Cánh cửa rộng hơn cho hợp tác kinh tế Việt Nam – Mỹ

GD&TĐ - Khúc mắc về điều hành tiền tệ được hoá giải, những lĩnh vực hợp tác then chốt và bền vững được nêu rõ…, nền kinh tế VN đang đứng trước cơ hội mới.

Cánh cửa rộng hơn cho hợp tác kinh tế Việt Nam – Mỹ

Phối hợp giải quyết quan ngại về vấn đề tiền tệ

Trước chuyến thăm tới Việt Nam của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen, một trong những nội dung làm việc dự kiến là chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam. Điều này làm dấy lên nhiều quan ngại bởi cách thời điểm diễn ra chuyến thăm hơn 1 năm, báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ” vẫn xác định Việt Nam nằm trong danh sách 12 quốc gia bị giám sát về tiền tệ.

Dù kết quả năm 2022 đã khả quan hơn năm trước đó khi Việt Nam không còn nằm trong sách sách thao túng tiền tệ, việc thực hành tốt chính sách tiền tệ, tránh bị đưa trở lại danh sách vẫn rất quan trọng.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vừa có chuyến thăm Việt Nam. Ảnh ĐSQ Mỹ
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vừa có chuyến thăm Việt Nam. Ảnh ĐSQ Mỹ

Rõ ràng, trong nhiệm vụ này, Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực. Phát biểu tại cuộc gặp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng ngày 20/7, bà Janet Yellen khẳng định, hai bên đã có những hợp tác chặt chẽ để giải quyết lo ngại từ phía Hoa Kỳ về thực hành chính sách tiền tệ tại Việt Nam.

Bà Yellen mong muốn thảo luận về những cách thức hợp tác chặt chẽ giữa hai bên trong nhiều vấn đề kinh tế và tài chính tương lai.

Trong Tuyên bố chung giữa Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phía Mỹ đánh giá cao nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước để nâng cao tính minh bạch của chính sách tiền tệ và điều hành tỷ giá, hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh.

“Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Ngân hàng Nhà nước thống nhất tổ chức đối thoại định kỳ cấp cao về chính sách tài chính và kinh tế vĩ mô.

Nhờ đó, hai bên có thể nâng cao hiểu biết về chính sách kinh tế vĩ mô và tài chính của nhau, chia sẻ kiến thức để thúc đẩy phát triển thị trường tài chính ổn định và hiệu quả, hỗ trợ các mục tiêu chung về ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế vững mạnh, có khả năng chống chịu tốt, an toàn và bao trùm”, tuyên bố được đăng tải trên trang thông tin Bộ Tài chính Hoa Kỳ khẳng định.

Cũng theo tuyên bố chung, để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ xây dựng quan hệ hợp tác hỗ trợ kỹ thuật giữa hai bên.

Friend-shoring và nhiều cơ hội hợp tác mới

Đồng hành cùng chuyến công du để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các Ngân hàng Trung ương G20 tại Ấn Độ và chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen là sáng kiến “friend-shoring”.

Đây là sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác với các đối tác và đồng minh để tạo ra chuỗi cung ứng đa dạng, linh hoạt và bền vững trong các ngành công nghiệp trọng điểm.

Mỹ coi Việt Nam là một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời là một đối tác kinh tế quan trọng với ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam.

“Chúng tôi ủng hộ sự tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế của Việt Nam, điều tốt cho cả người dân Việt Nam và người dân Hoa Kỳ”, Bộ trưởng Janet Yellen phát biểu trong buổi làm việc với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ngày 20/7.

Tại đây, bà Janet Yellen cũng công bố dự định huy động hơn 15 tỷ USD cho các nỗ lực chuyển đổi năng lượng của Việt Nam theo Chương trình Hợp tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng.

Bà Janet Yellen tại một doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Ảnh ĐSQ Mỹ
Bà Janet Yellen tại một doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Ảnh ĐSQ Mỹ

Sáng kiến “friend-shoring” cũng được đề cập trong cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và người đồng cấp Việt Nam Hồ Đức Phớc vào ngày 21/7.

Bà Yellen khẳng định muốn tiếp tục sáng kiến này thông qua Khuôn khổ Hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

“Chúng tôi cũng hợp tác với Việt Nam thông qua Sáng kiến Đối tác đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu của G7 với mục tiêu huy động 600 tỷ USD trong 5 năm”, bà Janet Yellen nói thêm.

Nghị trình về nền kinh tế phục hồi được bà Janet Yellen trình bày rõ hơn trong khuôn khổ sự kiện của Hội nghị Kinh doanh ASEAN – Hoa Kỳ vào ngày 21/7.

Theo đó, động lực của nghị trình này là tăng cường cam kết và hợp tác của Mỹ với mạng lưới rộng lớn các đối tác kinh tế tin cậy trong các lĩnh vực như thương mại và khí hậu, giảm tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế Hoa Kỳ trước những cú sốc về nguồn cung để phục vụ sản xuất các hàng hoá quan trọng.

Người Mỹ không tự mình làm mọi thứ ở trong nước và ưu tiên của Hoa Kỳ hiện nay là xây dựng chuỗi cung ứng bền vững chip bán dẫn.

“Suốt thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên như một cứ điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Các khoản đầu tư đang gia tăng, bao gồm việc Amkor – một công ty có trụ sở tại Arizona – sẽ sớm khai trương một nhà máy hiện đại lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn tại Bắc Ninh.

Tại Đồng Nai, một công ty Mỹ khác, Onsemi, sản xuất chip được sử dụng trong công nghiệp ô tô. Tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, cơ sở lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất của Intel trên thế giới đang hoạt động. Việc đầu tư vào Việt Nam cũng giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Mỹ và tạo công ăn việc làm cho người lao động xứ sở cờ hoa”, Bộ trưởng Janet Yellen dẫn chứng.

Trước những thách thức của biến đổi khí hậu, theo bà Janet Yellen, Mỹ tự hào khi hỗ trợ việc chuyển đổi tại Việt Nam, đạt mục tiêu phát thải bằng 0 năm 2050.

Đề nghị Mỹ hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo từ phía Việt Nam chắc chắn sẽ nhận được hồi đáp, bởi Việt Nam đang ở vị trí trung tâm vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khu vực có tiềm năng rất lớn về điện gió và điện mặt trời.

“Tiềm năng kinh tế của Việt Nam rất lớn”

Trao đổi với phóng viên về khả năng hợp tác kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ từ chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, đây là cơ hội rất tốt để hai nước xích lại gần nhau, không chỉ riêng về vấn đề kinh tế.

Theo ông Thành, phía Mỹ đánh giá rất cao vị trí chiến lược của Việt Nam, nằm ở trung điểm của hai khu vực kinh tế phát triển nhất trong thế kỷ này và thế ký sắp tới là Bắc Á (gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và Nam Á (Ấn Độ).

Việt Nam không chỉ có lợi thể về đường bờ biển dài hơn 3000km, trong đó khoảng 2000km là qua khu vực biển Đông, nơi tập trung khoảng 40% lưu lượng hàng hải toàn thế giới mà còn có nội lực của một quốc gia trên lục địa, điều mà Indonesia, Thái Lan hay Malaysia đều không có được.

“Trên đất liền Việt Nam, cắm compa xuống quay lên phía Bắc 4 giờ bay là tới Nhật Bản, quay xuống phía Nam 4 giờ bay là Ấn Độ. Cũng chiếc compa này quay một vòng với bán kính 5000 – 7000 km là bao trùm một vùng địa lý tạo ra một nửa GDP thế giới và một thị trường chiếm một nửa dân số thế giới”, chuyên gia Bùi Kiến Thành giải thích.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thực sự hoà đồng với các nền kinh tế phát triển. Nguyên nhân là do sự chưa tương đồng về hạ tầng nền kinh tế, văn hoá kinh doanh, cách thức vận hành, quản lý doanh nghiệp...

“Chi phí không chính thức vẫn đang làm một rào cản trong đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Một phần đầu tư từ doanh nghiệp Mỹ, thay vì rót trực tiếp vào Việt Nam lại được đưa tới Việt Nam thông qua công ty con hay chi nhánh tại Singapore. Nếu nền kinh tế thật sự thông thoáng, hấp dẫn, chúng ta sẽ có cơ hội lớn hơn trong việc thu hút đầu tư, không chỉ từ phía doanh nghiệp Mỹ”, ông Bùi Kiến Thành nêu quan điểm.

Để làm được như vậy, vị chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tự hoàn thiện mình, tiến tới việc hội nhập với các nền kinh tế phát triển như Mỹ và trong nỗ lực này, chúng ta có thể nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn, hỗ trợ từ phía Mỹ. Tiềm năng của Việt Nam rất lớn và nếu làm tốt, chúng ta có thể trở thành một cường quốc kinh tế của khu vực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cùng Bộ Tư lệnh Binh đoàn B70 lên phương án chỉ đạo chiến dịch đường 9 – Nam Lào. Từ trái qua: Hoàng Phương, Lê Trọng Tấn, Võ Nguyên Giáp, Cao Văn Khánh, Phạm Hồng Sơn. Ảnh tư liệu.

Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn*

GD&TĐ - Trên tất cả các mỹ từ, nhân văn đức độ của một vị tướng như ông tỏa sáng như một bậc hiền nhân: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”.