Căng thẳng chuyện tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022

GD&TĐ - Chỉ chưa đầy 2 tháng nữa, Trung Quốc sẽ khai mạc Olympic Mùa đông lần thứ 24 ở Bắc Kinh trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được đẩy lùi và một cuộc tẩy chay ngoại giao đang diễn ra.

Một cuộc vận động tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022 ở Sydney, Australia.
Một cuộc vận động tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022 ở Sydney, Australia.

Việc Nhà Trắng thông báo sẽ không cử phái đoàn chính thức nào đến Olympic trên khiến Bắc Kinh tức giận và tuyên bố sẽ trả đũa.

Australia cũng theo Mỹ tuyên bố tẩy chay Olympic Mùa đông ở Bắc Kinh vì liên quan tới vấn đề lạm dụng nhân quyền ở Trung Quốc. Thủ tướng Australia Scott Morrison nói rằng việc các nhà ngoại giao và chính trị gia đưa ra quyết định này “không gây ngạc nhiên” vì mối quan hệ rạn nứt với Trung Quốc.

“Tôi làm việc này bởi vì nó nằm trong lợi ích quốc gia Australia” – ông Morrison nói – “Đó là điều đúng đắn cần làm”.

Trước đó, một số nước cho biết đang xem xét việc “tẩy chay ngoại giao” Olympic Bắc Kinh 2022. Trong đó Anh đang thảo luận về vấn đề này và các bộ trưởng có thể sẽ không dự Thế vận hội trên.

Nghị viện châu Âu cũng cân nhắc liệu EU có nên cử phái đoàn tham dự Olympic Bắc Kinh hay không. Ngoài ra, chính trị gia ở một số quốc gia như Italy, Thụy Sĩ, Anh, Canada, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Đức, Lithuania và Thụy Điển cũng nỗ lực kêu gọi tẩy chay sự kiện trên.

Những vụ tẩy chay thế vận hội lớn nhất

Thế vận hội thường là cơ hộ để tăng cường hòa bình và đối thoại giữa các quốc gia nhưng nó cũng trở thành nạn nhân của việc chính trị hóa.

Thế vận hội đầu tiên bị tẩy chay nhiều nhất là vào năm 1956, khi một số nước phương Tây tẩy chay Thế vận hội Sydney. Đây là lần đầu tiên Australia tổ chức thế vận hội.

Trung Quốc cũng đã tẩy chay Thế vận hội năm 1956 đến năm 1980 vì ủy ban Olympic quốc tế cho phép Đài Loan tham gia.

Các quốc gia Ả rập gồm Ai Cập, Iraq và Lebanon cũng tẩy chay sự kiện này vì lý do riêng của họ sau cuộc xâm lược của Anh – Israel – Pháp vào Kênh đào Suez của Ai Cập vào năm đó.

Thế vận hội 1980 và 1984 cũng phải vật lộn với các vấn đề chính trị chủ yếu là do căng thẳng Chiến tranh lạnh.

Liên Xô đăng cai Thế vận hội năm 1980 nhưng Washington cho rằng Moscow xâm lược Afghanistan là không thể chấp nhận được nên đã kêu gọi tất cả đồng minh của mình tẩy chay. 60 quốc gia gồm Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia đa số theo đạo Hồi từ chối thi đấu trong thế vận hội này, khiến đây trở thành một trong những thế vận hội bị tẩy chay nhiều nhất.

Tuy nhiên cuộc tẩy chay trên do Mỹ đứng đầu lại cho phép Liên Xô thu về 195 huân chương – một kỷ lục thế giới chưa bị phá vỡ kể từ đó. Trong Chiến tranh Lạnh, việc giành được nhiều huy chương nhất trong Thế vận hội mang nhiều biểu tượng chính trị khi Mỹ và Liên Xô chiến đấu để giành được nhiều huy chương hơn, chứng minh ưu thế của mình.

Sau Thế vận hội Moscow, Mỹ là quốc gia tiếp theo đăng cai Thế vận hội, khiến Liên Xô và đồng minh tẩy chay để trả đũa. Tuy nhiên, sự kiện này vẫn có kỷ lục 140 quốc gia tham dự, mang lại thành công về tài chính cho Washington.

Theo TRTworld

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ