Càng cấm càng tò mò!

GD&TĐ - Thực tế chứng minh, cái gì càng cấm thì càng gây tò mò. Bức tranh “Điện Biên Phủ” của họa sĩ Mai Duy Minh cũng không ngoại lệ.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Giới nghệ sĩ đang xôn xao trước việc triển lãm “Điện Biên Phủ” của họa sĩ Mai Duy Minh phải tạm hoãn - theo yêu cầu của đơn vị cấp phép là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

Nhà phê bình Nguyễn Đỗ Bảo - thành viên hội đồng duyệt triển lãm của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - cho biết, đơn vị đã nhận được văn bản của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) đề nghị xem xét lại triển lãm. Cũng theo ông Bảo, triển lãm tạm hoãn là do có ý kiến cho rằng, bức tranh chính của triển lãm vẽ lá cờ rách quá và vẽ anh bộ đội không đúng về giải phẫu, không đẹp.

Rất khó để phân định đúng – sai trong việc này. Tuy nhiên rất dễ để thấy, nếu chỉ vì một bức tranh vẽ “lá cờ rách quá và anh bộ đội không đúng về giải phẫu” - mà tạm hoãn cả triển lãm là không hợp tình hợp lý. Nếu bức tranh có vấn đề, thì chỉ cần yêu cầu không trưng bày tác phẩm đó – chứ không thể dừng cả một triển lãm.

Triển lãm bao giờ cũng khiến tác giả tốn kém tiền bạc, đồng thời phải huy động công sức của nhiều người. Sớm không dừng, muộn không dừng, đợi sát giờ khai mạc mới thông báo tạm hoãn - trong khi triển lãm đã được cấp phép, cho thấy nhiều vấn đề khiến giới nghệ sĩ lo ngại.

Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Vũ Huy Thông (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng, hình tượng người lính phất lá cờ bị rách vì bom đạn, những người nông dân gầy gò, hình thể nhuốm đầy khói súng rất khác với những hình tượng vạm vỡ, cường tráng được ca ngợi trước đây.

Ông Thông đánh giá cao tác giả Mai Duy Minh, và nhận định bức tranh xứng đáng treo ở một bảo tàng tầm cỡ quốc gia. Bởi tác phẩm hội họa thành công về đề tài Điện Biên Phủ đến nay rất hiếm.

Giới mỹ thuật còn nhớ vào năm 1995, tại Gallery Sông Hồng - loạt tranh giấy dó của Trương Tân bị kiểm duyệt do chứa những hình nhân đồng tính, loã thể. Sau này, tranh loã thể của Trương Tân đã được sưu tập và trưng bày từ Mỹ tới Singapore.

Lịch sử chứng minh, cái gì càng cấm người ta càng tò mò. Huống hồ, mục đích của nghệ thuật là khiến người xem đặt câu hỏi. Không bị cấm, tác phẩm có thể ít người biết đến. Nhưng khi đã cấm, tác phẩm đó sẽ vượt ra khỏi khuôn khổ trên mảnh giấy hay tấm toan, trở thành một phần không quên trong ký ức công chúng.

Tuy nhiên cũng phải nói rằng, nghệ sĩ rất nên tự thỏa hiệp với mình, tự kiểm duyệt bản thân. Cách tân hay đổi mới nghệ thuật cũng phải tính toán, sao cho tác phẩm của mình được ra mắt công chúng.

Với cơ quan chức năng, quản lý văn hóa không có nghĩa kìm hãm sáng tạo, càng không phải để phòng vệ. Tuy nhiên, không thể vì thế mà việc quản lý cấp phép triển lãm có thể buông lỏng, vì thực tế đã có quá nhiều sự cố xảy ra. Như vụ video-art “Artconne Xions” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - có cảnh ráp nối việc làm thịt chó với hình ảnh của một vị tướng.

Làm nghệ thuật rất khó, làm quản lý cũng không dễ. Nghệ sĩ thời nào cũng có đôi chút hờn giận qua lại giữa nghệ thuật và phía quản lý. Đó luôn là một phần của nghệ thuật, nhất là ở những quốc gia đang kiến tạo – mà cả nhà quản lý lẫn nghệ sĩ phải đối diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ