Cảnh báo 'bẫy' lừa đảo trực tuyến người dân cần tránh

GD&TĐ - Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) điểm lại một số hình thức lừa đảo trực tuyến trong tuần từ 27/5 - 1/6 để người dân chủ động phòng tránh.

(Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin)
(Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin)

Mất hơn 14 tỷ đồng vì cá cược trên mạng

Ngày 28/5, bà Phạm Thị T. (47 tuổi, trú tại phường Cộng Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) đã trình báo Công an về việc bị lừa đảo số tiền hơn 14,7 tỷ đồng qua hình thức "nạp tiền" chung vào tài khoản của một người quen biết trên mạng xã hội Facebook.

Khoảng tháng 3, thông qua mạng xã hội Facebook, bà T. quen biết một người đàn ông tự giới thiệu là Lê Hữu Nam (44 tuổi, trú tại quận 4, TP.HCM).

Sau đó, Nam cho biết bản thân là kỹ sư phần mềm trong miền Nam, đang được mời sang Singapore sửa chữa hệ thống, phần mềm casino và đã phát hiện ra lỗ hổng của trang web walkerhill-vip1.com (chuyên về các trò chơi có thưởng), có thể lợi dụng lỗ hổng này để kiếm tiền.

Đối tượng cũng lấy lý do đang ở nước ngoài nên không truy cập được vào tài khoản của mình nên nhờ bà T. đăng nhập giúp.

Bà T. làm theo hướng dẫn và Nam còn chủ động chuyển khoản rồi nhờ bà T. nạp tiền giúp vào tài khoản "lenam1980". Sau đó, tài khoản của Nam tăng lên rất nhanh.

(Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin)
(Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin)

Một thời gian sau, Nam hướng dẫn bà T. tham gia các trò chơi trên trang web và kết quả luôn thắng tại những thời điểm mà người này chỉ dẫn.

Khi thấy bà T. đã tin tưởng vào việc phát hiện lỗ hổng để có thể chơi thắng một cách dễ dàng, Nam bắt đầu rủ người phụ nữ nạp tiền chung vào tài khoản của Nam để cùng chơi rồi ăn chia số tiền thu được.

Cuối cùng, bà T. đã nạp vào tài khoản trò chơi của Nam hơn 14,7 tỷ đồng và phát hiện mình bị lừa.

Do đó, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các lời chào mời tham gia đầu tư trên mạng xã hội đặc biệt là của những đối tượng lạ. Tuyệt đối không tham gia vào các "group chat," không kết bạn làm quen với những đối tượng có dấu hiệu chào mời đầu tư hoặc giao dịch liên quan đến tài chính.

Người dân không đầu tư vào các website, app khi chưa tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị chủ quản. Không cung cấp thông tin cá nhân dưới mọi hình thức để tránh bị đánh cắp phục vụ cho những hành vi vi phạm pháp luật.

Mạo danh chuyên trang báo Hoa học trò

(Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin)

(Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin)

Mới đây, xuất hiện trang web tự xưng là “Thư viện Hoa Học Trò”, có địa chỉ hoahoctro.edu.vn, đang có những hành vi gây ảnh hưởng đến uy tín của Chuyên trang Hoa Học Trò điện tử, Báo Tiền Phong (địa chỉ: hoahoctro.tienphong.vn).

Trang web trên đã sử dụng địa chỉ, số điện thoại liên hệ của tòa soạn Chuyên trang Hoa Học Trò - Báo Tiền Phong để đưa vào phần chân trang, gây nhầm lẫn cho bạn đọc.

Trang web giả mạo trên còn đăng tải nhiều thông tin sai sự thật, gây ra sự nhầm lẫn và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Chuyên trang Hoa Học Trò điện tử nói riêng, Báo Tiền Phong nói chung.

Trang web giả mạo này đã đăng thông tin sai lệch về trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), gây hiểu lầm trong cộng đồng và làm tổn hại đến danh tiếng của trường cũng như uy tín của Tòa soạn.

Hành vi giả mạo Chuyên trang Hoa Học Trò điện tử của những đối tượng quản trị trang web giả mạo trên đã gây phương hại lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của Báo Tiền Phong, vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về bản quyền, và có thể khiến bạn đọc nhầm lẫn khi tìm kiếm thông tin, truy cập Chuyên trang Hoa Học Trò điện tử.

Chuyên trang Hoa Học Trò Online chỉ có một địa chỉ website chính thức là: hoahoctro.tienphong.vn.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ về các dấu hiệu nhận biết các website giả mạo để tránh nguy cơ sập bẫy lừa đảo từ các nguồn thông tin không chính thống.

Bị lừa thêm 600 triệu đồng vì muốn lấy lại tiền bị lừa

(Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin)

(Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin)

Ngày 28/5, đại diện Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận trình báo của một phụ nữ hơn 50 tuổi ngụ ở huyện Quỳ Hợp về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 600 triệu đồng qua mạng xã hội.

Trước đó, người phụ nữ này nhận tin nhắn qua Messenger của một người quen. Người này gọi điện trò chuyện, gọi đúng tên của bà và một số người thân trong gia đình nên bà tin tưởng, chuyển cho người gọi điện số tiền 6 triệu đồng.

Sau đó, người phụ nữ này phát hiện tài khoản Facebook của mình đã bị đối tượng xấu chiếm đoạt và người vay tiền không phải là người quen mà đó là chiêu trò lừa đảo của tội phạm.

Ngay sau đó, khi lên Facebook, nạn nhân thấy có trang Fanpage mạo danh Cục An ninh mạng (Bộ Công an) đăng bài cảnh báo cùng với lời giới thiệu “hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa đảo”. Do tin rằng trang này là chính thống, nạn nhân đã nhắn tin, trình bày với mong muốn lấy lại được tiền đã mất.

Sau khi tạo một tài khoản theo đường link được gửi và thực hiện các thao tác do "cán bộ Cục An ninh" hướng dẫn, người phụ nữ này thấy tài khoản của mình báo nhận được 1,5 triệu đồng.

Tiếp đó, bên kia, "cán bộ Cục An ninh" khẳng định số tiền đã về tài khoản nhưng do vướng thủ tục tất toán, đề nghị bà nộp một khoản tiền "bảo đảm" để rút về. Số tiền này sẽ được hoàn trả lại.

Người phụ nữ này sau đó đã làm theo hướng dẫn và đã chuyển khoản nộp 600 triệu đồng cho "cán bộ Cục An ninh". Nạn nhân đã bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên.

Cục An toàn thông tin lưu ý, người dân tuyệt đối không sử dụng những dịch vụ trên mạng xã hội. Không thực hiện giao dịch hay chuyển tiền khi chưa xác minh được rõ danh tính của đối tượng, đặc biệt là những dịch vụ “lấy lại tiền bị lừa đảo”. Cảnh giác với các trang mạng xã hội, những cuộc gọi hoặc tin nhắn giả danh cán bộ công an, cơ quan Nhà nước hay luật sư. Không cung cấp thông tin cá nhân hay tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.