Cảnh báo việc sử dụng đăng kiểm giả

GD&TĐ - Phải chờ đợi đến lượt đăng kiểm, nhiều trường hợp 'liều lĩnh' sử dụng đăng kiểm giả để lưu thông trên đường.

Bốn xe ô tô bị phát hiện sử dụng tem đăng kiểm và tem nộp phí sử dụng đường bộ giả.
Bốn xe ô tô bị phát hiện sử dụng tem đăng kiểm và tem nộp phí sử dụng đường bộ giả.

Theo luật hình sự, hành vi này có thể bị xử phạt đến 7 năm tù.

Đánh liều dùng đăng kiểm giả

Thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), từ cuối năm 2022 đến nay, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện gần 40 trường hợp ô tô sử dụng tem kiểm định, sổ đăng kiểm giả… lưu thông trên các tuyến đường. Lực lượng CSGT đã chuyển cơ quan điều tra 20 trường hợp, xử lý hành chính 9 trường hợp và 4 vụ việc đã khởi tố.

Đơn cử vụ việc tại Quảng Ninh, ngày 25/3, Cơ quan CSĐT huyện Hải Hà đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Quảng (41 tuổi, quê Quảng Ninh) về tội Làm giả và sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức. Ông Quảng được xác định là chủ ô tô khách biển số 88B đưa đón công nhân tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà.

Tương tự, vào đầu tháng 3 vừa qua, Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội cũng khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 3 đối tượng gồm: Nguyễn Quốc Hoàng (SN 1979), Bùi Quốc Thành (SN 1982), Nguyễn Quý Hiếu (SN 1983), đều trú tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, tem kiểm định cấp cho xe phải cùng một số seri, được in từ Chương trình Quản lý kiểm định trên phôi do Cục Đăng kiểm Việt Nam thống nhất phát hành, có nội dung phù hợp với hồ sơ phương tiện và dữ liệu trên Chương trình Quản lý kiểm định.

Vì vậy, các đối tượng đã làm giả tem kiểm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam nhằm thu lợi bất chính. Hành vi này đã xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước.

Việc các đối tượng tự ý in tem kiểm định, tem đăng kiểm đã thể hiện hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Còn việc các cá nhân sử dụng các tem kiểm định, tem đăng kiểm đó đã có hành vi “sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Hành vi của những người này có dấu hiệu của tội làm giả con dấu, tài lệu của cơ quan, tổ chức; tổ chức sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng (Khoản 1) hoặc phạt tù với hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù (Khoản 3) khi phạm tội và thuộc các trường hợp sau: a) Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

Để ngăn chặn, hạn chế các tình trạng này thì cần phải có các biện pháp kết hợp giáo dục, tuyên truyền để mọi công dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về đăng kiểm, cũng như cơ quan, tổ chức được thực hiện chức năng kiểm định ý thức được trách nhiệm quản lý, sử dụng các tem, mẫu tem kiểm định…

Đăng kiểm viên không cần bằng đại học

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đơn vị đang đề xuất sửa đổi Nghị định 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới nhằm tháo gỡ những tồn đọng trong lĩnh vực này.

Theo quy định hiện hành bắt buộc đăng kiểm viên phải có trình độ đại học chuyên ngành kỹ thuật cơ khí. Ngoài ra phải có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên, sau khi vượt qua kỳ thi sát hạch mới đủ điều kiện cấp chứng chỉ đăng kiểm viên thường. Đối với đăng kiểm viên bậc cao thì ngoài trình độ trên còn phải có kinh nghiệm là đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng.

Tại dự thảo nghị định sửa đổi, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất cho phép người có trình độ trung cấp, cao đẳng kỹ thuật cơ khí, có kinh nghiệm làm việc trong các xưởng sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, có thời gian thực tập nghiệp vụ được thi sát hạch và cấp chứng chỉ đăng kiểm viên.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, bản chất nghề đăng kiểm là dịch vụ kỹ thuật, người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng cũng tuyển được chứ không nhất thiết phải là đại học. Những kỹ sư tốt nghiệp lâu năm, đã từng làm ở các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng có kinh nghiệm có đủ điều kiện tuyển dụng, rút ngắn thời gian thực tập.

Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đề xuất mỗi dây chuyền được kiểm định không giới hạn công suất. Quy định hiện hành yêu cầu một dây chuyền loại I kiểm định không quá 90 xe, dây chuyền loại II không quá 70 xe/ngày.

Dự thảo nghị định cũng cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô (3S, 4S) có trang thiết bị, nhân lực đáp ứng quy chuẩn được phép kiểm định ô tô hay đăng kiểm của quân đội, công an được tham gia khi cần trưng dụng.

Trước đó, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 02/2023, sửa đổi Thông tư 16 về kiểm định xe cơ giới cho phép miễn kiểm định lần đầu đối với xe mới chưa qua sử dụng, giãn chu kỳ kiểm định với nhiều phương tiện đang sử dụng.

Thời điểm thông tư sửa đổi ra đời đã nhận được sự đồng tình của dư luận. Song, ghi nhận thực tế từ các trung tâm đăng kiểm tại các thành phố lớn trong đó có Hà Nội, tình trạng người dân không thể đăng kiểm ngay vẫn diễn ra. Nhiều chủ phương tiện nhận phiếu hẹn đăng kiểm xe đã sang đến đầu tháng 4.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.