Khốn khổ vì… đổ nhiều mồ hôi

GD&TĐ - Nhiều người gặp trở ngại lớn trong cuộc sống do đổ mồ hôi quá nhiều.

Người đàn ông thường xuyên phải lau tay do đổ mồ hôi quá nhiều. Ảnh: Lâm Ngọc
Người đàn ông thường xuyên phải lau tay do đổ mồ hôi quá nhiều. Ảnh: Lâm Ngọc

Đổ mồ hôi là cơ chế sinh lý bình thường của cơ thể. Nếu một người ra mồ hôi quá nhiều thì được xem là bệnh, nhất là đối với những người không có các hoạt động thể chất mạnh hoặc làm việc trong môi trường thời tiết mát mẻ.

Ngại cầm lái, bạn gái cũng chê

Nhiều người gặp trở ngại lớn trong cuộc sống do đổ mồ hôi quá nhiều. Các vị trí đổ mồ hôi như: Lòng bàn tay, lòng bàn chân, nách, mặt gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, giảm chất lượng cuộc sống. Hiện tượng này không phân biệt tuổi và giới tính.

Anh N.H.P. (39 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) ái ngại khi khi nói về câu chuyện của bản thân. Anh P. kể: “Cơ địa tôi rất dễ đổ mồ hôi. Đặc biệt, những lúc căng thẳng tôi ra mồ hôi gấp đôi gấp ba. Lần đầu hẹn hò với bạn gái, tôi nắm tay bạn ấy. Bạn ấy bảo tôi là lần sau rửa tay nhớ lau tay, sao để ướt nhèm vậy nè. Kể từ đó trở đi, mỗi lần gặp người yêu, tôi đều phải lau tay thật sạch rồi mới dám nắm”, anh P. chia sẻ.

Cũng gặp vấn đề về việc đổ mồ hôi quá nhiều, nhất là mồ hôi có mùi, chị L.C.A. (32 tuổi, ngụ Quận 1, TPHCM) cảm thấy xấu hổ.

“Đi làm, chơi thể thao và kinh khủng hơn là ở thang máy, ở không gian kín, mùi cơ thể của tôi, tôi còn không chịu nổi thì làm sao ai chịu nổi được. Thậm chí tôi còn không dám thi bằng lái ô tô vì khi tay trơn rất khó để nắm vững vô lăng, thực sự rất nguy hiểm”, chị A. kể.

Nói về người đổ mồ hôi nhiều, mồ hôi có mùi gây cảm giác khó chịu, BS.CKII Trần Ngọc Phương, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TPHCM cho rằng, tăng tiết mồ hôi là việc rất tự nhiên của cơ thể.

Việc này là để điều hòa nhiệt độ của cơ thể chúng ta. Khi gặp môi trường nóng, bộ não kích hoạt hệ thống thần kinh, truyền tín hiệu xuống tủy sống và thần kinh giao cảm kích hoạt tuyến mồ hôi. Từ đó đổ mồ hôi, nhiệt độ cơ thể hạ xuống.

“Trường hợp rơi vào trạng thái căng thẳng, hồi hộp quá mức… hệ thống thần kinh trung ương bị kích hoạt. Hệ thống thần kinh giao cảm truyền xuống tuyến mồ hôi gây tăng tiết mồ hôi. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống”, BS Phương thông tin.

Theo BS Phương, để điều trị, nhiều người chọn phẫu thuật cắt hạch nội soi thần kinh giao cảm. Thực tế, phẫu thuật cắt hạch phải tùy vị trí, không phải chỗ nào cũng triển khai thực hiện. Hệ thần kinh giao cảm điều khiển tuyến mồ hôi như hệ thống ống nước. Nếu chúng ta ngăn đầu này lại, đầu khác sẽ phình ra. Đây là hiện tượng tăng tiết bù trừ (diễn ra 80 - 90%).

khon kho vi do nhieu mo hoi (2).jpg
BS.CKII Trần Ngọc Phương đánh giá tình hình đổ mồ hôi của người bệnh. Ảnh: BVCC

Có thể khắc phục

BS Phương cho biết, những người làm công việc thủ công, chi tiết, tỉ mỉ như: Nghệ nhân, thợ điện, lái xe… nếu mồ hôi đổ quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống, giao tiếp và sinh hoạt thường ngày.

“Để khắc phục tình trạng tăng tiết mồ hôi phải dựa vào thể trạng của mỗi người, vị trí và mức độ đổ mồ hôi sẽ giúp bác sĩ đánh giá, tư vấn phương pháp cụ thể, an toàn và không tác dụng phụ”, BS Phương lưu ý.

Theo chuyên gia y tế, tăng tiết mồ hôi có nhiều phác đồ điều trị. Phương pháp này không hiệu quả sẽ đổi phương pháp khác. Đầu tiên, người bệnh sẽ sử dụng thuốc thoa tại chỗ (dạng bột, xịt hoặc dạng kem).

Trường hợp phương pháp bôi không đáp ứng, người bệnh sẽ được thực hiện phương pháp khác như: Điện di, tiêm chích mồ hôi, ức chế thần kinh giao cảm để giảm tiết ra chất kích thích tuyến mồ hôi.

Người bệnh cũng có thể được chữa trị bằng liệu pháp vi sóng hủy tuyến mồ hôi. Nếu các phương pháp nêu trên không hiệu quả, người bệnh bắt buộc phải thực hiện các phương pháp liên quan đến xâm lấn như: Phẫu thuật dây thần kinh giao cảm, phẫu thuật tuyến mồ hôi.

“Việc tăng tiết mồ hôi tay, chân đều có thể chấp nhận và phục hồi được. Tuy nhiên tăng tiết mồ hôi chỉ là hiện tượng cơ thể đổ mồ hôi nước, không có mùi. Mùi hôi là mồ hôi dầu nằm sâu bên dưới và đi ra bằng tuyến nang lông.

Chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng đến mùi. Nguyên nhân chính để vùng nhạy cảm (nách, chân) có mùi nặng là do khi mồ hôi dầu ra khỏi cơ thể tiếp xúc với vi khuẩn nằm trên bề mặt da dẫn đến quá trình hủy tạo nên mùi cơ thể”, BS Phương khẳng định.

Các chuyên gia y tế lưu ý, để giảm mùi cơ thể, đầu tiên mỗi người phải khắc phục tình trạng đổ mồ hôi nhiều. Đó là vệ sinh sạch sẽ tránh vi khuẩn phòng trú. Để giảm mồ hôi và mùi cơ thể cần phối hợp chế độ ăn uống và phương pháp điều trị phù hợp với cơ địa của mỗi người.

Thực tế, bất kỳ phương pháp điều trị nào liên quan đến cơ thể cũng có biến chứng. Cụ thể, nếu người bệnh sử dụng thuốc tại chỗ không đúng, quá liều sẽ dẫn đến tình trạng viêm da kích ứng tại chỗ, viêm nang lông…

Tăng tiết mồ hôi là một tình trạng thường gặp với tỷ lệ lưu hành cao ở độ tuổi 25 - 64. Ước tính tỷ lệ mắc chứng tăng tiết mồ hôi nguyên phát và thứ phát khoảng 13,9% ở Nhật Bản; 18,4% ở Thượng Hải - Trung Quốc; 16,3% ở Đức và 2,8% ở Mỹ. Tăng tiết mồ hôi ảnh hưởng đến sức khỏe và suy giảm đáng kể chất lượng cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Trồng cau ồ ạt, nên chăng?

GD&TĐ - Thấy cau có giá, người ta đổ xô đi mua cau con về trồng. Diện tích cau tăng vọt, thế chỗ cho nhiều loại cây ăn trái khác...