Đơn cử, năm học 2022 - 2023, toàn thành phố Hà Nội có trên 106 nghìn học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập, trong khi đó chỉ có khoảng 69 nghìn chỉ tiêu. Điều này đồng nghĩa với việc gần 37 nghìn học sinh không có suất vào lớp 10 THPT công lập. Còn tại TP Hồ Chí Minh, năm học này sẽ có trên 21 nghìn học sinh không có chỗ tại trường công sau tốt nghiệp THCS...
Các trường THPT công lập, đặc biệt là trường có chất lượng tốt, luôn là lựa chọn số 1 của đa số học sinh nhiều năm nay cũng dễ lý giải, bởi chi phí học rất thấp do sự bảo trợ của Nhà nước nhưng vẫn yên tâm về chất lượng.
Nhưng một số năm gần đây, đặc biệt là năm nay, có sự chuyển dịch đáng kể trong lựa chọn của phụ huynh sang khối trường tư cấp THPT. Bởi vậy, không nhiều bất ngờ khi kỳ thi vào lớp 10 năm học 2022 - 2023, theo số liệu công bố của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, chỉ có gần 94 nghìn trên tổng số trên 108 nghìn học sinh lớp 9 đăng ký dự thi. Điều này có nghĩa, có trên 14 nghìn học sinh lớp 9 không chọn con đường học lớp 10 công lập nên không tham dự kỳ thi này.
Tại Hà Nội, không ít học sinh học lực giỏi, đủ khả năng thi đỗ vào trường công nhưng vẫn quyết lựa chọn chuyển sang trường ngoài công lập; một số thì dự kiến chọn trường tư nếu không đạt nguyện vọng 1 vào trường THPT công lập có chất lượng mà mình mong muốn.
Nguyên nhân của sự chuyển dịch này đến từ 2 phía. Đầu tiên phải kể đến sự thay đổi trong nhận thức của một bộ phận phụ huynh. Nhiều người không còn quá chú trọng đến việc con mình phải học giỏi và chỉ học những môn văn hóa mà đặt sự quan tâm đến phát triển hài hòa các kỹ năng khác, trong đó có ngoại ngữ. Với hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất, đa số các trường THPT công lập khó có thể đáp ứng được đòi hỏi này.
Phía khác cũng cần nói đến sự chuyển mình ngoạn mục của các trường ngoài công lập. Phải thừa nhận rằng, nhiều trường được đầu tư lớn; bài bản; có triết lý đào tạo, giáo dục rõ ràng; sẵn sàng trả lương cao để thu hút đội ngũ giáo viên giỏi; sĩ số học sinh trên lớp thấp thuận lợi cho việc đào tạo cá thể hóa từng học sinh… Không chỉ các trường tư thục, hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên cũng có khởi sắc. Đơn cử như TP Hồ Chí Minh, thống kê của sở GD&ĐT cho thấy, tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm của học sinh hệ giáo dục thường xuyên lên đến 95% - 98%; tỷ lệ đậu vào cao đẳng, đại học tại nhiều trung tâm dao động từ 50% - 70%... Việc học sinh có nhiều lựa chọn ngoài học trường công sau THCS và yên tâm với lựa chọn này đã góp phần giảm áp lực cho mỗi kỳ tuyển sinh đầu cấp.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, sự thay đổi, chuyển dịch nói trên mới chủ yếu thấy rõ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nhiều tỉnh, thành khác, hệ thống trường ngoài công lập nói chung, trường THPT ngoài công lập nói riêng còn nhiều khó khăn. Quan điểm “chuột chạy cùng sào mới vào… dân lập” vẫn là định kiến ở nhiều phụ huynh. Do đó, không ít trường tư được đầu tư cơ sở vật chất tốt, khang trang nhưng bị lãng phí nguồn lực do chỉ tuyển sinh được số lượng học sinh rất thấp.
Hy vọng khó khăn sẽ được điều chỉnh dần, bởi nỗ lực đầu tư cả cơ sở vật chất và chuyên môn của khối ngoài công lập và thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh. Sự chuyển mình, cạnh tranh lành mạnh giữa các trường ngoài công lập, thậm chí giữa trường khối công - tư là cần thiết cho phát triển; là động lực, áp lực để các nhà trường không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng.