Cần xử lý nghiêm trách nhiệm liên đới trong quản lý Nhà nước

GD&TĐ - Sự phát triển thịnh vượng, nhanh chóng và bền vững của một quốc gia đều bắt nguồn từ nỗ lực, cố gắng và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm của mọi người dân, nhất là những người nắm các vị trí trọng trách trong xã hội.

Cần xử lý nghiêm trách nhiệm liên đới trong quản lý Nhà nước

Rõ nhất là ở Hàn Quốc: Một chiếc cầu bị sập, lập tức có mấy bộ trưởng nhận trách nhiệm và xin từ chức. Mặc dù, nguyên nhân gây sập cầu có thể không trực tiếp đến từ lỗi, hành vi trái pháp luật của những người này, nhưng họ phải chịu trách nhiệm liên đới vì đơn giản họ... là người đứng đầu. Điều này phần nào lý giải được vì sao đất nước Hàn Quốc có sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc về mọi mặt như vậy.

Ở nước ta việc xử lý trách nhiệm liên đới của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các vụ việc gây thiệt hại chưa được thực hiện nghiêm túc, đôi khi làm qua loa, đối phó dư luận, khi dư luận lắng xuống thì đâu lại vào đấy! Từ đó, dẫn đến tình trạng vì lợi ích hoặc thành tích mà các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền cứ tùy tiện, cẩu thả trong việc tham mưu, đề xuất thực hiện các công trình, dự án hoặc ban hành các văn bản pháp luật không hiệu quả, thiếu khả thi.

Lý do là họ biết rằng trường hợp dự án, công trình có bị thất bại, gây thiệt hại, lãng phí hoặc quy định pháp luật không khả thi... thì họ vẫn đứng ngoài cuộc hoặc đổ lỗi cho thiên tai, “nhân tai”, điều kiện khách quan này nọ và cuối cùng không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì.

Bên cạnh đó, tình trạng cấp dưới, cán bộ dưới quyền tham nhũng, tiêu cực, cố ý làm trái các quy định pháp luật hoặc gây thiệt hại, lãng phí kéo dài nhiều năm, gây bức xúc trong nhân dân nhưng cấp trên trực tiếp vẫn “bình an”, không bị pháp luật đụng tới, không chịu bất kỳ trách nhiệm gì khi vụ việc bị phát hiện, xử lý.

Điều này là bất hợp lý, bởi vì thông thường “nhất cử, nhất động” của cơ quan cấp dưới hoặc cán bộ dưới quyền rất khó “qua mặt” được cán bộ quản lý cấp trên. Theo đó, thông qua báo cáo định kỳ, đột xuất, công tác thanh tra, kiểm tra của các cá nhân, tổ chức trực thuộc hay qua các đợt kiểm điểm nhận xét, đánh giá công tác hàng năm cấp trên đều biết rất rõ nội tình của đơn vị, cán bộ dưới quyền.

Do đó, không thể nói cấp trên không nắm bắt, không biết được hành vi vi phạm của cấp dưới, cán bộ dưới quyền mà chẳng qua là có sự bao che, dung túng hoặc “đôi bên cùng có lợi”, có qua, có lại hoặc chí ít thì cũng phải chịu trách nhiệm do buông lỏng, yếu kém, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành.

Chính vì không xử lý nghiêm trách nhiệm liên đới của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền nên đã dẫn đến việc các công trình, dự án triển khai tràn lan, dàn trải không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên, thất thoát tài sản của Nhà nước, nhân dân.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhờn luật, coi thường pháp luật, cố ý làm trái các quy định của pháp luật ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Vì vậy, việc xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có liên quan, có trách nhiệm liên đới trong các vụ việc tham nhũng, tiêu cực hoặc gây thiệt hại cho Nhà nước, công dân là rất quan trọng. Như vậy, sẽ góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực hiệu quả, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính ràng buộc lẫn nhau trong hệ thống cơ quan Nhà nước; giữa cấp dưới và cấp trên trong thực thi nhiệm vụ nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu của công dân, tổ chức và thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng, bền vững mọi mặt của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.