“Người hùng” trên trận chiến
Trong cuộc sống hàng ngày, khó có thể kể hết những công việc mà những chú chó đã giúp đỡ hoặc thay thế con người. Tuy nhiên, một trong những lĩnh vực được nhìn nhận hữu ích cho cuộc sống và ở đây những chú chó như trở thành “chiến binh” thì phải kể tới những chú chó nghiệp vụ.
Chó nghiệp vụ được sử dụng trong các nhiệm vụ cụ thể như: Tuần tra bảo vệ biên giới, canh gác, phục kích đánh bắt các loại tội phạm, bảo vệ các mục tiêu kho tàng, đồn trạm quân sự; tham gia các nhiệm vụ phòng chống gây rối bạo loạn; góp phần tích cực vào công tác hỗ trợ điều tra hình sự, tìm kiếm cứu nạn…
Thông qua sự huấn luyện của các huấn luyện viên, chó nghiệp vụ được đào tạo chuyên sâu phục vụ cho các công việc khác nhau như: Giám định nguồn hơi, giúp lực lượng chức năng phát hiện ma tuý, đấu tranh trấn áp tội phạm; làm các dịch vụ bảo vệ, cứu hộ con người trong các tình trạng khẩn cấp như sạt lở, thiên tai, bão lũ… Có thể nói, sự góp mặt của những chú chó nghiệp vụ đã và đang giúp đỡ hiệu quả lực lượng chức năng trên nhiều mặt trận.
Chiến công của chó nghiệp vụ được ghi lại qua nhiều vụ việc tìm kiếm cứu nạn, các vụ án truy tìm, trấn áp tội phạm lớn nhỏ. Chúng ta không thể quên chiến công của chó nghiệp vụ trong vụ tìm ra 5 thi thể nạn nhân trong sạt lở bãi đá thải của mỏ than Phấn Mễ ở Đại Từ - Thái Nguyên; Vụ tìm xác nạn nhân bị vùi lấp tại thủy điện Bản Vẽ; tìm kiếm nạn nhân bị sập hầm ở Lèn Cờ - Nghệ An; góp phần tìm kiếm thành công thi thể nạn nhân người Anh mất tích tại Fansipan – Lào Cai năm 2016; Gần đây nhất, tháng 8/2017 đã góp sức lớn lao và hiệu quả vào quá trình tìm thi thể nạn nhân bị lũ ống cuốn trôi tại Mường La – Sơn La...
Theo đánh giá của Trung tá Nguyễn Trung Kiên – Phó Trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi, trường Trung cấp 24 Biên phòng, sự đóng góp của chó nghiệp vụ trong các vụ việc tìm kiếm cứu nạn có khi chiếm 80% công sức tìm kiếm và sự thành công.
Ở vụ sập hầm thủy điện Bản Vẽ, theo dự kiến để tìm kiếm đủ 11 thi thể nạn nhân bằng máy móc và phương tiện hỗ trợ chi phí có thể lên tới khoảng 30 tỷ nhưng khi chó nghiệp vụ được đưa vào cuộc truy tìm dấu vết kết hợp các phương tiện hỗ trợ đào bới đã mang lại hiệu quả ngay và chi phí chỉ hết khoảng 3 tỷ.
Trong các vụ việc đánh bắt tội phạm (đặc biệt tội phạm ma túy) mang đặc thù tính chất khác nhau thì hiệu quả của việc sử dụng chó chiến đấu lại không thể đong đếm bằng vật chất. Khi tham gia đánh bắt tội phạm, chó nghiệp vụ được coi như tuyến đầu phải đối diện với nguy hiểm, sự sống cái chết luôn rình rập khi tội phạm bị truy kích.
Để thoát thân, chúng rất manh động và sẵn sàng dùng vũ khí nóng chống trả, hạ sát chó nghiệp vụ lẫn lực lượng chức năng. Trong những vụ án nguy hiểm nhất, mỗi chú chó chiến đấu vừa đóng vai trò tiên phong tìm kiếm, tấn công tội phạm nhưng đồng thời cũng trở thành lá chắn sống cho lực lượng chức năng tham gia vào quá trình đánh bắt tội phạm. Chó chiến đấu vừa phát huy vai trò chiến đấu, vừa trở thành người cộng sự đắc lực, điểm tựa bình an cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ.
Bạn tri kỷ với con người
Là người gắn bó với công tác huấn luyện, đào tạo chó chiến đấu hơn 30 năm qua, Thượng tá Lâm Hồng - Trưởng khoa Huấn luyện chó chiến đấu, Trường Trung cấp 24 Biên phòng cho biết: Chó chiến đấu thường có thể lực, thần kinh tốt, tố chất hung dữ đặc biệt tầm vóc to hơn so nhiều với các loại chó thông thường khác để vừa có thể lực vừa có sự uy hiếp cần thiết.
Đặc biệt, loài chó chiến đấu có đặc điểm ham cắn xé nên phù hợp trong huấn luyện chiến đấu. Điều đó cũng đồng nghĩa, công tác huấn luyện chó nghiệp vụ của huấn luyện viên cũng đối diện với những tai nạn nghề nghiệp một cách vô tình.
Hiện nay, chó chiến đấu được tuyển chọn từ các giống chó Becgie nhập trực tiếp từ nước ngoài (Pháp, Đức, Nga, Bỉ)… Để huấn luyện một chú chó tới lúc có thể tham gia làm nhiệm vụ phải trải qua nhiều khâu đoạn huấn luyện từ 1 - 2 năm.
Từ lựa chọn giống nòi, nắm rõ đặc tính chó để huấn luyện đào tạo đến việc quan tâm chăm sóc từng bữa ăn, vệ sinh, sức khỏe thì người huấn luyện viên đều phải gắn bó. Từ sự gắn bó trong từng ngày tháng huấn luyện đến những giây phút cùng nhau thực hiện nhiệm vụ, chiến đấu, cùng đối diện với khó khăn nguy hiểm nên mối quan hệ giữa những huấn luyện viên và chó nghiệp vụ đã vượt lên sự thông thường.
Bởi chỉ khi nào giữa chó nghiệp vụ và người huấn luyện đạt sự gắn kết, giao cảm cao nhất thì khi ấy mới áp dụng thành công các phương pháp huấn luyện đồng thời quá trình tham gia vào thực hiện nhiệm vụ mới đạt hiệu quả. Hầu hết các chiến sĩ, huấn luyện viên luôn coi những chó nghiệp vụ như người bạn tri kỷ, gắn bó, khăng khít…
Trung úy, QNCN Chu Văn Định – đội mẫu Khoa Huấn luyện chó chiến đấu, Trường Trung cấp Biên phòng 24 (người vừa hoàn thành 2 năm làm nhiệm vụ thử nghiệm huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ tại quần đảo Trường Sa) cho biết thêm: Quá trình công tác của mình đã gắn bó với 4 chú chó. Tiếp xúc với từng chú chó từ lúc chưa hình thành phản xạ tới lúc có phản xạ, anh nhận thấy chó là loại động vật quý và thân thiện với con người.
Mỗi chú chó nghiệp vụ từ lúc được lựa chọn đến khi tham gia vào công tác chiến đấu đều là sản phẩm mang dấu ấn, công sức, tình cảm của người huấn luyện. Để huấn luyện nên những “chiến binh”, các anh phải tìm hiểu từng đặc tính của chó, gắn bó với chúng như những người bạn, quan tâm chăm sóc tận tình từng bữa ăn, giấc ngủ, thể trạng sức khỏe.
Tìm hiểu quá trình huấn luyện làm việc của những chiến sĩ Trường Trung cấp 24 Biên phòng cũng nhận thấy, để đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình huấn luyện các chiến sĩ, huấn luyện viên phải dành thời gian gắn bó với những chú chó vượt trên cả thời gian quy định. Nhiều huấn luyện viên nói rằng, họ biết công việc của họ đang ảnh hưởng nhiều tới khoảng thời gian dành cho gia đình, vợ con cũng như các công việc hàng ngày.
Song đó là điều bản thân họ và người thân phải chấp nhận bởi trong công tác huấn luyện chó nếu không trực tiếp tiếp xúc, tỉ mỉ từng chút thì không thể có được mối quan hệ thân hòa, quý mến giữa người huấn luyện và chó. Quá trình huấn luyện có những lúc tạo nên sự thích thú nhưng có lúc phải ép chó theo công việc. Vì vậy, sự gắn bó không tốt thì người huấn luyện không thể làm tốt công việc được giao phó…