Công tác tuyển sinh của trường được đổi mới với sự tham gia tích cực của các khoa, huy động tối đa các nguồn lực và sử dụng linh hoạt, đa dạng hóa các hình thức tư vấn trên nhiều kênh truyền thông, góp phần lan tỏa thông điệp “Truyền cảm hứng, vững tương lai” đến toàn thể phụ huynh, học sinh”.
Năm 2018 này, trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) mở thêm 3 ngành đào tạo chất lượng cao, “đảm bảo chất lượng trong giáo dục đào tạo, công tác truyền thông được quảng bá để người học hiểu hơn về trường. Đây được xem là hướng đi quan trọng trong công tác tuyển sinh của chúng tôi” – TS Trần Hữu Phúc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Những chương trình tư vấn tuyển sinh ngày càng phong phú và đa dạng về nội dung và hình thức đang giúp cho thí sinh có nhiều kênh thông tin để lựa chọn trước ngưỡng cửa tương lai. Sự cạnh tranh về tuyển sinh với sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của cả trường công lập và ngoài công lập khiến cho các trường, muốn phát triển bền vững thì ngoài xây dựng hình ảnh còn phải đảm bảo về chất lượng đào tạo, và người hưởng lợi, không ai khác, chính là các thí sinh…