Tạo cơ chế kết nối
Theo TS Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề, một trong 3 giải pháp đột phá nâng cao chất lượng đào tạo là gắn kết cơ sở GDNN với DN. Nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 của ngành chính là gắn kết GDNN với DN.
Trong vai trò quản lý vĩ mô, Tổng cục GDNN xác định chủ thể giữa hai bên nhà trường và doanh nghiệp, bên cạnh đó có sự tham gia của Nhà nước, đóng vai trò giám sát, qua đó ban hành các cơ chế, chính sách bổ sung, hoàn thiện các chính sách để gắn kết cơ sở GDNN với doanh nghiệp.
Nằm trong sự gắn kết này, một trong những điểm đáng chú ý mà TS Vũ Xuân Hùng nêu ra là cơ chế kết nối thông tin hai chiều, một là thông tin về những chính sách mà Nhà nước đang dành cho DN, mà DN chưa biết.
Tổng cục GDNN sẽ cụ thể hóa bằng những văn bản hướng dẫn chính sách cụ thể hơn, đưa chính sách đến với DN; thứ hai giúp cho nhà trường ký kết với DN từ việc xây dựng chương trình đào tạo những nghề mới. Hỗ trợ nhà trường và DN tiến tới ký kết hợp tác những chương trình đào tạo, có thể là đặt hàng đào tạo, cho học sinh sinh viên thực hành học tập tại DN.
Năm 2017 vừa qua, Tổng cục GDNN đã ký chương trình hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Tới đây, trong năm 2018, sẽ tiếp tục ký kết hợp tác với Hội DN vừa và nhỏ, Hội DN trẻ, và với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn để tìm sự gắn kết chặt chẽ giữa GDNN và doanh nghiệp,...
Nhà trường và DN cùng gắn kết với nhau, từ đó hình thành cơ chế cam kết, đồng thời qua quá trình này, có thể tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, tạo sự hấp dẫn với DN trong việc hợp tác với cơ sở GDNN, đây cũng là một khâu then chốt để nâng cao chất lượng GDNN.
Cùng tuyển sinh, cùng đào tạo
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết, đẩy mạnh hợp tác với DN là động lực và là chìa khóa thành công trong đổi mới giáo dục nghề nghiệp. Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư 29 cho phép doanh nghiệp tham gia sâu vào giáo dục nghề nghiệp; cho phép DN và nhà trường cùng tuyển sinh và cùng đào tạo.
Bên cạnh đó, Bộ đang xúc tiến hàng loạt chương trình đào tạo theo đặt hàng với các tập đoàn kinh tế trong bốn lĩnh vực sản xuất (Hòa Phát, Trường Hải, VinGroup), thương mại (Central Group, Hiệp hội bán lẻ), du lịch (Mường Thanh, VinGroup), công nghệ thông tin (FPT)...
Các tập đoàn tham gia xây dựng chương trình đào tạo, phối hợp tuyển sinh, phụ trách đào tạo thực hành và tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp. Bộ sẽ ban hành hướng dẫn các sở và các nhà trường đẩy mạnh hợp tác đào tạo theo đặt hàng với DN.
Với sự vào cuộc của 63 sở LĐ-TB&XH, tháng 3/2018 sẽ triển khai đồng loạt hội nghị xúc tiến đầu tư của DN vào GDNN và các lễ ký kết hợp đồng đào tạo theo đặt hàng giữa các DN và cơ sở GDNN.
Hướng đến mục tiêu, DN và nhà trường cùng thống nhất chương trình đào tạo, cùng tuyển sinh, cùng đào tạo cung cấp đủ nhân lực chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh.
“Xu hướng sẽ chuyển từ chọn trường sang chọn nghề và chọn nơi làm việc sau đó mới chọn trường để học. Người học được doanh nghiệp chấp nhận sơ tuyển, sẽ theo học tại trường do DN hợp tác đào tạo. Mô hình này rất thành công tại Đức.Với nhiều ngành nghề, nếu doanh nghiệp không hợp tác với trường, doanh nghiệp sẽ gặp khó trong tuyển dụng” - Thứ trưởng Lê Quân chia sẻ.