Tìm giải pháp phát triển thị trường mỹ thuật Việt Nam

GD&TĐ - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và văn hóa hiện nay, thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay đang bước vào một giai đoạn suy trầm đáng lo ngại… 

Một triển lãm tranh tại Hà Nội
Một triển lãm tranh tại Hà Nội

Vì thế, việc nghiên cứu quản lý phát triển thị trường mỹ thuật ở Việt Nam có thể xem là một vấn đề bức thiết để phát triển mỹ thuật trên cả hai phương diện kinh tế và văn hóa.

Nhiều vấn đề bất cập

Sau gần 30 năm mở cửa phát triển nền kinh tế thị trường, thị trường mỹ thuật Việt Nam đã có những biến đổi hết sức to lớn. Từ một thị trường mỹ thuật “phi thị trường” trước 1986 (hầu như chỉ phục vụ cho công tác tuyên truyền) đã biến thành một thị trường mỹ thuật vô cùng sôi động trong hai thập niên sau “đổi mới”, tiếp sau đó là một giai đoạn bế tắc kéo dài cho đến nay. 

Như vậy, sau một giai đoạn thăng hoa tưởng chừng như không có điểm kết, thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay đang bước vào một giai đoạn suy trầm đáng lo ngại.

Từ nhiều năm nay, hoạt động buôn bán, trao đổi các tác phẩm mỹ thuật ở Việt Nam đã diễn ra nhưng mang tính chất đơn lẻ như thông qua các nhà sưu tập, các gallery. 

Thực tế, việc mua bán các tác phẩm mỹ thuật có giá trị nghệ thuật cao hầu hết là khách nước ngoài; thị trường nội địa hầu như không có, có chăng chủ yếu là người Việt Nam mua các tranh trang trí tư gia, ít giá trị nghệ thuật. 

Bên cạnh đó, việc định giá giá trị của các tác phẩm nghệ thuật hầu như chưa có sự tham gia của các tổ chức có uy tín như Bảo tàng Mỹ thuật hay các chuyên gia hàng đầu. 

Nếu có mua tác phẩm, cũng không có ai đảm bảo rằng tác phẩm ấy có thể bán được trên thị trường quốc tế - tức là có một giá trị nào đó, bằng hoặc cao hơn mức giá ban đầu. Điều dễ hiểu là trong điều kiện như thế, sẽ rất khó có người bỏ tiền ra mua các tác phẩm nghệ thuật.

Hội thảo “Giải pháp phát triển thị trường mỹ thuật Việt Nam trong bối cảnh kinh tế xã hội đương đại” diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho rằng:

Các Gallery Việt Nam hiện nay hoạt động không theo một quy luật nào cả và rất khó giải thích. Bản thân các Gallery hoạt động cũng không minh bạch, rõ ràng và phía sau còn có rất nhiều vấn đề bất cập.

Cần tạo cơ hội cho thị trường mỹ thuật Việt

Thị trường nghệ thuật không chỉ nằm ở góc độ tạo ra giá trị kinh tế trực tiếp, mà còn ở chỗ gián tiếp tạo ra những giá trị văn hóa. Vì thế, để khắc phục những khoảng khuyết trống của thực trạng thị trường mỹ thuật hiện nay là trăn trở của những người đam mê mỹ thuật Việt.

Họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết: Lâu nay, trong các hoạt động thương mại về mỹ thuật chưa thấy vai trò của Nhà nước hay các tổ chức xã hội. 

Các văn bản pháp luật còn thiếu những chính sách khuyến khích sự phát triển của mỹ thuật nói chung cũng như sự phát triển của thị trường.

 Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự phát triển manh mún của thị trường mỹ thuật ở VN. Giải pháp đưa ra là vai trò của Nhà nước và các tổ chức xã hội cần phải phát huy tính chủ đạo và khả năng định hướng.

PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo nói: “Nhà nước không nên bảo trợ nghệ thuật bằng ngân sách mà nên kích thích thị trường bằng việc ưu đãi về thuế và các thủ tục khác đối với hoạt động đầu tư, bảo trợ nghệ thuật của các doanh nghiệp lớn”. 

Đặc biệt, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ phổ biến nghệ thuật trong đời sống, như đầu tư cho truyền thông, tổ chức nhiều hoạt động trưng bày… nếu cơ quan Nhà nước đứng ra, với uy tín nhất định, chắc chắn thị trường mỹ thuật sẽ khả quan hơn. 

Để người nghệ sỹ có thể sống được bằng công việc chân chính thì họ cần có một môi trường nghệ thuật lành mạnh. Đó là nơi người nghệ sỹ có thể phát huy tối đa tài năng của họ mà không sợ bị những thứ phi chuẩn mực như hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… cạnh tranh. Họ cần đến một cơ chế minh bạch để tự do sáng tác.

Thiết nghĩ, để có được một thị trường nghệ thuật minh bạch và tự do, vấn đề không chỉ ở cá nhân các nghệ sĩ và gallery mà còn ở hệ thống tài chính cũng như các cơ sở pháp lý tầm quốc gia, đặc biệt là các cơ sở đó phải bảo vệ được người mua, kẻ bán ở góc độ bản quyền cũng như sở hữu cá nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ