Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh dại: Tỷ lệ tử vong chạm ngưỡng... 100%

GD&TĐ - Bệnh dại lây truyền từ động vật sang người do virus gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong rất cao (gần như 100%).

Cán bộ thú y xã Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang) tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó của một gia đình ở thôn Thượng Phương Sơn. Ảnh: ITN
Cán bộ thú y xã Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang) tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó của một gia đình ở thôn Thượng Phương Sơn. Ảnh: ITN

Người bệnh bị lây truyền qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo) trên da bị tổn thương.

Thời gian ủ bệnh kéo dài, phức tạp

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc-xin dại, có khoảng 60 - 70 nghìn người bị chết do bệnh dại, phần lớn được báo cáo từ các nước thuộc vùng nhiệt đới, nơi có tới 3/4 dân số thế giới sinh sống.

Theo Bộ Y tế, từ năm 2022 đến nay bệnh dại có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu năm 2024 đã ghi nhận số trường hợp tử vong cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.

Ở Việt Nam, bệnh dại lưu hành và phát triển ở hầu hết các tỉnh/thành phố. Chó là ổ chứa virus dại chủ yếu chiếm 96 - 97%, sau đó là mèo 3 - 4%, động vật khác (thỏ, chuột, sóc...) chưa phát hiện được. Người bị chó cắn nếu không tiêm phòng sẽ có thể phát bệnh dại. Tuy nhiên, không phải 100% người bị chó cắn đều bị dại. Nguy cơ nhiễm dại phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm con vật có bị dại hay không, lượng virus trong nước bọt của con vật nhiều hay ít, vết thương nông hay sâu, có vệ sinh sát khuẩn vị trí tổn thương kịp thời ngay sau khi bị chó cắn hay không…

Bệnh dại được lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách hoặc qua màng niêm mạc còn nguyên vẹn vào cơ thể, từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương.

Khi đến thần kinh trung ương, virus sinh sản rất nhanh rồi lại theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt. Tại thời điểm này, thần kinh chưa bị tổn thương đáng kể vì thế nhìn bề ngoài con vật vẫn bình thường nhưng nước bọt đã có virus dại. Sau đó, virus dại hủy hoại dần các tế bào thần kinh làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh dại.

Hiện không có cách điều trị hiệu quả cho bệnh dại sau khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc-xin phòng dại trước hoặc ngay sau khi phơi nhiễm. ThS.BS Lê Thị Hương - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, có 2 chủng virus dại, gồm: Virus dại đường phố tồn tại trên động vật bị bệnh và virus dại cố định.

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác có thể gây bệnh dại ở người nếu đi đến hoặc sinh sống ở những đất nước kém phát triển, nơi bệnh dại phổ biến, bao gồm các quốc gia ở châu Phi và Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, con người có thể nhiễm bệnh nếu có những hoạt động tiếp xúc với động vật hoang dã mang mầm bệnh dại như thám hiểm hang động, hoặc đi cắm trại nhưng không đề phòng nguy cơ chỗ ở có nhiều động vật hoang dã sinh sống. Làm việc trong môi trường có nhiều vi khuẩn dại như nhân viên phòng thí nghiệm, bác sĩ thú y, huấn luyện động vật hoang dã… cũng có nguy cơ mắc bệnh.

BS Lê Thị Hương thông tin, thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Mặc dù hiếm gặp nhưng Y khoa đã ghi nhận trường hợp bệnh dại lây truyền trực tiếp từ người sang người. Các nguy cơ lây nhiễm này chủ yếu thông qua vùng da bị tổn thương, niêm mạc, do sử dụng chung đồ ăn, vật dụng có nhiễm nước bọt của người mắc dại. Tuy nhiên, việc lây nhiễm dại từ người sang người không phổ biến.

Bệnh dại khi phát sẽ có 2 thể chính bao gồm thể viêm não và thể liệt. Thể viêm não có triệu chứng đầu tiên là sốt, nhức đầu hoặc kiệt sức, kèm theo chán ăn, mất ngủ, bồn chồn, đồng thời xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió.

canh bao nguy co bung phat benh dai (1).jpg
Bệnh nhân điều trị bệnh dại sau khi bị mèo cắn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: ITN

Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân tăng tiết nước bọt nên không thể nhai, nuốt và thường xuyên khạc nhổ. Sau đó, đồng tử bệnh nhân sẽ bị giãn nên mắt nhìn sáng long sòng sọc, co thắt hầu họng, xuất tinh tự nhiên, cường dương và tử vong nhanh chóng. Còn thể liệt xuất hiện triệu chứng liệt từ tay, chân đến các cơ, rối loạn tiểu tiện, đại tiện. Ngay khi liệt lan đến cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong.

“Trong một số trường hợp, người bị chó cắn vì quá lo sợ nên đã ám ảnh mình bị dại và sinh ra nhiều biểu hiện, hành động và âm thanh khác thường. Đó là những trường hợp được cho là giả dại. Trên thực tế, người bị dại sẽ hoàn toàn tỉnh táo cho đến lúc chết chứ không hề điên dại”, BS Hương cho hay.

Quan niệm sai lầm về bệnh dại

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, số người phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng trong năm 2023, cả nước ghi nhận 674.888 người đi tiêm vắc-xin phòng dại, huyết thanh kháng dại và không có trường hợp tử vong do bệnh dại sau khi được điều trị dự phòng. Số người đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại trong năm 2023 tăng 45% so với năm 2022 (465.824 người).

Ở Việt Nam, tháng 5 - tháng 8 là thời điểm bệnh dại vào mùa cao điểm. Nguyên nhân bùng phát bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ sở tiêm phòng dại ở động vật còn hạn chế, không thể kiểm soát được số lượng chó mèo được nuôi… Chủ yếu bệnh nhân chỉ lo lắng và tiêm phòng dại sau khi bị chó cắn hoặc mèo cào mà thờ ơ với những vết liếm hay những tiếp xúc gần với động vật.

BS Nguyễn Thế Hưng - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, có nhiều quan niệm sai lầm về bệnh dại. Đây là căn bệnh nguy hiểm và các cách xử lý ban đầu có ảnh hưởng lớn đến khả năng khỏi bệnh.

Do vậy, cần hiểu đúng về căn bệnh và nguồn lây. Theo đó, nhiều người cho rằng, bệnh dại chỉ lây truyền qua vết cắn của động vật. Nhưng thực tế, bệnh dại lây truyền qua tiếp xúc nước bọt của động vật nhiễm bệnh, vết cắn chỉ là một trong những con đường lây truyền phổ biến nhất. Khi bị động vật nhiễm bệnh liếm vào vết thương hở hay những bộ phận có màng nhầy như mắt, miệng hoặc mũi đều có thể bị nhiễm bệnh.

Có quan niệm cho rằng, những vết cắn từ động vật phải rõ ràng, in dấu răng mới nguy hiểm. Vì vậy, sau khi bị chó hoặc mèo cắn thường xem vết cắn đó như thế nào, có sâu hay bị rách da hoặc chảy máu không. Nếu không phát hiện ra vết cắn lớn hoặc chảy máu thì gần như sẽ bỏ qua.

BS Hưng cho hay, vết cắn từ những con vật nhỏ bé như chó và mèo, khỉ, chuột, dơi… đều không để lại dấu vết rõ ràng, ít gây ra chảy máu và hiển nhiên, nếu không phát hiện kịp hoặc bỏ qua những vết cắn nhỏ ấy, tính mạng của con người sẽ gặp nguy hiểm. Vì thế đừng chủ quan với bất kỳ vết thương nhỏ bất thường nào trên cơ thể.

Hơn nữa, không phải bất cứ động vật nào mang mầm bệnh dại sẽ có dấu hiệu phát bệnh ra bên ngoài, chạy nhảy mất kiểm soát và trở nên hung dữ. Do đó, cần tiêm phòng dại trước và cả sau khi đã tiếp xúc với động vật mặc dù chúng tỏ ra thân thiện và không có dấu hiệu bất thường. Thậm chí ngay cả những động vật như chó, mèo,… bạn nuôi trong nhà vẫn có nguy cơ mang mầm bệnh dại chứ không chỉ những con vật thả rông ngoài đường.

canh bao nguy co bung phat benh dai (1).jpeg
Người đi tiêm vắc-xin phòng dại tại Hệ thống tiêm chủng trong năm 2024. Ảnh: ITN

BS Nguyễn Thế Hưng chia sẻ, hầu hết các trường hợp bệnh dại ở Việt Nam do chó dại cắn. Khi bị chó cắn dù là chó lành hay chó dại cũng cần xử trí theo các bước sau:

Vệ sinh

Cần tách rời quần áo ra khỏi vết cắn, trong trường hợp vết cắn ở chân thì nên dùng kéo cắt bỏ phần vải tại vị trí cắn. Điều này giúp hạn chế nước bọt của động vật bám nhiều hơn vào vết thương.

Rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh trong vòng 15 phút, nước ấm càng tốt. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine, tuyệt đối không cố gắng nặn máu. Không nên chà xát vết thương, tránh làm vết thương trầm trọng hơn.

Băng bó

Sau khi vệ sinh vết thương, người bệnh nên dùng gạc y tế hoặc vải sạch để băng bó vết thương để cầm máu đồng thời tránh trường hợp vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, không nên băng bó quá chặt khiến máu khó lưu thông.

Tiêm phòng

Người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc-xin phòng dại ngay sau bị chó cắn. Lịch tiêm theo lộ trình và loại vắc-xin phòng dại sẽ được các bác sĩ tư vấn phù hợp. Bên cạnh đó, đặc biệt lưu ý, để đảm bảo xử lý đúng phương pháp khi bị chó cắn, người bệnh không nên làm những điều sau: Không đắp, xát bất cứ loại lá nào lên vết thương; không chữa dại bằng thuốc Đông, thuốc Nam hoặc thuốc lá; không kiêng cữ tắm rửa vệ sinh cơ thể mỗi ngày.

Theo BS Hưng, trong điều kiện môi trường thuận lợi, virus gây bệnh dại có thể “ngủ đông” từ 3 đến 4 năm do đó, cần phải chủ động ngăn ngừa sớm. Trong các nhà trường có thể chủ động tuyên truyền giáo dục sức khỏe, cung cấp những thông tin cần thiết và cách phòng chống bệnh dại.

Đặc biệt là việc phát hiện súc vật bị bệnh dại, cách xử lý sau khi bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc. Báo cáo với cơ quan thú y nơi có động vật bị bệnh dại. Thực hiện đăng ký, cấp giấy phép cho chủ nuôi chó, mèo; tiêm vắc-xin dại có hiệu lực cho đàn chó, mèo đạt trên 85% trong quần thể súc vật nuôi.

Những người có nguy cơ cao như nhân viên thú y, kiểm lâm, làm việc trong phòng thí nghiệm có virus… cần được gây miễn dịch bằng vắc-xin dại tế bào có hiệu lực bảo vệ cao và tiêm nhắc lại theo chỉ định của y tế.

Tránh cho trẻ nhỏ chơi với động vật, nhất là chó, mèo đi lạc. Dạy trẻ tránh xa các động vật hoang dã như mèo, dơi, gấu trúc, chồn hôi, khỉ, cáo… Nhà có vật nuôi như chó, mèo cần chủ động tiêm chủng, không cho chúng chạy rong bên ngoài vì rất dễ lây lan mầm bệnh.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại, giảm thiểu và tiến tới không còn người chết vì bệnh dại, Việt Nam đã triển khai Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021; phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030. Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 đặt mục tiêu cụ thể đối với phòng, chống bệnh dại ở động vật: Quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025, trên 90% trong giai đoạn 2026 - 2030; tiêm vắc-xin dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025 và 80% trong giai đoạn 2026 - 2030… Đối với phòng, chống bệnh dại ở người: Đến năm 2025, giảm 50% số người bị tử vong vì bệnh dại so với giai đoạn 2017 - 2021 và phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.