Căng thẳng biên giới Ấn Độ - Pakistan: Lơ lửng mối đe dọa hạt nhân

GD&TĐ - Căng thẳng ở biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan những ngày qua đã đẩy hai đối thủ Nam Á gần với xung đột hơn bất cứ lúc nào trong hai thập kỷ trở lại đây. Cả hai bên đều biết những rủi ro khi căng thẳng tăng đột biến.

Pháo phản lực M777 của Ấn Độ tại buổi diễn tập trong cuộc diễu hành Ngày Cộng hòa 23/1/2019 tại New Delhi (Ấn Độ)
Pháo phản lực M777 của Ấn Độ tại buổi diễn tập trong cuộc diễu hành Ngày Cộng hòa 23/1/2019 tại New Delhi (Ấn Độ)

Tương quan lực lượng quân sự

Sau cuộc “chia tay” vào năm 1947, quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đã ở trong tình trạng kích động gần như liên tục. Hai bên có nhiều cuộc giao tranh lớn khiến hàng ngàn người thiệt mạng, trong đó trận chiến cuối cùng vào năm 1999 và nhiều cuộc giao tranh tại ranh giới kiểm soát ở khu vực Kashmir đang tranh chấp. Kể từ cuộc đụng độ cuối cùng đó, cả hai nước đã âm thầm tìm cách mở rộng và nâng cấp khả năng quân sự của họ.

Với sự tích lũy quân sự trong suốt những thập kỷ đó, Ấn Độ hiện đã vượt qua Pakistan về số lượng máy bay chiến đấu, quân đội, xe tăng cũng như máy bay trực thăng. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Ấn Độ cũng vượt xa Pakistan trong lĩnh vực khác, đặc biệt là trong ngân sách quân sự, từ 64 - 11 tỷ USD. Nhưng, như thường lệ, những con số không nói lên toàn bộ câu chuyện.

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, Ấn Độ có khoảng 3 triệu nhân viên quân sự, so với con số dưới 1 triệu của Pakistan, nhưng New Delhi không thể tập trung tất cả lực lượng này để đối phó với nước láng giềng ở phía Tây. Lực lượng của họ còn phải phân tán để kiểm soát khu vực phía Đông Bắc của Ấn Độ và biên giới với Trung Quốc.

Năm 1962, giữa Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra một cuộc chiến tranh biên giới khốc liệt. Những cuộc giao tranh tiếp tục diễn ra một cách lẻ tẻ trong suốt những năm sau đó, gần đây nhất là ở khu vực Doklam năm 2017. Mặt khác, Trung Quốc luôn giữ mối quan hệ quân sự chặt chẽ với Pakistan. Theo dữ liệu từ cuộc thảo luận tháng 12 về Pakistan tại Viện Brookings ở Washington, Trung Quốc đóng vai trò là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Pakistan - với 40% xuất khẩu quân sự của Bắc Kinh có đích đến là Islamabad.

Trong khi Pakistan đã hình thành mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, thì Ấn Độ - với ngân sách quốc phòng lớn gấp sáu lần Pakistan - đã có một chương trình hiện đại hóa quân sự một cách nhanh chóng, trong đó có việc mua máy bay cảnh báo và điều khiển sớm trên không với công nghệ của Israel và máy bay và pháo do Mỹ sản xuất để triển khai dọc theo tuyến kiểm soát Kashmir, thay thế cho các vũ khí Thụy Điển từ thập niên 1980.

Ấn Độ cũng muốn có thêm nhiều công nghệ quân sự mới, nhưng thường bị cản trở bởi sự kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ từ các nhà cung cấp chính như Mỹ và Anh. Các chuyên gia khác cho rằng, Ấn Độ cũng dễ bị tổn thương bởi các cơ sở công nghiệp quân sự trong nước khá nghèo nàn.

“Ấn Độ không có hệ sinh thái công nghiệp. Vì vậy, họ không có kinh nghiệm về thiết kế. Họ có thể có các kỹ sư thông minh, nhưng điều đó không có nghĩa là họ có thể thiết kế một máy bay chiến đấu”, Manoj Joshi, một quan sát viên tại New Delhi phân tích.

Trong khi đó Pakistan đang chế tạo máy bay chiến đấu JF-17 của riêng mình, theo thiết kế của Trung Quốc. Theo nhận định của một số nhà quan sát, đó cũng có thể là một trong những máy bay phản lực đã bắn hạ chiếc MIG-21 của Không quân Ấn Độ. Chiếc MiG-21 của Ấn Độ già nua vẫn là “xương sống” của Không quân Ấn Độ, với khoảng 200 chiếc trong kho. Theo điều tra của Ủy ban Nghị viện Ấn Độ về sự sẵn sàng của quân đội, khoản tiền dành cho hiện đại hóa quân sự Ấn Độ chỉ chiếm 14% số tiền được dành cho quân sự.

Mối đe dọa hạt nhân

Ấn Độ có diện tích rộng gần bằng bốn lần Pakistan, có thể nhanh chóng huy động các lực lượng quân sự trở lại từ các khu vực biên giới căng thẳng, nơi bất kỳ cuộc tấn công nào của Pakistan đều sẽ vấp phải nhiều lớp phòng không. Pakistan nhỏ và hẹp hơn, thiếu chiều sâu chiến lược, nhiều căn cứ và tài sản quân sự nằm sát Ấn Độ, khiến chúng trở thành mục tiêu dễ bị tấn công. Ấn Độ có sự đa dạng và số lượng máy bay mà Pakistan không thể sánh được, bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay tấn công mặt đất, máy bay chở dầu và AWAC.

Trong khi lợi thế trên không dường như nghiêng về phía Ấn Độ, thì Pakistan có một mạng lưới kênh rạch dọc biên giới chằng chịt, khiến mọi kế hoạch tiến quân vào Pakistan theo đường bộ rất nan giải. Về hải quân, Pakistan, với đường bờ biển ngắn hơn nhiều, đã dồn hết sức mạnh vào lực lượng lục quân và không quân của mình. Còn New Delhi có hẳn một tàu sân bay và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong hạm đội.

Một lĩnh vực mà Ấn Độ và Pakistan phát triển khá tương đồng, cũng là lĩnh vực gây lo lắng nhất mỗi khi sự thù địch tăng đột biến giữa hai nước, đó là vũ khí hạt nhân.

Số liệu từ Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho thấy, Pakistan có 140 - 150 đầu đạn hạt nhân, còn Ấn Độ với 130 - 140. Pakistan có chính sách chiến lược ủy quyền phê duyệt sử dụng vũ khí hạt nhân cho các đơn vị chiến thuật cấp thấp hơn, điều đó cũng có nghĩa là các chỉ huy hiếu chiến ở cấp thấp hơn vẫn có thể ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nếu họ thấy phù hợp. Khi các cuộc tấn công gia tăng, như trường hợp một nhóm khủng bố có trụ sở ở Pakistan tấn công một đoàn xe quân sự Ấn Độ ở Kashmir ngày 14/ 2 vừa qua, khiến 40 người thiệt mạng, Ấn Độ dự tính trả đũa, thì Pakistan lại có sẵn mối đe dọa hạt nhân để làm “chiếc roi răn đe”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.