Lần đầu tiên gắn mác 18+
Nếu như truyền hình thế giới đã phân loại kênh và khung giờ cho khán giả theo từng độ tuổi, thì ở Việt Nam vẫn là điều mới mẻ và trong giai đoạn manh nha.
“Quỳnh búp bê” là bộ phim truyện truyền hình dài 30 tập đề cập đến đề tài gai góc với những góc khuất trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên ngay khi phim ra mắt, khán giả bắt đầu có những phản hồi về hình ảnh táo bạo ở những màn tra tấn dã man, những cảnh hở da thịt… ảnh hưởng tới khán giả nhỏ tuổi.
Nhiều ý kiến của phụ huynh cho rằng “bộ phim nên gắn mác 18+ và không nên chiếu vào khung giờ vàng, tránh để trẻ nhỏ xem được”.
Trước những ý kiến trái chiều như vậy, bộ phim đã được dán nhãn 18+ tức là phim được khuyến cáo nên có sự giám sát của phụ huynh khi xem. Đây cũng là bộ phim truyền hình đầu tiên của VTV gắn mác 18+.
Song, việc dán nhãn khá muộn đối với phim “Quỳnh búp bê” chưa phải là giải pháp tốt nhất, vì thế nhà đài quyết định tạm dừng chiếu để điều chỉnh và lựa chọn khung giờ phát sóng phù hợp.
Cần siết chặt việc kiểm duyệt
Kể từ khi Bộ VH-TT&DL và Cục Điện ảnh thông qua bảng tiêu chí phân loại phim theo phương cách mới, chính thức có hiệu lực từ 1/1/2017, thị trường phát hành và phổ biến phim tại Việt Nam trở nên khá sôi động với các phim được phân loại ở cấp độ C18.
Cùng với sự ra đời của bảng phân loại phim theo độ tuổi, thị trường điện ảnh Việt Nam cũng trở nên cởi mở hơn với những phim “nóng”. Không nhất thiết phải ra rạp “bon chen” giữa dòng người, khán giả có thể tận hưởng những phim nghệ thuật 18+ ngay tại nhà. Chính vì thế việc dán nhãn cho phim truyền hình là điều cần thiết trong xu thế mở.
Tuy nhiên, sau sự việc ngừng lịch phát sóng của bộ phim “Quỳnh búp bê”, nhiều ý kiến từ phía khán giả cho rằng, cần phải có hội đồng xét duyệt và dán nhãn 18+ cho phim truyền hình trước khi lên sóng. Chúng ta nên có những quy định rõ ràng về cảnh 18+ là như thế nào và thời lượng ra sao thì cần phải dán nhãn?
Theo điều 38 Luật Điện ảnh (2006), hiện nay, việc kiểm duyệt phim truyền hình chủ yếu do các đài tự thực hiện và chịu trách nhiệm. Bộ VH-TT&DL chỉ thu hồi giấy phép phổ biến nếu phát hiện vi phạm về nội dung, hình ảnh. Chính vì thế, siết chặt việc kiểm duyệt là cần thiết, đồng thời xây dựng những chế tài nghiêm ngặt khi vi phạm chuyện dán nhãn quy định lứa tuổi xem phim và có sự kết hợp giáo dục thói quen xem phim của công chúng khán giả Việt một cách văn minh là hướng đi mới trong thời buổi công nghệ cao.