Cảnh báo các hình thức lừa đảo trực tuyến 'cuỗm' tiền tỷ của người dân

GD&TĐ - Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) điểm lại một số hình thức lừa đảo trực tuyến hàng tỷ đồng của người dân trong tuần qua để mọi người phòng tránh.

(Ảnh minh họa: Cục An toàn thông tin)
(Ảnh minh họa: Cục An toàn thông tin)

Giả danh cán bộ thuế

Đại diện Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, các đối tượng lừa đảo đã làm giả cả giấy mời của Chi cục Thuế để gửi cho các hộ kinh doanh trên địa bàn.

(Ảnh minh họa: Cục An toàn thông tin)
(Ảnh minh họa: Cục An toàn thông tin)

Trong giấy mời có nội dung cần liên lạc qua Zalo với một số điện thoại lạ, nhằm mục đích tư vấn hoàn thuế, nhưng thực chất là khi người dân liên hệ sẽ đòi chi phí để thực hiện các thủ tục.

Do đó, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào để tránh lộ lọt thông tin.

Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, người dân tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng nếu chưa thực hiện các bước tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó.

Giả danh công an để lừa dân

(Ảnh minh họa: Cục An toàn thông tin)
(Ảnh minh họa: Cục An toàn thông tin)

Công an TP Hà Nội cho biết, ngày 5/4, bà P. (SN 1956, trú tại Hà Đông, Hà Nội) nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng nói Căn cước công dân của bà P. có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền. Do lo sợ nên bà P. đã 32 lần chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng với tổng số tiền 15 tỷ đồng.

Cục An toàn thông tin cho biết, để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Điều đáng nói, đối tượng lừa đảo thường nhắm vào sự thiếu hiểu biết, không minh mẫn của người cao tuổi để ra tay lừa đảo. Vì thế, những người trong gia đình phải tuyên truyền cho người cao tuổi để họ nhận biết và có ý thức cảnh giác, phòng tránh hiệu quả.

Mạo danh phóng viên chiếm đoạt tài sản

(Ảnh minh họa: Cục An toàn thông tin)
(Ảnh minh họa: Cục An toàn thông tin)

Ngày 9/5, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, các đối tượng làm giả bằng cấp rồi sử dụng để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, đến cơ quan, doanh nghiệp, hộ kinh doanh với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên của báo, tạp chí để thu thập thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khi tìm ra thiếu sót của các cơ sở, các đối tượng gây sức ép, gợi ý để cơ sở biết rõ hoặc ngầm hiểu nếu không đưa tiền cho chúng thì sẽ bị báo đến chính quyền địa phương và viết bài phản ánh. Do lo sợ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nên các cơ sở đã phải đưa tiền cho các đối tượng.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo, các cơ quan, doanh nghiệp cần nhận biết và tìm hiểu rõ danh tính của đối tượng trước khi thực hiện bất kì một thoả thuận nào. Hiện nay, tình trạng làm giả giấy tờ, chứng chỉ, hồ sơ đang tràn lan trên mạng xã hội và được sử dụng vào những mục đích phi pháp.

Tấn công mạng đánh cắp dữ liệu

(Ảnh minh họa: Cục An toàn thông tin)
(Ảnh minh họa: Cục An toàn thông tin)

Một nhóm tin tặc đã sở hữu quyền truy cập vào số lượng lớn thông tin của bệnh nhân và đội ngũ nhân viên tại Bệnh viện NHS Dumfries & Galloway (nay thuộc Scotland, Anh) sau một cuộc tấn công mạng vào thời điểm đầu tháng 3.

Nhóm tội phạm này sau đó đã công khai những dữ liệu chúng đánh cắp trên các trang Dark Web (những trang web ẩn thường xuyên diễn ra các hoạt động phi pháp).

Giám đốc bệnh viện - ông Julie White cho biết mình và toàn bộ nhân viên đang tích cực hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền như sở cảnh sát Scotland, Trung tâm an ninh mạng quốc gia và chính phủ Scotland nhằm tìm kiếm và khôi phục lại dữ liệu bị mất.

Ngày 7/5, phía bệnh viện đã thiết lập một đường dây trợ giúp, đồng thời khuyến cáo người dân cần nhanh chóng liên hệ khi gặp phải những tình huống có dấu hiệu về việc thông tin của họ bị tiếp cận bởi một tổ chức lạ thông qua thư điện tử, điện thoại, mạng xã hội...

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cẩn trọng trước các tệp tin hoặc đường dẫn được gửi từ những đối tượng lạ. Tuyệt đối không truy cập vào các trang web bất hợp pháp; không cung cấp thông tin cá nhân dưới mọi hình thức.

Lừa qua app hẹn hò

(Ảnh minh họa: Cục An toàn thông tin)

(Ảnh minh họa: Cục An toàn thông tin)

Sau khi gặp gỡ và làm quen với các đối tượng thông qua ứng dụng hẹn hò trực tuyến, những đối tượng lừa đảo sẽ gửi cho họ đường link dẫn tới một trang web. Bằng cách cung cấp thông tin cá nhân, trang web sẽ chứng nhận mức độ uy tín của người dùng; đồng thời giúp cho họ phòng ngừa những cuộc hẹn hò với kẻ xấu hoặc tội phạm.

Khi truy cập, người dùng sẽ thấy những tiêu đề bài báo giả mạo về tính chính thống của trang web, từ đó yêu cầu người dùng cung cấp những thông tin như tên, số điện thoại, địa chỉ email, thông tin thẻ ngân hàng. Sau khi cung cấp thông tin cá nhân, người dùng sẽ được chuyển tới một trang web hẹn hò có tính phí hàng tháng.

Vì vậy, người dân cần tuyệt đối cảnh giác khi có tin nhắn từ người lạ làm quen, kết bạn đặc biệt là thông qua các ứng dụng hẹn hò. Tìm hiểu và nâng cao kiến thức về dấu hiệu nhận biết các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến để bảo vệ bản thân trước trường hợp có dấu hiệu lừa đảo. Không làm theo hướng dẫn của những đối tượng lạ, click vào các đường dẫn hay tải xuống các phần mềm, ứng dụng không rõ nguồn gốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ