Khá nhiều án liên quan đến an ninh mạng
Tại buổi làm việc với Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Thiếu tướng Nguyễn Minh Chính - Cục trưởng Cục A05, cho biết đơn vị này đã phải làm rất nhiều việc trong việc bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Theo tướng Chính, số lượng vụ án đưa ra xét xử trong năm 2019 liên quan đến vi phạm quy định Nhà nước về an ninh mạng khá nhiều. Đặc biệt, đơn vị đã phát hiện, xử lý 40 vụ lộ bí mật Nhà nước qua mạng Internet.
Phục hồi dữ liệu, chứng cứ điện tử của hơn 1.000 thiết bị, phục vụ đắc lực cho công tác điều tra, khám phá các vụ án của công an đơn vị, địa phương. Cục trưởng Cục A05 cũng chủ động phối hợp với các đơn vị, cơ quan có liên quan thúc đẩy tuyên truyền phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, có tổ chức, xuyên quốc gia trên không gian mạng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình ghi nhận và đánh giá cao về những thành tích đã đạt được của tập thể cán bộ, chiến sĩ Cục A05 trong thời gian qua. Ông Bình nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra cả cơ hội và thách thức. Theo ông, càng thuận lợi thì thách thức càng lớn, do vậy an ninh mạng có ý nghĩa hết sức quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
“Bảo vệ chủ quyền quốc gia, chủ quyền về kinh tế - xã hội đều cần an ninh mạng, vì vậy, yêu cầu đặt ra cần đảm bảo an ninh trên mọi lĩnh vực từ xã hội, kinh tế, quốc phòng, an ninh… để tạo hành lang phát triển kinh tế và xã hội của đất nước” - Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Nhiều vụ lọt, lộ với tính chất, mức độ rất nghiêm trọng
Việc nâng cao an ninh mạng thời gian qua từng tạo nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, xét một cách thống nhất, an ninh mạng thực sự cần thiết trong bối cảnh công nghệ phục vụ cuộc sống ngày càng cao như hiện nay.
Bởi đồng thời với sự phát triển là gia tăng các vấn đề liên quan đến đảm bảo an ninh quốc gia và bí mật Nhà nước. Chính vì thế, mức độ cần cảnh báo trước tình trạng lộ bí mật Nhà nước hiện nay phải được quan tâm đúng mực.
Hồi tháng 8/2019, trong hội nghị tuyên truyền và tập huấn về công tác bảo vệ bí mật Nhà Nước. Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân từng cho biết, tình trạng lộ, mất bí mật Nhà nước vẫn diễn ra với tính chất, mức độ rất nghiêm trọng. Số vụ được phát hiện gần đây năm sau đều cao hơn năm trước. Một số vụ đã ảnh hưởng lớn đến chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao của đất nước.
Ông Tân nhận định: “Những sơ hở, tồn tại trong công tác bảo vệ bí mật Nhà nước như trên đã và đang tạo ra những nguy cơ trực tiếp dẫn đến lộ, mất bí mật Nhà nước nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, khắc phục”.
Ông Tân cũng dẫn chứng việc soạn thảo tài liệu bí mật Nhà nước trên máy tính kết nối Internet hoặc có lịch sử kết nối Internet có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng. Chúng sử dụng mã độc, phần mềm gián điệp xâm nhập máy tính và các thiết bị lưu trữ di động nhằm đánh cắp, thu thập bí mật Nhà nước.
Cạnh đó, tình trạng sao, chụp tài liệu bí mật Nhà nước không đúng thủ tục và thẩm quyền dẫn đến không kiểm soát được bản sao, nơi gửi văn bản.
“Việc thực hiện không đúng pháp luật khi lưu giữ, tiêu hủy vẫn âm thầm diễn ra. Đi cùng đó là cung cấp tài liệu bí mật Nhà nước cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm. Phổ biến thông tin bí mật Nhà nước không đúng phạm vi, đối tượng... Tất cả đã và đang trực tiếp dẫn đến những vụ lộ, mất bí mật Nhà nước thời gian gần đây” - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị này, Thượng tá Đặng Thị Hồng Nhung - Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an), dẫn chứng một bộ cụ thể, trong hai năm bộ này soạn thảo 400 tài liệu bí mật Nhà nước.
“Các đồng chí sử dụng chính phủ điện tử rất nhiều, chuyển nhận, xử lý tài liệu qua email, cũng mặc nhiên 400 tài liệu này được đánh máy, xử lý qua các đường truyền kết nối Internet, nguy cơ lọt lộ rất nhiều” - bà nói và nhận xét rất nhiều bộ khác đều có tình trạng đánh máy, lưu trữ tài liệu bí mật Nhà nước trên máy tính kết nối Internet.
“Đánh máy tài liệu mật trên máy tính có kết nối Internet (kể cả rút kết nối ra) là vi phạm. Nếu ở Trung Quốc như thế là bị truy cứu trách nhiệm hình sự” - bà nêu rõ.
Theo bà, việc đổ lỗi cho hệ thống pháp luật khiến tình trạng lộ, lọt bí mật Nhà nước tăng dần qua các năm là không đúng. “Pháp luật của chúng ta đã tương đối đầy đủ nhưng việc thực thi pháp luật thế nào, có đầy đủ hay không thì đây là vấn đề còn nhiều hạn chế” - bà Nhung kết luận.